Ngày 14/5/2025, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ký ban hành quyết định số 1352/QĐ-BVHTTDL, đưa Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo quyết định, UBND tỉnh Lào Cai, Sở VHTT&DL cùng các địa phương có di sản chịu trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động bảo tồn theo đúng quy định pháp luật.
Thấy cúng sửa soạn lễ vật trong lễ cúng rừng. Ảnh: CTV
Đồng bào Pa Dí là một nhóm nhỏ của dân tộc Tày sinh sống tại các xã vùng cao của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Cuộc sống gắn bó với núi rừng nên bà con nơi đây tôn thờ thần rừng, thần cây, thần suối... là những vị thần bảo hộ cho thôn bản. Trong đó, lễ cúng rừng được tổ chức thường niên với ý nghĩa quan trọng.
Người Pa Dí ở Mường Khương thường tổ chức nghi lễ cúng rừng vào cuối tháng Một âm lịch hàng năm, tại khu rừng cấm của thôn bản với lễ vật là những sản vật do dân làng tự tay nuôi trồng.
Lễ vật bắt buộc phải có trong lễ cúng rừng là con gà trống mỏ vàng, chân vàng, cùng với thịt của con lợn cái, với ý nghĩa cầu mong vạn sự sinh sôi nảy nở.
Nghi thức cúng được chia thành 2 phần: Phần tế sống là mang các con vật đã được rửa sạch, cúng dâng cho thần rừng, mời thần về chứng giám. Phần thứ hai là cúng đồ chín, dâng lễ vật lên mời thần rừng về hiến hưởng.
Khi thực hiện nghi thức cúng, thầy cúng sẽ gọi tên các lễ vật rồi mời thần rừng và sơn thần, thổ địa về dự và nhận các lễ vật mà dân làng đã chuẩn bị. Sau khi cúng chín thì phải đốt tiền vàng tại gốc cây được lựa chọn làm lễ cúng.
Sau phần lễ linh thiêng, uy nghiêm là phần hội. Dân làng cùng thụ hưởng lễ vật, cùng ăn bữa cơm đoàn kết, cùng hát ca và vui chơi các trò chơi dân gian ngay trong rừng cấm.
Sau khi toàn bộ phần lễ và phần hội kết thúc, bà con ra về và trong vòng 3 ngày tiếp theo, không ai được vào rừng.
Đồng bào Pa Dí cùng thắp hương cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, sức khỏe, may mắn. Ảnh: CTV
Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí là một tập quán xã hội và tín ngưỡng độc đáo, phản ánh mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Nghi lễ không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn là dịp gắn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguồn:https://congluan.vn/nghi-le-cung-rung-cua-nguoi-pa-di-o-lao-cai-la-di-san-quoc-gia-10290425.html
Bình luận (0)