Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngọt ngào mật mía Miền Xanh

QUẢNG NGÃI Hành trình khôi phục nghề nấu mật mía của chị Nguyễn Thị Thu Thủy không chỉ gìn giữ hương vị quê nhà mà còn là nỗ lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Báo Nông nghiệp Việt NamBáo Nông nghiệp Việt Nam09/05/2025


Sinh ra và lớn lên tại thôn Mỹ Thạnh Bắc (xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), chị Nguyễn Thị Thu Thủy (40 tuổi) từng có công việc ổn định tại TP.HCM.

Tuy nhiên, nỗi nhớ quê hương và trăn trở vì nghề truyền thống đang dần mai một đã thôi thúc chị cùng chồng là anh Đoàn Đức Uy quyết định trở về quê hương vào năm 2016 để khôi phục nghề nấu mật mía truyền thống.

"Mật mía, nghe cái tên đã nhớ đến ngày xưa, thời ông bà còn làm đường mía, mật mía thủ công. Tôi muốn giữ gìn trọn vẹn hương vị ngày xưa và đưa mật mía trở lại”, chị Thủy chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ về hành trình vực dậy nghề truyền thống. Ảnh: Văn Hà.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ về hành trình vực dậy nghề truyền thống. Ảnh: Văn Hà.

Để khôi phục nghề, vợ chồng chị Thủy tìm hiểu kỹ thuật nấu mật mía từ các cụ cao niên trong làng và tìm đến những cơ sở sản xuất mật mía có quy mô lớn trên khắp cả nước để học hỏi thêm.

Sau 4 năm chuẩn bị, tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng chị Thủy dùng hết số tiền tích góp và vay mượn thêm từ người thân, bạn bè đầu tư máy móc, xây dựng cơ sở, bắt tay vào công cuộc hồi sinh sản phẩm từ cây mía và giữ gìn trọn vẹn hương vị mật mía truyền thống xưa.

Hiện quy trình sản xuất mật mía tại cơ sở của chị Thủy bao gồm nhiều công đoạn như phân loại mía, bóc vỏ, ép nước, lắng mật và nấu cô đặc trong chảo lớn suốt 10 - 12 tiếng. Sau khi nấu, mật được để nguội, lắng cặn và đóng chai.

Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị Thủy tạo việc làm cho 7 lao động và liên kết với 10 hộ dân trồng hơn 5ha mía tại xã Nghĩa Thuận và Nghĩa Thắng. Mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ 1,5 - 2 tấn mía, sản xuất từ 150 - 200 lít mật mía.

Sau khi nấu, mật được để nguội, lắng cặn. Ảnh: Văn Hà.

Sau khi nấu, mật được để nguội, lắng cặn. Ảnh: Văn Hà.

Là một trong những hộ tham gia trồng mía liên kết với chị Thủy, bà Phạm Thị Liên ( xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) bày tỏ: “Ở gần nên mía sau khi thu hoạch đưa đi tiêu thụ rất dễ. Với 1ha mía, sau khi trừ chi phí, tôi thu được 70 – 80 triệu đồng/ năm. Sắp tới, tôi dự kiến sẽ tăng diện tích trồng mía để cung cấp cho cơ sở làm mật mía của chị Thủy”.

Năm 2024, dự án "Mật mía Miền Xanh" của chị Thủy đã xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 5 năm 2024.  Hiện sản phẩm OCOP 4 sao "Mật mía Miền Xanh" do cơ sở kinh doanh Miền Trung Xanh của chị Thủy sản xuất đang được thị trường ưa chuộng, đón nhận.

Cơ sở đã ký hợp đồng cung ứng sản phẩm mật mía cho khoảng 20 doanh nghiệp và 60 đại lý ở 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sản phẩm mật mía của cơ sở còn xuất khẩu chính ngạch sang New Zealand, xuất theo đường tiểu ngạch sang Mỹ, Trung Quốc. 

Sản phẩm mật mía Miền Xanh được tiêu thụ ở nhiều nơi. Ảnh: Văn Hà.

Sản phẩm mật mía Miền Xanh được tiêu thụ ở nhiều nơi. Ảnh: Văn Hà.

Chị Thủy dự kiến sẽ mở rộng vùng nguyên liệu lên 20ha, không chỉ để tăng sản lượng mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm mật mía với mong muốn mang đến sản phẩm an toàn, chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo tồn giá trị văn hóa của nghề mía đường tại quê hương Quảng Ngãi.

Mỗi chai mật mía không chỉ chứa đựng hương vị ngọt ngào mà còn là tâm huyết, niềm tự hào với quyết tâm gìn giữ những giá trị bền vững cho thế hệ mai sau.

Nguồn:https://nongsanviet.nongnghiep.vn/ngot-ngao-mat-mia-mien-xanh-d751513.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm