Ông Nguyễn Văn Tuất sinh năm 1958 tại mảnh đất giàu truyền thống văn hóa chèo, tuổi thơ ông đã gắn liền với những lời hát mượt mà vang lên từ sân đình, hội làng, và cả những buổi phát thanh với tiếng trống chầu, câu hát chèo thân thuộc. Những làn điệu chèo cổ, thấm sâu vào tâm hồn cậu bé Nguyễn Văn Tuất như một lẽ tự nhiên, như dòng chảy không ngừng của truyền thống quê hương.
Chiến tranh xảy ra, ông Tuất theo tiếng gọi của Tổ quốc nhập ngũ, vừa chiến đấu vừa phục vụ công tác văn công Quân khu 5, mang tiếng hát phục vụ bộ đội ngoài chiến trường. Sau năm 1975, ông Tuất chuyển ngành về vùng mỏ Quảng Ninh và đến năm 1985, ông chuyển công tác về Than Mông Dương.
"Những tưởng xa quê hương là sẽ xa chèo, nhưng chính cái duyên về vùng đất mới này lại làm sống dậy, trở thành nơi tiếp tục gieo mầm đam mê và cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống" - ông Tuất nhớ lại.
Ban đầu chỉ là những buổi biểu diễn trong các chương trình sinh hoạt của Công ty Than Mông Dương, rồi từ những buổi biểu diễn giản dị ấy, tiếng hát chèo đã dần dần lan tỏa khắp các khu dân cư. Những người lao động từ nhiều vùng quê như Nghệ An, Thanh Hóa... hội tụ về đây, tìm thấy sự đồng điệu trong những làn điệu chèo quê hương. Họ cùng nhau hát, cùng học, và rồi phong trào chèo lớn dần lên.
Không chỉ là người biểu diễn, ông Tuất còn mở các lớp hướng dẫn hát chèo ngay tại Mông Dương, Cửa Ông, rồi lan rộng ra Quang Hanh, Cẩm Thạch (nay thuộc phường Quang Hanh), Cẩm Bình, Cẩm Trung (nay thuộc phường Cẩm Phả)... Nhờ đó, hàng chục lớp chèo đã được ông thành lập, chỉ dạy, phát động phong trào. Người già, người trẻ, từ công nhân cho tới cán bộ hưu trí, tất cả đều tìm thấy niềm vui, sự đắm say trong tiếng hát chèo dưới sự hướng dẫn tận tâm của ông.
Ông quan niệm, muốn truyền dạy chèo thành công, trước hết phải làm cho người ta yêu chèo, say mê chèo. Chính vì vậy, ông không chỉ dạy hát mà còn trực tiếp biểu diễn, hướng dẫn từng điệu bộ, cách vào vai, nhấn nhá lời ca sao cho có hồn. Những đêm tiếng hát ngân vang tới khuya trong các khu phố, những lớp học kéo dài từ ngày này sang tháng khác… trở thành những kỷ niệm đẹp trong hành trình gìn giữ nghệ thuật chèo trên đất mỏ.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Tuất còn là nghệ sĩ đa tài, hoạt động cả trong âm nhạc và sân khấu. Ông trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh từ năm 1992, là tác giả của những ca khúc đậm chất vùng mỏ như "Cánh thợ lò chúng tôi", "Thợ lò vào ca" cùng nhiều kịch bản sân khấu được dàn dựng, biểu diễn rộng rãi tại các hội diễn, liên hoan nghệ thuật.
Với tài năng và cống hiến bền bỉ, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ (1996), nhận Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu quần chúng (1992), được khen tặng Đạo diễn xuất sắc tại Hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc (2007)...
Dẫu thời cuộc đổi thay, những làn điệu chèo trong đời sống hiện đại có lúc bị lãng quên, nhưng với ông Nguyễn Văn Tuất, chèo chưa bao giờ là thứ thuộc về quá khứ. "Tiếng trống chèo, câu hát chèo phải tiếp tục vang lên giữa đất trời Vùng mỏ, để tiếp lửa cho lớp lớp thế hệ sau hiểu về truyền thống. Nghệ thuật truyền thống không chỉ là ký ức, mà là nhịp sống, là văn hóa, là tâm hồn của chính họ" - ông Tuất tâm niệm.
Giữa bụi than, giữa tiếng máy xúc, xe tải ngược xuôi, giọng hát chèo của người nghệ sĩ già vẫn cất lên tha thiết, da diết như một minh chứng nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn vững bền, sống động trên đất mỏ.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nguoi-giu-hon-lan-toa-nghe-thuat-cheo-tren-dat-mo-3364734.html
Bình luận (0)