
Ảnh: NGUYỄN QUỲNH
Một ngày cuối tháng 5 nắng gắt, chúng tôi tìm về cơ sở đúc đồng Phước Kiều của nghệ nhân Dương Ngọc Thắng. Lúc này những người thợ lành nghề đang lúi cúi, tỉ mỉ làm nguội sản phẩm bằng đồng vừa mới ra lò.

Ông Thắng cho biết, gia đình ông có truyền thống làm nghề đúc đồng thủ công, ông là thế hệ thứ tư tiếp nối làng nghề. Những năm qua, cơ sở đúc đồng của ông cho ra đời hàng chục loại sản phẩm như: tượng phật, chậu đồng, tranh đồng, mâm đồng, nhạc cụ dân tộc…
“Để làm ra sản phẩm bằng đồng trải qua nhiều công đoạn như làm chọn đất, làm khuôn, nung khuôn, nấu đồng, rót đồng và làm nguội. Trong đó, quan trọng nhất là công đoạn làm khuôn và thẩm âm vì đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng chi tiết và am hiểu nhạc cụ dân tộc của từng vùng miền để đáp ứng nhu cầu của khách hàng" – ông Thắng nói.

Sản phẩm bằng đồng của cơ sở ông Thắng làm ra chủ yếu cung cấp cho các chùa, cung đình và các khu du lịch ở các tỉnh thành trong cả nước như Sa Pa (Lào Cai), Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, vùng Tây Nguyên...
Cạnh đó, sản phẩm chế tác bằng đồng của nghệ nhân Dương Ngọc Thắng còn được nhiều khách hàng trên thế giới mua về làm đồ lưu niệm. Doanh thu hàng tháng từ nghề đúc đồng đem lại cho ông mức dao động từ 20 đến 200 triệu đồng. "Tôi có sản phẩm cồng chiêng, đèn, súng thần công với 3 lần đoạt giải cấp quốc gia” - ông Thắng thông tin.

Tại địa phương, ông Thắng không chỉ là nghệ nhân làm ra sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, kinh doanh thành đạt mà còn là người thợ giàu tâm huyết trong việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Với những đóng góp cho làng nghề và cộng đồng, năm 2016 Dương Ngọc Thắng được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú.

Hiện, cơ sở đúc đồng của ông Dương Ngọc Thắng có 12 người thợ làm việc thường xuyên với mức thu nhập ổn định. Anh Trương Xuân Vang (25 tuổi, Điện Bàn) cho hay, sau khi đi bộ đội về, anh làm nghề đúc đồng ở cơ sở của ông Thắng với mức thu nhập khoảng 9 triệu đồng.
“Là một người thợ mới vào nghề, tôi luôn cầu thị và học hỏi từng chi tiết để làm ra sản phẩm bằng đồng có chất lượng tốt, đạt độ tinh xảo cao” – anh Vang chia sẻ.
Ông Đoàn Công Đạo – Phó Chủ tịch UBND phường Điện Phương cho biết, ở làng Phước Kiều còn khoảng 7 hộ làm nghề đúc đồng. Dương Ngọc Thắng là một trong những Nghệ nhân ưu tú của làng nghề. Địa phương luôn tạo điều kiện để các nghệ nhân có cơ hội trao đổi kinh nghiệm làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng đồng; kết nối phát triển, tiêu thụ sản phẩm đúc đồng...
[VIDE0] - Ông Thắng chia sẻ về nghề đúc đồng:
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nghe-nhan-lang-phuoc-kieu-dua-san-pham-che-tac-bang-dong-vuon-xa-3155532.html
Bình luận (0)