Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện, ghi nhận và biểu dương các sở, ban ngành các cấp ở địa phương, người dân trực tiếp theo nghề dệt chiếu đã giữ gìn, duy trì nghề truyền thống đến hôm nay, được công nhận di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, tạo điều kiện quan trọng phát huy thêm nữa truyền thống của làng nghề. Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch lên kế hoạch đưa làng nghề làm chiếu Cà Hom vào chương trình phát triển du lịch của tỉnh; sáng tác các tác phẩm tuyên truyền về di sản văn hoá; đề nghị danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cho những người thợ giỏi nhằm hỗ trợ, lan toả giá trị di sản và hỗ trợ truyền nghề cho các thế hệ sau.
Trà Vinh đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cho Nghề làm chiếu Cà Hom
Nghề làm chiếu Cà Hom là nghề thủ công truyền thống của người Khmer được hình thành cách đây gần 150 năm. Theo hồ sơ di sản, làng nghề hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XIX, bắt đầu từ cụ Mẹt, cụ Mẹt được những người thợ dệt ở Cà Mau đi bán chiếu truyền nghề lại, rồi dần dần lan rộng và tiếp nối đến hôm nay theo hình thức cha truyền con nối. Chiếu Cà Hom có chiều dài từ 3m - 6m có hoa văn hình tháp trên 2 mặt chiếu.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, nghề dệt chiếu Cà Hom dần bị mai một, tuy nhiên được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương làng nghề phát triển mạnh nhất trong những năm 2010 – 2011 và vẫn duy trì đến ngày nay. Hiện tại, trên địa bàn xã có 95 hộ tham gia làng nghề dệt chiếu, trong đó có 58 hộ dệt thường xuyên và 37 hộ dệt thời vụ vào những tháng cuối năm.
Hoa văn hình tháp đặc trưng của chiếu Cà Hom
Nghề dệt chiếu Cà Hom của người Khmer ở xã Hàm Tân, huyện Trà Cú duy trì đến ngày nay góp phần gìn giữ kho tàng tri thức của thế hệ đi trước, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa địa phương. Chiếu cũng là sản phẩm gắn với đời sống tinh thần, thể hiện tính sáng tạo trong văn hóa, nghệ thuật thông qua các sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Bình luận (0)