Sáng 28/5 tại thành phố Vinh, Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo “Tưới ngập khô xen kẽ- Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa bền vững tại Nghệ An”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí đại diện lãnh đạo Viện Chiến lược- Chính sách và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường); Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc trung Bộ; Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Công ty TNHH Green Carbon Japan Việt Nam…

Giảm trên 50% phát thải khí nhà kính
Bắt đầu triển khai tại Nghệ An từ vụ Xuân 2024, với tổng diện tích hơn 5.713 ha; đến vụ Xuân năm nay, ngoài 5 địa phương ban đầu là Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu và Đô Lương, đã có thêm 2 địa phương tham gia Dự án "Tưới ngập khô xen kẽ - Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa bền vững" là Thanh Chương và Quỳnh Lưu, với tổng diện tích tăng lên 20.029 ha.

Theo đánh giá chung, dự án đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận: Giúp giảm phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa ngập truyền thống với mức trên 50% ở cả 2 vụ, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường và là cơ hội giúp nông dân tiến tới tăng thêm thu nhập đáng kể từ việc bán tín chỉ carbon.

Trong khi tiết kiệm được số lần tưới và lượng nước tưới, thì năng suất lúa bình quân tăng nhẹ, giảm sâu bệnh hại và đặc biệt, từ hoạt động của dự án sẽ xây dựng được thương hiệu gạo giảm phát thải, tạo lợi thế về xuất khẩu và giá bán, phát triển thương hiệu; từ đó, thu nhập của nông dân không chỉ tăng từ bán tín chỉ carbon, tăng năng suất mà còn từ giá gạo tăng. Phương thức canh tác này còn giúp thay đổi tập quán canh tác của người dân, góp phần tạo đa dạng sinh thái đồng ruộng, bảo vệ và nâng cao chất lượng tài nguyên sản xuất lúa.

Mở rộng diện tích tưới ngập khô xen kẽ trên cây lúa
Kết quả thực hiện dự án qua các vụ sản xuất cho thấy, Nghệ An hoàn toàn đủ điều kiện để áp dụng công nghệ tưới ngập khô xen kẽ.

“Thành công khi triển khai dự án trên quy mô diện tích lớn đã chứng minh tính ưu việt của kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, là cơ sở và tiền đề để tiếp tục mở rộng diện tích tưới tiết kiệm nước, giảm phát thải trên diện tích lớn hơn, hướng đến canh tác xanh, thân thiện với môi trường, phục vụ phát triển bền vững, mang lại giá trị cho người sản xuất và địa phương”, TS Vũ Duy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường đánh giá đây là hướng đi đúng đắn và đầy tiềm năng, phù hợp với chính sách và định hướng của tỉnh và quốc gia.
Tham gia dự án này mang lại lợi ích rất lớn cho người sản xuất, các công ty quản lý công trình thủy lợi và địa phương, trước mắt là về tăng năng suất, giảm sâu bệnh, tiết kiệm chi phí tưới và nước tưới, trong khi giảm được lượng phát thải khí nhà kính. Trong thời gian tới, khi thị trường tín chỉ carbon được hình thành và các cơ chế hiệp định song phương được ký kết, Nghệ An đã có sự chuẩn bị từ sớm và có thể đi đầu trong việc tham gia những cơ chế thị trường tín chỉ carbon này.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường- Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Tại buổi hội thảo, ông Phan Tiến Thành - đại diện Công ty TNHH Green Carbon Japan Việt Nam- đơn vị triển khai dự án tại Nghệ An thông tin thêm: Bên cạnh các hoạt động triển khai xây dựng và bán tín chỉ carbon, công ty cũng đã ký kết với Công ty Gạo TH thu mua gạo sản xuất theo phương thức giảm phát thải khí nhà kính, góp phần quan trọng tạo thị trường tiêu thụ ổn định và tăng giá trị sản xuất cho nông dân. Đồng thời, sẽ xây dựng thương hiệu gạo và quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đảm bảo về dư lượng thuốc BVTV, từ đó xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Với tiềm năng như vậy, hy vọng sẽ thúc đẩy tăng khoảng 10% thu nhập cho nông dân.

Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đã nêu lên những khó khăn cũng như kiến nghị một số vấn đề để thời gian tới tiếp tục mở rộng triển khai dự án tại Nghệ An như: Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để cán bộ địa phương và nông dân hiểu về phương thức canh tác này và những lợi ích đem lại; đầu tư đồng bộ về hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, hệ thống đo mực nước, báo cáo thông số,….

Trong kế hoạch, Nghệ An sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan, mở rộng diện tích tưới ngập khô xen kẽ nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa bền vững trên địa bàn.
Nguồn: https://baonghean.vn/nghe-an-san-xuat-hon-20-000-ha-lua-theo-phuong-phap-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-10298401.html
Bình luận (0)