Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghỉ lễ, đi đâu trốn nắng nóng?

TP.HCM và các tỉnh thành Nam bộ nói chung đón đợt nắng nóng diện rộng, có xu hướng gia tăng trong những ngày dịp Giỗ tổ Hùng Vương.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai05/04/2025

Nắng nóng gia tăng

Hôm qua (4.4), TP.HCM trải qua một ngày nắng nóng gay gắt. Nắng từ sáng đến 17 giờ vẫn chói chang, nhiệt độ vẫn cao. Không khí này khiến người dân TP tự hỏi dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10.3 âm lịch (nhằm ngày 7.4), thời tiết sẽ thế nào? Liệu có dễ chịu, thuận tiện để nghỉ ngơi, vui chơi hay không? Bởi thời điểm này, tại TP mang tên Bác đang rộn ràng rất nhiều chương trình, hoạt động chuẩn bị cho dịp 50 năm ngày đất nước thống nhất.

Dự báo Nam bộ sẽ có những ngày nắng nóng đến 38 độ C trong tháng 4. ẢNH: Chí Nhân
Dự báo Nam bộ sẽ có những ngày nắng nóng đến 38 độ C trong tháng 4. ẢNH: Chí Nhân

Thực tế, trước Giỗ tổ 1 tuần, không khí lễ hội ở TP.HCM đã chính thức bắt đầu với lễ hội văn hóa dân gian "Hương sắc 3 miền" tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Không chỉ đơn thuần là một hoạt động ẩm thực, lễ hội còn là không gian văn hóa ấm cúng, hội tụ tinh hoa đặc sắc của 3 miền Bắc - Trung - Nam, kết hợp các hoạt động ý nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc. Chương trình đã thu hút rất đông người dân tham gia trải nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người hạn chế ra đường hay tham gia các hoạt động ngoài trời vì nắng nóng gay gắt. Anh T.K.H, mới tham quan một vòng lễ hội "Hương sắc 3 miền", cho biết thời tiết quá nóng ảnh hưởng khá lớn đến các hoạt động vào ban ngày. Dù du khách trong và ngoài nước khá đông, khá hào hứng nhưng chỉ một lát là thấm mệt. Bản thân anh cũng vậy, dạo một vòng, mua một số đặc sản Cao Bằng như chè lam, thạch đen; bánh đặc sản của Vĩnh Long... rồi phải quay ra ngồi nghỉ mệt vì quá nắng nóng.

Hiện, cùng với không khí sôi động của các hoạt động chào mừng ngày Giỗ tổ và dịp lễ 30.4 thì nhiệt độ cũng gia tăng nhanh chóng. Ngay khi đợt mưa trái mùa vừa kết thúc, mấy ngày gần đây nắng nóng gay gắt đã quay trở lại ở TP.HCM, đặc biệt là vào buổi trưa và đầu giờ chiều với mức nhiệt độ cảm nhận lên tới 37 - 38 độ C. Anh Lê Minh Trí (ngụ Q.Tân Bình) cho biết: "Gia đình mình rất thích tham gia các hoạt động trải nghiệm cộng đồng, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ. Đây là cơ hội để khám phá văn hóa các nơi ngay tại TP.HCM. Tuy nhiên, vào mùa này nắng nóng gay gắt là trở ngại không nhỏ. Dù năm nay mưa trái mùa xuất hiện khá thường xuyên nhưng mỗi khi mưa dứt là nắng nóng đến rát da rất đáng ngại. Chính vì vậy, mình cũng hạn chế ra đường vào những ngày nắng nóng gay gắt".

Giải thích về hiện tượng này, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết: Nam bộ đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, thông thường vẫn có những trận mưa trái mùa xuất hiện. Còn những lúc không mưa, nắng nóng gay gắt như mấy ngày qua, thậm chí như châm chích vào da thịt vì sau ngày xuân phân, bức xạ mặt trời chiếu thẳng xuống vùng có vĩ độ thấp, trong đó có VN. Thời gian nắng nóng trong ngày cũng kéo dài hơn. Đó là đặc trưng của mùa khô ở Nam bộ. Bên cạnh đó, tình trạng nắng nóng còn do chịu ảnh hưởng của áp thấp nóng phía tây tràn sang.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ), thông tin: Trong kỳ nghỉ lễ lần này, tại TP.HCM trời không mưa và sẽ xuất hiện tình trạng nắng nóng với mức nhiệt độ cao nhất là 35 độ C. Đặc biệt ở khu vực trung tâm TP có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lên tới 37 độ C. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong những ngày qua, khu vực miền Đông Nam bộ có nắng nóng với nhiệt độ phổ biến 35 độ C. Cảnh báo nắng nóng ở Nam bộ còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10.4. Cần lưu ý, nhiệt độ cảm nhận có thể chênh lệch 2 - 4 độ C so với nhiệt độ thực tế ngoài trời, thậm chí cao hơn nếu có các bề mặt hấp thụ nhiệt như bê tông, đường nhựa... Do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và độ ẩm giảm thấp, người dân cần đề phòng nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn tại khu dân cư; bên cạnh đó là nguy cơ cháy rừng.

Nghỉ lễ này có thể đi đâu trốn nóng?

Chị Nguyễn Ngọc Hà, nhân viên văn phòng ở Q.3, cho biết thường chị sẽ đi du lịch để xả stress vào dịp 30.4 - 1.5, do đây là kỳ nghỉ dài ngày nhất trong giai đoạn nửa đầu năm. Tuy nhiên, năm nay chị sẽ thay đổi kế hoạch một chút là ở lại TP.HCM để đón đại lễ. "Tôi xem tin tức thấy TP có nhiều hoạt động rất hấp dẫn và muốn được trải nghiệm không khí đặc biệt này. Bên cạnh đó, những ngày qua thấy lực lượng không quân tổ chức diễn tập máy bay rất thú vị. Vì vậy tôi sẽ tranh thủ đợt Giỗ tổ Hùng Vương đi đâu đó trong vài ba ngày; bản thân đang phân vân giữa một số phương án như lên Đà Lạt trốn nóng, về miệt vườn miền Tây hay đi tắm biển…", chị Hà chia sẻ.

Bên cạnh đó, những người đi chơi xa cũng muốn biết thời tiết ở điểm đến có thuận lợi hay không. Về vấn đề này, ông Quyết thông tin: Trong khi ở TP.HCM xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt cục bộ thì các địa điểm du lịch lân cận hầu hết không mưa; riêng Nha Trang, Đà Lạt vào ngày 5 - 6.4 có khả năng có mưa nhỏ nhưng không đáng kể. Các điểm du lịch biển ven bờ và biển đảo như Phú Quốc, Côn Đảo… có gió nhẹ, sóng yếu nên rất thuận lợi cho du lịch biển và tàu thuyền ra vào các huyện đảo. Cụ thể tại Vũng Tàu, nhiệt độ phổ biến từ 27 - 33 độ C, Nha Trang còn lý tưởng hơn với mức nhiệt dao động từ 25 - 32 độ C; Mũi Né, Côn Đảo, Phú Quốc nhiệt độ phổ biến từ 25 - 32 độ C. Riêng Đà Lạt từ 15 - 28 độ C, đến ngày 7.4 tăng nhẹ lên từ 17 - 30 độ C.

Cũng theo ông Quyết, trong 10 ngày đầu tháng 4, áp cao lạnh ở phía bắc suy yếu và di chuyển ra phía đông, sau đó có khả năng có một đợt tăng cường lệch đông vào khoảng ngày 5 - 7.4, nhưng cường độ yếu và thời gian ngắn. Trong những ngày cuối của giai đoạn này, áp thấp nóng phía tây phát triển về phía đông nam, có xu hướng nối với những nhiễu động trên Biển Đông tạo thành rãnh tây bắc đông nam chi phối thời tiết khu vực. Khoảng 3 - 4 ngày cuối tuần, nắng nóng gia tăng, thời tiết khu vực phổ biến ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối có mưa rào và giông vài nơi với mưa giông có xu hướng gia tăng dần trong 1 - 2 ngày cuối. "Trong tháng 4, nắng nóng diện rộng và nắng nóng gay gắt xuất hiện thành nhiều đợt với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối có thể lên tới 37 - 38 độ C ở các tỉnh thành miền Đông. Số ngày nắng nóng ở miền Đông phổ biến từ 10 - 15 ngày, miền Tây 2 - 5 ngày, riêng ở ven biên giới tây nam từ 5 - 10 ngày; so với trung bình nhiều năm số ngày nắng nóng ít hơn từ 5 - 7 ngày", ông Quyết cho biết.

Như vậy, có thể nói, rất khó trốn nóng ở phía nam vào dịp lễ này.

Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Theo Chí Nhân (TNO)

Nguồn: https://baogialai.com.vn/nghi-le-di-dau-tron-nang-nong-post317713.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm