Rời quê hương Lạng Sơn vào Ea Siên sinh sống và lập nghiệp từ những năm 1992, một trong những hành trang mang theo của người Nùng nơi đây là điệu hát sli ngọt ngào, sâu lắng. Sau những ngày làm việc vất vả, họ cùng ngồi lại với nhau và cất lên lời hát để vơi đi nỗi nhọc nhằn, nỗi nhớ quê hương, người thân nơi xa xứ.
Ông Hứa Văn Lý (thôn 3), một “lão làng” được nhiều người biết với giọng hát sli đầy mượt mà nhưng không kém phần hào sảng cho hay: “Sli trong tiếng Nùng nghĩa là thơ. Hát sli thuộc thể loại hát nói được thể hiện dưới hình thức hát giao duyên, nam nữ từ hai người trở lên hát đối đáp chứ không bao giờ hát đơn như nhiều loại hình âm nhạc khác. Hát sli không có nhạc đệm, không có vũ đạo gì mà người hát tự phối bè với nhau thể hiện qua nét mặt, qua một vài cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung khi hát, người nghe hát sli không thưởng thức giai điệu mà chủ yếu nghe lời thơ trong từng câu hát”.
Ông Hứa Văn Lý và vợ hào hứng "khoe" điệu sli. |
Cứ thế, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, điệu hát sli không đơn thuần là những câu hát mà còn là một “đặc sản” dân ca trữ tình của đồng bào Nùng tạo không khí phấn khởi, sảng khoái, giúp con người có thêm niềm vui, thêm tin yêu cuộc sống. Bản thân ông Lý biết hát sli từ thời còn ở quê hương Cao Lộc (Lạng Sơn). Lúc đó còn trẻ, ông thường theo người lớn trong nhà đi chợ, đi trẩy hội, thấy mọi người hát ông cũng dần học và bắt chước hát theo. Cứ thế, điệu hát sli ngấm dần vào tâm thức, bền chặt trong đời sống của ông từ quê hương đến cả khi vào vùng đất mới.
Từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định đưa “Hát sli dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. |
Hiện ông Lý và nhiều người Nùng ở xã Ea Siên không chỉ ngân lên giai điệu sli ngọt ngào trong mỗi dịp lễ hội Hảng Pồ (chợ tình) mà còn thường xuyên luyện tập, biểu diễn khi tham gia Câu lạc bộ (CLB) hát sli xã Ea Siên. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm CLB, ông Lý cũng là “đầu tàu” dẫn dắt, hướng dẫn và kết nối những người có chung đam mê, yêu thích điệu hát sli. Luôn trăn trở việc gìn giữ và lan tỏa các làn điệu hát sli, ông Lý cũng như những nghệ nhân, người cao tuổi ở Ea Siên đã trở thành những “người giữ lửa” cho văn hóa truyền thống. Họ không chỉ là nghệ nhân hát sli mà còn là những người truyền dạy, hướng dẫn cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa này.
Hát sli được xem là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng; là phương tiện giao tiếp trên mọi phương diện cuộc sống người Nùng từ se duyên, chúc phúc, giãi bày... Hát sli còn là sợi dây vô hình kết nối giữa các nhóm người có thể chưa quen biết với nhau; là dịp trao đổi tình cảm, thể hiện mối quan hệ, ứng xử, giao tiếp; đặc biệt nhiều đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng, nhiều người đã thành những đôi bạn thân thiết.
Theo ông Lý, mỗi nhánh dân tộc Nùng có điệu hát sli khác nhau, với nhóm người Nùng Giang có Sli Giang; Nùng Phàn Slình có Sli Phàn Slình, Nùng Cháo có Sli Sình Làng, Cổ Lẩu… Ngoài tính giải trí, giao duyên, điệu sli còn là loại hình văn hóa giúp gắn kết tình cảm cộng đồng, làng bản hoặc liên làng bản trở nên gắn bó và sâu sắc hơn. Không chỉ thế, hát sli còn truyền tải tri thức dân gian, lưu giữ ngôn ngữ của cộng đồng, mang tính giáo dục, trao truyền ý thức về cội nguồn, sự tôn kính, lòng biết ơn ông bà, tổ tiên.
Các thành viên Câu lạc bộ hát sli xã Ea Siên giao lưu, biểu diễn hát sli trong Lễ hội Hảng Pồ. |
Không biết có từ khi nào, chỉ biết hát sli đã được người Nùng truyền từ đời này qua đời khác. Hiện trên địa bàn xã Ea Siên có khá nhiều người biết hát sli, ngoài CLB hát sli xã Ea Siên với 30 thành viên thì hầu hết ở các thôn, buôn có người Nùng sinh sống đều thành lập những đội, nhóm hát sli. Tuy nhiên, những người biết hát sli hiện nay hầu hết ở độ tuổi sinh năm 1980 trở về trước, còn lớp trẻ dường như không biết hát và không mấy mặn mà với những làn điệu dân ca của cha ông.
Do đó, để lưu truyền và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Nùng trên vùng đất Tây Nguyên, những năm gần đây, chính quyền địa phương và lớp người già ở xã Ea Siên đang tìm cách đưa hát sli vào trong các chương trình biểu diễn, giao lưu, lễ hội và cả các hội thi văn hóa, văn nghệ để lưu truyền cũng như lan tỏa, thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Siên Nông Văn Dũng, chính quyền xã Ea Siên và thị xã Buôn Hồ đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc Nùng, trong đó có điệu hát sli. Thời gian qua, điệu hát sli đang được khôi phục mạnh mẽ, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ trang phục, tạo mọi điều kiện cho các CLB, đội, nhóm luyện tập, biểu diễn. Đồng thời đã và đang đề xuất các cơ quan, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ địa phương trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể hát sli như tổ chức lớp truyền dạy hát sli, hội thảo về văn hóa dân tộc, hoặc xây dựng các dự án bảo tồn âm nhạc truyền thống người Nùng... nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ sau này.
Thúy Hồng
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/ngot-ngao-lan-dieu-sli-tren-cao-nguyen-8f616b5/
Bình luận (0)