Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghịch lý ngành dừa - giá càng tăng, nhà máy càng khốn đốn vì thiếu nguyên liệu hoạt động

Chưa bao giờ giá dừa nguyên liệu ở ÐBSCL lên cơn sốt như hiện nay với khoảng 210.000-230.000 đồng/chục (12 trái). Giá dừa tăng giúp nông dân lời nhiều, nhưng nghịch lý là hàng loạt nhà máy chế biến dừa xuất khẩu ở Bến Tre, Trà Vinh… rơi vào cảnh thiếu hụt nguyên liệu, buộc phải giảm mạnh công suất hoặc chạy cầm chừng. Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Cao Bá Ðăng Khoa, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ27/05/2025


Thương lái thu mua dừa ở Bến Tre phục vụ chế biến, xuất khẩu.

 

* Thưa ông, đâu là nguyên nhân đẩy giá dừa nguyên liệu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, khiến nhiều nhà máy rơi vào cảnh thiếu dừa để chế biến, xuất khẩu?

- Ðúng là giá dừa đang tăng rất cao ở khu vực ÐBSCL và các nơi khác; ngoài ra, tại các nước trồng dừa nhiều ở châu Á thì giá dừa cũng dao động mức cao nhất trong nhiều năm qua. Nguyên nhân do năm nay thời tiết không thuận lợi, dừa bị mất mùa ở nhiều quốc gia. Còn tại Việt Nam thì năng suất dừa vụ này cũng không cao do tác động hạn mặn trước đây, biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng; mặt khác hiện đang vào mùa nghịch (vụ treo) nên sản lượng dừa không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi và các sản phẩm chế biến từ dừa trên thế giới tăng cao, dẫn đến "cung không đủ cầu" đẩy giá dừa tăng liên tục.

* Ðiều nghịch lý hiện nay là giá dừa ở mức cao nhưng hàng loạt nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa phục vụ xuất khẩu đang khốn đốn bởi tình trạng thiếu dừa; trong khi số lượng lớn dừa nguyên liệu được xuất khẩu thô ra nước ngoài?

- Ðây là vấn đề khá nan giải hiện nay mà ngành dừa đang đối mặt. Theo thông tin từ Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre thì hiện có khoảng 40-50% sản lượng dừa của địa phương được xuất khẩu dạng thô ra nước ngoài (nhiều nhất là Trung Quốc), từ đó khiến hàng loạt nhà máy chế biến dừa phải giảm công suất hoạt động, thậm chí chạy cầm chừng do thiếu trầm trọng nguyên liệu.

Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đang thực hành chính sách cấm xuất khẩu dừa nguyên liệu nhằm ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước sản xuất ổn định như Philippines, Malaysia. Bên cạnh đó, Indonesia là quốc gia có vùng nguyên liệu dừa lớn nhất thế giới. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp ở ÐBSCL nhập khẩu dừa nguyên liệu từ Indonesia để sản xuất dù chịu thiệt thòi với các khoản chi phí vận chuyển. Phía Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu áp thuế 80% với dừa nguyên liệu xuất khẩu nhằm ưu tiên nguyên liệu cho các nhà máy trong nước và chỉ khuyến khích xuất khẩu dừa tươi. Tại một số hội nghị quốc tế, Chính phủ Indonesia đã nêu định hướng trong thời gian tới sẽ cấm xuất khẩu dừa nguyên liệu hoàn toàn. Vì vậy nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dừa chế biến sâu đang nhập khẩu nguyên liệu từ Indonesia như Ấn Ðộ, Israel, Pakistan… đang so sánh lợi thế lâu dài về giá dừa nguyên liệu giữa Indonesia và Việt Nam, nhằm chuyển sang nhập khẩu dừa nguyên liệu của Việt Nam. Ngoài ra, những năm gần đây ngành nông nghiệp Thái Lan đang chuyển dần sang trồng dừa tươi với đặc điểm nhanh thu hoạch, ít tốn chi phí đầu tư… Từ đó khiến các nhà máy tại Thái Lan trở nên khan hiếm dừa nguyên liệu chế biến và họ chuyển sang nhập khẩu dừa nguyên liệu của Việt Nam. Những yếu tố trên cho thấy nguồn nguyên liệu dừa của Việt Nam ngày càng bị "chảy máu" ra nước ngoài khá lớn, làm cho các nhà máy trong nước không đủ dừa chế biến sâu, ảnh hưởng các hợp đồng xuất khẩu và tạo việc làm cho nhiều công nhân ở các nhà máy.

Cần thấy rằng, năm 2023, trái dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ và năm 2024 Trung Quốc chấp thuận cho dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này đã tạo nên làm sóng đầu tư lớn từ các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Ðộ, SriLanka, Israel… Trong đó, phải kể đến các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ dừa với giá trị cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng từ nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Trung Ðông… Hiệp hội Dừa Việt Nam đã xây dựng kế hoạch trung và dài hạn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, bền vững về tuần hoàn, giá trị cao…

Vì vậy để đảm bảo nguồn nguyên liệu dừa phục vụ chế biến sâu ở các nhà máy trong nước nhằm nâng cao giá trị, nên Hiệp hội Dừa Việt Nam đang xây dựng phương án trình lên cấp thẩm quyền xem xét áp thuế khoảng 5% đối với xuất khẩu dừa thô. Cụ thể, Hiệp hội Dừa Việt Nam dự kiến đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính… xem xét áp thuế dừa nguyên liệu xuất khẩu dạng thô chưa qua chế biến như, dừa đã qua công đoạn làm khô (mã hàng 0801.11.00) mức thuế 5%; dừa còn nguyên sọ (mã hàng 0801.12.00) mức thuế 5%.

* Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại nếu áp thuế xuất khẩu dừa thô thì nguy cơ dẫn đến dừa trong nước sẽ rớt giá gây ảnh hưởng đến nông dân trồng dừa?

- Chúng tôi đã có suy tính việc này. Thời gian qua, Hiệp hội Dừa Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo và lắng nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chế biến sâu từ dừa. Trước đây vào những năm 2011, chúng ta có áp thuế xuất khẩu trái dừa 3% và sau đó giá dừa trong nước sụt giảm sâu, bởi thời điểm đó Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp, 5 nhà máy sản xuất sản phẩm từ dừa xuất khẩu nên tiêu thụ sản lượng dừa còn hạn chế. Trong khi hiện nay, chúng ta có hàng trăm doanh nghiệp và cơ sở chế biến, kinh doanh dừa các loại; trong đó có hơn 45 nhà máy chế biến sâu, với hơn 200 sản phẩm dừa phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, dầu dừa… được xuất sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với năng lực như vậy về cơ bản sẽ tiêu thụ dừa cho nông dân ÐBSCL ổn định.

Quan điểm áp thuế xuất khẩu đối với dừa nguyên liệu 5%, nhằm ổn định nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp trong nước an tâm sản xuất, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị thấp. Riêng dừa tươi vẫn khuyến khích xuất khẩu và giữ mức thuế 0%.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã khảo sát về chi phí cho trái dừa nguyên liệu bao gồm cây giống, đất, công chăm sóc… là khoảng 3.200 đồng/trái. Từ đầu năm 2025 đến nay giá dừa nguyên liệu tăng 150% so với giá trung bình trong 3 năm vừa qua. Cụ thể, giá thu mua dừa tại vườn trong quý I-2025 là 13.500 đồng/trái, trừ đi giá vốn là 3.200 đồng/trái thì bà con thu lãi rất lớn. Hiệp hội đề xuất thuế xuất khẩu dừa thô 5% cũng nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và kéo giá dừa trở về mức 8.000-10.000 đồng/trái, thì cây dừa vẫn thể hiện khả năng mang lại lợi ích đáng kể, lợi nhuận tốt cho nông dân.

* Xin cảm ơn ông.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện cả nước có hơn 200.000ha dừa, tập trung chủ yếu ở ÐBSCL và duyên hải miền Trung, với sản lượng khai thác trung bình 2 triệu tấn mỗi năm. Nếu như năm 2015, Việt Nam có 8 nhà máy sản xuất xuất khẩu các sản phẩm dừa, thì đến năm 2024 đã có 45 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dừa. Ðặc biệt, nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy công nghệ cao, đầu tư vùng nguyên liệu hàng chục ngàn héc-ta đạt các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ nhu cầu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), Công ty TNHH Sản xuất dừa Lương Quới, Công ty Cổ phần Ðầu tư Dừa Bến Tre (Beinco)… Trong đó, Công ty Beinco không chỉ sản xuất các sản phẩm từ dừa thông thường, mà còn có các sản phẩm organic. Beinco đang tập trung vào phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa và có dịch vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng, bao gồm cả sản phẩm organic. Beinco có nhà máy hiện đại và có vùng nguyên liệu dừa chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đơn vị này đang cung cấp nhiều loại sản phẩm từ dừa như nước cốt dừa, nước cốt dừa đậm đặc, cream dừa, cơm dừa sấy khô, dầu dừa nguyên chất, sữa dừa có thạch, nước dừa có ga, nước dừa có cơm dừa…

Có thể nói, ngành chế biến dừa ở ÐBSCL phát triển khá mạnh và vươn tầm ra thế giới. Vì vậy, việc giữ nguồn nguyên liệu dừa để phục vụ chế biến sâu, giá trị cao cần phải được ưu tiên…

PHƯỚC BÌNH (thực hiện)

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nghich-ly-nganh-dua-gia-cang-tang-nha-may-cang-khon-don-vi-thieu-nguyen-lieu-hoat-dong-a186904.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm