Một trong những nội dung quan trọng được Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) chỉ đạo tập trung thực hiện chính là đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho KTTN. Giải pháp này đã tạo sự phấn khởi trong cộng đồng các doanh nghiệp (DN) và góp phần giải quyết đúng cái khó của DN lâu nay.
Các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Ảnh: K.T
DOANH NGHIỆP “CHẠY VỐN”
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, thiếu và chưa đủ vốn phục vụ cho sản xuất - kinh doanh luôn là cái khó hàng đầu của nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, với gần 90% DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ thì càng khó tiếp cận các chính sách tín dụng, thậm chí ngay cả những chính sách tín dụng ưu đãi đặc thù, do ít và không có tài sản thế chấp, thiếu phương án và kế hoạch kinh doanh hiệu quả, nợ thuế và cả nợ các chính sách đối với người lao động trong tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… Đặc biệt khi đến mùa vụ, DN thường lâm vào cảnh “chạy vốn”, thậm chí phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao để “xoay vòng” và thanh toán các hợp đồng cho đối tác… Do vậy, việc đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho KTTN đã mở ra nhiều cơ hội mới cho DN khơi thông nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn liên kết hợp tác và mở rộng quy mô sản xuất, thị trường và cả đầu tư cho khoa học - công nghệ mới vào sản xuất. Bởi Nghị quyết 68 đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng cho KTTN và có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa, DN công nghiệp hỗ trợ, DN khởi nghiệp sáng tạo vay để đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và tín dụng xuất khẩu, tín dụng theo chuỗi cung ứng.
ĐA DẠNG HÓA NGUỒN VỐN
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết 68 chỉ đạo về tín dụng trong đa dạng hóa nguồn vốn chính là rà soát khuôn khổ pháp lý, hoàn thiện mô hình các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa ở cả Trung ương, địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính, các DN lớn bảo lãnh cho các khoản vay của các DN nhỏ và vừa; chấp nhận rủi ro do điều kiện khách quan, bất khả kháng trong hoạt động bảo lãnh; thực hiện quản lý theo mục tiêu tổng thể; quy định mức trích quỹ dự phòng tài chính hợp lý, nới lỏng điều kiện cấp bảo lãnh so với điều kiện vay vốn ngân hàng; có cơ chế bổ sung nguồn lực, chính sách bảo hiểm hợp lý bảo đảm an toàn hệ thống. Nghiên cứu thành lập quỹ tái bảo lãnh và các mô hình bảo lãnh chéo, đồng bảo lãnh... Đặc biệt là hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa theo hướng mở rộng đối tượng, đơn giản hóa, minh bạch hóa, số hóa điều kiện, quy trình, thủ tục tiếp nhận, thẩm định, cho vay và giải ngân vốn; đa dạng hóa nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đóng góp từ DN, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế...; khẩn trương bổ sung chức năng, nhiệm vụ đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương và các quỹ đầu tư tư nhân để tăng nguồn cung vốn cho DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp sáng tạo; tài trợ vốn mồi cho các dự án khởi nghiệp, cho vay khởi nghiệp; xây dựng vườn ươm và hỗ trợ khởi nghiệp. Khuyến khích mô hình đồng tài trợ của các quỹ Trung ương, địa phương, tư nhân và các tổ chức tài chính, tín dụng nhằm chia sẻ rủi ro và tăng mức ưu đãi cho các khoản vay đối với các DN nhỏ và vừa.
Ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát về cho vay ngang hàng, về sàn giao dịch gọi vốn cộng đồng để kết nối trực tiếp DN nhỏ và vừa với cá nhân, tổ chức tài trợ vốn. Kết nối, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống ngân hàng, thuế và các cơ quan có liên quan, bảo đảm liên thông, chia sẻ dữ liệu về tình hình hoạt động và tài chính của DN, đánh giá tình hình mức độ tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của DN từ phía các tổ chức tín dụng, các quỹ tài chính và các tổ chức xếp hạng tín dụng thứ ba để tăng cường cho vay đối với DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh…
KIM TRUNG
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/kinh-te/nghi-quyet-68-khoi-thong-tin-dung-cho-doanh-nghiep-100865.html
Bình luận (0)