Vườn vải trĩu quả ở xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông |
• NGƯỜI TRỒNG VẢI TRÚNG ĐẬM
Những ngày đầu tháng 5, các hộ dân trồng vải trên địa bàn xã Đạ Rsal đang chuẩn bị đón thương lái về cắt vải tại vườn. Nhìn những chùm quả to tròn được phủ một màu hồng đỏ ngọt dịu, ông Phan Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác Hợp Tiến cũng không giấu nổi vui mừng bởi những nỗ lực chinh phục loại cây trồng này đã cho ra quả ngọt.
“So với năm ngoái thì năm nay, người trồng vải trúng đậm, ai nấy đều phấn khởi. Thương lái tìm đến tận vườn mua, nhiều lời mời hợp tác cung cấp vải xuất khẩu cũng đã có. Đây cũng là thành quả cho nỗ lực gắn bó với cây trồng này nhiều năm”, ông Tuấn chia sẻ.
Cây vải đầu tiên được ông Nguyễn Đình Đãi đưa vào trồng ở Lâm Đồng |
Năm 2001, giống vải u hồng được ông Nguyễn Đình Đãi - người Bắc Giang, đưa vào trồng thử nghiệm trên cao nguyên Lâm Viên. Trong số 10 cây giống ông Đãi mang vào có 3 cây sống và phát triển tốt. Nhờ khí hậu thuận lợi, hợp thổ nhưỡng, cây vải cho trái sau 5 năm chăm sóc. Theo ông Đãi, vải u hồng có hình trái tim, cuống quả sâu, khi chín có màu hồng đỏ tươi.
Sau khi nhận thấy cây vải có khả năng phát triển trên miền đất cao nguyên, ông Đãi tiến hành nhân giống và mở rộng diện tích trồng. Hiện nay, gia đình ông có hơn 1,8 ha vải, dự kiến thu hoạch khoảng hơn 10 tấn quả tươi.
Nhờ kinh nghiệm tích lũy nhiều năm, vườn vải cho trái to đều, màu hồng đẹp mắt. Theo ông Đãi, nhiều thương lái các nơi tìm đến mua tại vườn với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Vải u hồng có hạt nhỏ, vỏ mỏng, cùi dày, vị ngọt đậm |
Ông Đãi gắn bó với Đạ R’Sal đã 23 năm, cũng là chừng ấy thời gian cây vải hồng bén rễ, trổ quả trên mảnh đất này. Với hạt nhỏ, vỏ mỏng, cùi dày, vị ngọt đậm, hơi chua nhẹ và thơm mát, vải u hồng trồng tại Đạ R’Sal được đánh giá cao về chất lượng và được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, vải chín sớm hơn so với các tỉnh phía Bắc khoảng 1 tháng nên được thương lái các nơi tìm đến mua với giá tương đối cao.
Theo người dân, năm nay thời tiết thuận lợi, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh nên tỉ lệ ra hoa và đậu quả đều cao. Hiện nay, mỗi ha vải cho năng suất 7 - 8 tấn quả tươi. Với giá như hiện tại, người trồng vải có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Nhận thấy tiềm năng từ cây vải, ông Đãi cũng đã nhân giống và cung cấp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã.
Vải u hồng trồng tại Lâm Đồng ngày càng đạt chất lượng cao |
• NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HƯỚNG ĐẾN XUẤT KHẨU
Theo ông Phùng Văn Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Rsal, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng. Trong đó, vải u hồng cũng được đánh giá là cây trồng có tiềm năng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Năm 2023, xã đã thành lập Tổ hợp tác vải Hợp Tiến và sản phẩm vải u hồng của Tổ hợp tác đã được UBND huyện chứng nhận đạt OCOP 3 sao.
Ông Phan Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác cũng là một trong những người tiên phong trồng vải. Hiện, gia đình ông có hơn 1 ha vải với gần 160 gốc, sản lượng dự kiến năm nay đạt khoảng 7 tấn/ha.
Để thương hiệu vải u hồng Đạ R’sal vươn xa, ông Tuấn đã đứng ra vận động thành lập Tổ hợp tác, liên kết các hộ trồng vải nhằm hỗ trợ nhau từ cây giống, kỹ thuật chăm sóc đến tìm đầu ra.
Ông cho biết, với 17 hộ dân tham gia, đến nay, tổng diện tích trồng vải u hồng của Tổ hợp tác Hợp Tiến đạt 13,5 ha, sản lượng ước tích khoảng 98 tấn mỗi năm. Sản phẩm vải u hồng của Tổ hợp tác đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và được định hướng nâng chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhiều người dân và khu khách không khỏi bất ngờ vì vườn vải trĩu cành được trồng ở cao nguyên |
Tổ hợp tác đã nhận được sự hỗ trợ và tư vấn của các cơ quan chuyên môn và áp dụng các phương pháp trồng trọt hiện đại, bảo vệ môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Và Tổ hợp tác đang tiến hành áp dụng trồng trọt theo hướng VietGAP đã được cấp mã số chứng nhận VNCHN-VietGAP-TT-0090 với diện tích 2 ha cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, Tổ hợp tác không chỉ cung cấp giống vải chất lượng cao cho bà con mà còn hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình canh tác. Đồng thời, cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành quảng bá hình ảnh sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người nông dân, đảm bảo giá cả hợp lý.
Ông Nguyễn Đình Đãi là người đưa cây vải về trồng thử nghiệm và phát triển trên đất Đạ Rsal |
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vải là loại cây còn khá mới, giá trị so sánh không cao bằng các cây trồng chủ lực hiện có trên địa bàn nên người dân chưa tập trung phát triển mạnh mà vẫn đang vừa trồng vừa thử nghiệm. Chính vì thế, bên cạnh việc việc mở rộng diện tích, Tổ hợp tác Hợp Tiến sẽ tiếp tục cải thiện năng suất và bảo đảm chất lượng đồng đều để làm cơ sở phát triển mối liên kết đầu ra với các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Tổ hợp tác cũng khuyến cáo các thành viên không thu hái quả khi còn xanh hoặc chưa đạt độ chín hoàn chỉnh, tuân thủ thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm chất lượng quả và an toàn thực phẩm.
Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/ngot-thom-mua-vai-u-hong-oda-rsal-76c322f/
Bình luận (0)