Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&MT khẳng định: Quan điểm phát triển thuỷ sản Quảng Ninh nhằm tiếp tục hiện thực hoá Quyết định 389 ngày 9/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hơn hết, Quảng Ninh hướng đến khai thác thuỷ sản có trách nhiệm, bền vững và giá trị cao.
Có thể thấy trong hàng chục năm qua, Quảng Ninh tổ chức lại khai thác thuỷ sản, cơ cấu lại đội tàu khai thác thuỷ sản theo hướng giảm nhanh, bền vững đội tàu cá hoạt động tại vùng ven bờ, phát triển hợp lý và hiện đại hoá đội tàu vùng lộng, vùng khơi đảm bảo khai thác hợp lý nguồn thuỷ sản và khả năng tự phục hồi nguồn lợi thủy sản.
Năm 2011, Quảng Ninh vẫn còn đến gần 8.000 tàu khai thác gần bờ, trong đó có trên 7.000 tàu dưới 20CV. Xác định cần giảm nhanh tàu ven bờ, từ thời điểm này, tỉnh không cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán cho tàu cá có công suất nhỏ hơn 30CV làm tất cả các nghề khai thác trên biển. Nhờ vậy, 5 năm sau đó, Quảng Ninh gần 1.300 tàu ven bờ. Đến ngày 26/2/2025, toàn tỉnh Quảng Ninh còn gần 5.500 tàu khác thác ven bờ, trong đó gần như không còn số lượng tàu cá công suất dưới 30CV. Theo kế hoạch đề ra, đến năm 2030, Quảng Ninh phấn đấu giảm tàu khai thác ven bờ xuống còn 4.000 chiếc.
Cùng với giảm tàu ven biển, Quảng Ninh phát triển đội tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi. Hiện đội tàu vươn khơi của tỉnh đang là 749 tàu (dài từ 12m trở lên), trong đó 266 tàu có chiều dài trên 15m. Nhiều tàu cá khai thác vùng lộng, vùng khơi đã được ngư dân mạnh dạn đóng mới với công suất lớn 680-750CV, ứng dụng KHCN hiện đại để dò tìm và lựa chọn đối tượng khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, cảnh báo diễn biến thời tiết… nhờ đó tự tin vươn ra khai thác ở cả vùng lộng, khơi, ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn, có vùng tiếp giáp với vịnh Bắc Bộ và vùng đánh cá chung với nước ngoài.
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai cấm một số nghề có tác động xấu đến nguồn lợi và môi trường biển như nghề cào khai thác nhuyễn thể (ngao, sò...) vùng biển ven bờ; nghề lờ dây (còn gọi là lồng xếp, lồng bát quái) tại vùng biển ven bờ, các vùng nước tự nhiên thuộc cửa sông và vùng nước nội địa (trừ trường hợp khai thác trong đầm nuôi hoặc trong ao nuôi); nghề lặn dưới mọi hình thức; nghề đăng, đáy, nghề te xiệp tại vùng biển ven bờ, cửa sông và vùng nước nội địa; cấm tàu nhỏ phát triển nghề lưới kéo tôm… Qua triển khai thực tế, hiện một số loại nghề cấm đã được xử lý triệt để như nghề lặn sử dụng chất độc Xyanua, săm bãi; giảm mạnh các nghề đăng đáy, lưới kéo kết hợp xung điện, te xiệp. Tỉnh đã từng bước chuyển đổi tàu cá hoạt động ven bờ, tàu làm nghề cấm sang nuôi trồng thuỷ sản và các nghề khác, trong đó rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhóm tàu, nhóm nghề cần chuyển đổi.
Từ năm 2015 đến nay, Quảng Ninh quy định 2 vùng cấm khai thác thủy sản là khu vực di sản thế giới nằm ở Trung tâm vịnh Hạ Long và khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và khu phục hồi sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long để bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi thuỷ sản đẻ… Tỉnh cũng quy định các khu vực cấm khai thác có thời hạn như quần đảo Cô Tô (cấm từ 1/4-30/6 hàng năm) và các bãi sá sùng tự nhiên trên địa bàn tỉnh (cấm khai thác từ 1/6-30/7 hàng năm), đồng thời lập 15 khu bảo vệ nguồn lợi 10 loài thủy sản đặc hữu. Hàng năm, vào ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, các đơn vị, địa phương đều đồng loạt thực hiện hoạt động thả cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Tiếp tục tạo sự tăng trưởng cho ngành thuỷ sản, hiện nay Quảng Ninh tập trung mạnh cho lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) nói chung và nuôi biển nói riêng, tỉnh đã ban hành quy chuẩn sử dụng vật liệu làm phao nổi; đảm bảo vệ sinh môi trường lồng bè NTTS mặn, lợ. Từng có thời điểm tồn tại 6,1 triệu phao xốp được sử dụng trong NTTS Quảng Ninh, đến nay đã thực hiện thay thế, chuyển đổi vật liệu nổi đạt 98,5%.
Hiện Quảng Ninh đã quy hoạch trên 45.000ha mặt biển và ven biển cho NTTS, bao gồm 23.875ha diện tích trong 3 hải lý, 13.031ha diện tích từ 3 đến 6 hải lý, 8.240ha diện tích ngoài 6 hải lý. Tháng 4/2024, Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển Quảng Ninh để thu hút, xúc tiến đầu tư của doanh nghiệp và NTTS trên biển. Tại đây Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước cấp phép NTTS cho 6 HTX, doanh nghiệp. Đến hết năm năm 2024, diện tích nuôi nội địa toàn tỉnh khoảng 32.092ha, nuôi biển khoảng 10.200ha. Toàn tỉnh có 11.252 cơ sở NTTS, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn cơ sở NTTS đều đã được giao khu vực biển để phát triển lâu dài.
Tỉnh cũng đang thực hiện công tác sắp xếp khu vực biển để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, khoa học công nghệ đầu tư phát triển nuôi biển công nghiệp, hiện đại với diện tích 13.400ha, trong đó, đã có các doanh nghiệp, HTX đề xuất nghiên cứu với diện tích gần 12.000ha. Quan điểm nuôi biển của tỉnh là dựa trên cơ sở sức tải môi trường. Cụ thể trong vùng 3 hải lý theo hướng giảm quy mô, mật độ nuôi. Vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý dựa trên sức tải môi trường, hướng tới phát triển nuôi biển công nghiệp, vùng ngoài 6 hải lý đầu tư nuôi biển quy mô lớn, công nghệ cao.
Từ sự chuyển dịch đúng hướng, sản lượng thuỷ sản của Quảng Ninh luôn đạt năm sau cao hơn năm trước, trong đó sản lượng thuỷ sản nuôi trồng có xu hướng cao hơn sản lượng thuỷ sản khai thác. Quý I/2025, tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 36.082 tấn, vượt 3,5% so với kế hoạch đề ra. Thuỷ sản trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, "xương sống" của nền kinh tế nông nghiệp. Có thể thấy từ làm chủ về biển như lời Bác Hồ căn dặn, Quảng Ninh đã gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị của biển, góp phần khiến cho dân giàu, tỉnh mạnh từ biển.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/ngu-dan-quang-ninh-huong-bien-de-giau-manh-3353172.html
Bình luận (0)