Khắc họa văn hóa dân tộc bằng vân gỗ

Về thăm xưởng điêu khắc gỗ Âu Lạc của nghệ nhân Trần Thu, dễ dàng bắt gặp hình ảnh ông cẩn thận, tỉ mỉ bên từng khối gỗ. Từ đôi bàn tay tài hoa của ông, những tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa dân tộc dần hiện ra. Ông từng bước mày mò, tìm hiểu và rèn giũa kỹ năng qua những trải nghiệm thực tế. Càng tìm hiểu, ông càng bị cuốn hút bởi sức sống của chất liệu gỗ-một vật liệu vừa mộc mạc, vừa uyển chuyển mang dáng dấp của ký ức dân tộc.

Lớn lên trong cái nôi văn hóa Quảng Nam-vùng đất giàu trầm tích lịch sử, ông nuôi dưỡng đam mê đặc biệt với những giá trị văn hóa Việt Nam. “Tôi không chọn khắc gỗ để làm bàn ghế như thuở đầu, mà muốn gỗ là chất liệu để kể chuyện. Gỗ có hồn, nếu mình hiểu nó, nó sẽ giúp mình nói thay điều muốn nói”, ông Thu chia sẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu hướng dẫn học viên kỹ thuật đục gỗ. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Lấy cảm hứng từ thiên nhiên quanh làng quê và các điển tích, truyền thuyết Việt Nam, ông đã tạo ra những bộ tác phẩm đặc sắc, tất cả đang được trưng bày tại Khu du lịch văn hóa Âu Lạc. Dưới bàn tay của ông, những tác phẩm như “Phù điêu sông Thu núi Ngọc”, bộ linh phẩm “Hồn thiêng sông núi”, Bộ tượng “Thần Nông” và bản thể Việt không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn là thông điệp văn hóa, là tiếng nói của thời đại được thể hiện bằng gỗ, bằng tâm huyết và trái tim của người nghệ nhân.

Những bức tượng chạm khắc về hình ảnh người nông dân, các vị anh hùng dân tộc hay những hoa văn cổ của người Việt xưa đều mang hơi thở của một thời kỳ lịch sử. Nghệ nhân Trần Thu chia sẻ: “Tôi yêu thích nhất là khắc họa truyền thuyết, lịch sử Việt. Đó là mảnh đời rộng lớn mà nghệ thuật điêu khắc truyền thống chưa khai thác hết. Nhiều giá trị văn hóa đang dần bị lãng quên, trong khi gỗ là chất liệu rất gần gũi với người Việt để kể lại những câu chuyện đó”.

Người thầy âm thầm gieo mầm nghề

Không chỉ chế tác, nghệ nhân Trần Thu còn là người thầy tận tụy, âm thầm vun đắp thế hệ kế cận. Hơn 30 năm qua, ông đã truyền nghề cho 106 học viên, trong đó 47 người vẫn đang theo đuổi nghề. Ông chia sẻ: “Dạy nghề là để giữ nghề, nhưng trước hết là dạy người. Làm nghệ nhân không chỉ cần tay nghề giỏi mà còn cần giữ đạo đức nghề nghiệp, giữ hồn dân tộc trong mỗi sản phẩm”.

Trong mắt học trò, ông là người thầy nghiêm khắc nhưng gần gũi, truyền cảm hứng bằng chính đam mê và sự kiên trì của mình. Trong suốt quá trình giảng dạy, ông luôn nhấn mạnh đến việc giữ lấy cốt lõi văn hóa dân tộc trong từng sản phẩm.

Đặc biệt, con trai ông, anh Trần Duy (28 tuổi) đã kế thừa và phát triển nghề theo hướng hiện đại. Mặc dù trưởng thành trong thời đại công nghệ số, anh vẫn lựa chọn nối nghiệp cha bằng cách riêng của mình. Anh xây dựng kênh YouTube, kết hợp tạc tượng hoạt hình hiện đại với phong cách điêu khắc truyền thống. 

“Tôi muốn những tác phẩm điêu khắc không chỉ nằm yên trong xưởng gỗ, mà phải bước ra đời sống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Khi nghệ thuật truyền thống biết cách thích nghi và lan tỏa, đó mới thực sự là cách để nghề điêu khắc gỗ sống mãi”, anh Trần Duy chia sẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Thu giới thiệu với du khách và các nhà nghiên cứu văn hóa tham quan không gian trưng bày tác phẩm điêu khắc tại xưởng gỗ Âu Lạc. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Không chỉ là một xưởng điêu khắc, Âu Lạc đang dần trở thành một không gian nghệ thuật đặc sắc, góp phần bảo tồn và phát huy nghề điêu khắc gỗ. Trong hành trình khám phá Hội An-Đà Nẵng, nhiều đoàn du khách trong nước và nước ngoài chọn ghé thăm xưởng để tham quan, trải nghiệm quá trình tạo hình một tác phẩm điêu khắc gỗ và lắng nghe những câu chuyện lịch sử được “ghi chép” bằng dao gọt, đường chạm.  

Nơi đây cũng thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn cho học sinh, sinh viên và những học viên yêu nghề đến tham quan, trải nghiệm giúp họ hiểu hơn về nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng như giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Những buổi hướng dẫn ở đây không chỉ đơn thuần là học nghề mà là hành trình khám phá bản sắc Việt. “Tôi luôn khuyến khích các em khai thác đề tài từ văn hóa địa phương, lịch sử dân tộc. Bảo tồn là chưa đủ, phải sáng tạo để sống cùng thời đại”, nghệ nhân Trần Thu nhấn mạnh.

Đặc biệt, tour du lịch “Sông Thu-núi Ngọc” do chính ông khởi xướng đã thu hút nhiều đoàn khách, từ những nhà nghiên cứu, sinh viên đến các nhà văn hóa. “Mỗi tác phẩm là một trang sử, mỗi đường chạm là một câu ca dao. Tôi gọi đó là viết ca dao bằng gỗ”, ông chia sẻ.

Những nỗ lực của nghệ nhân Trần Thu được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Ông Nguyễn Minh Hùng, nhà giáo, nhà thơ, nhà phê bình văn học chia sẻ: “Trên những phác thảo của nghệ nhân Trần Thu, chúng ta bắt gặp ở đó không đơn thuần là những bức tượng gỗ, mà đó là sự sáng tạo, lời gửi gắm chỉ có nghệ nhân Trần Thu hoặc những người tâm đắc với triết học, có sự am hiểu sâu sắc với văn hóa dân tộc mới có thể tạo ra những tác phẩm như vậy”.  

“Âu Lạc-Viết ca dao bằng gỗ” là thương hiệu và khẩu hiệu, thể hiện toàn bộ tinh thần Việt trong từng tác phẩm nơi đây. Gỗ ở đây không chỉ là vật liệu mà còn là phương tiện chuyển tải hồn dân tộc, là triết lý sống, là tâm huyết của bao thế hệ nghệ nhân.

Lan tỏa giá trị truyền thống bằng con đường mới

Ở tuổi 53, nghệ nhân Trần Thu vẫn trăn trở tìm cách để nghệ thuật dân gian không bị rơi vào quên lãng. Dù kiên định với các giá trị truyền thống, nghệ nhân Trần Thu cũng không ngừng đổi mới để phù hợp với xu hướng hiện đại. Ông đã ứng dụng công nghệ vào quy trình chế tác, sáng tạo những tác phẩm mang hướng đương đại để tiếp cận thị hiếu khách hàng.

Đặc biệt, các bộ tác phẩm nghệ thuật của ông không chỉ dừng lại ở những bức tượng hay phù điêu mà còn mở rộng sang các sản phẩm ứng dụng như đồ trang trí nội thất, quà lưu niệm. Mỗi sản phẩm của ông đều mang bản sắc Việt, từ chất liệu đến hình ảnh.

Suốt 30 năm cần mẫn sáng tạo, tài năng và sự cống hiến của nghệ nhân Trần Thu đã được khẳng định qua hàng loạt giải thưởng: Các tác phẩm “Suy ngẫm”, “Nguyện cầu”, “Hồn nhiên”, “Chùa Cầu Hội An” đoạt 4 giải Tinh hoa văn hóa Việt Festival Huế năm 2004; giải nhì Cuộc thi sản phẩm du lịch miền Trung-Tây Nguyên tại Quảng Nam năm 2006; giải ba Cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Hà Nội năm 2008; giải nhì Cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm du lịch và quà tặng phục vụ du lịch APEC tại Đà Nẵng năm 2017; giải khuyến khích Cuộc thi mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2019; giải nhì bộ tượng “Thần Nông” tại Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022...

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm của ông cũng được công nhận là sản phẩm OCOP như: “Đèn Nhật Nguyệt” (3 sao, năm 2019), bộ đèn “Thôn nữ” (4 sao, năm 2020), bộ đèn “Hồn thiêng sông núi” (4 sao, năm 2021), bộ tượng “Thần Nông” (3 sao, năm 2023)... Nhiều tác phẩm khác như “Cay-Đắng-Ngọt-Bùi” đoạt giải A Quảng Nam năm 2016; “Mênh mông nỗi nhớ” và bộ tượng “Thần Nông” cũng vinh dự đoạt giải Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Không dừng lại ở đó, ông còn tích cực kết nối với các trường học, bảo tàng, tổ chức giáo dục nhằm đưa điêu khắc gỗ vào hoạt động ngoại khóa, giảng dạy văn hóa. “Nếu chỉ trưng bày thì nghề điêu khắc gỗ sẽ lùi xa. Phải để học sinh sờ vào gỗ, cầm vào đục mới thấy được giá trị văn hóa nằm trong đó”, nghệ nhân Trần Thu cho biết.

Chặng đường phía trước vẫn còn dài, nhưng với tâm huyết và tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, ông đã và đang khẳng định vị trí của mình như một người thầy lớn của làng nghề điêu khắc gỗ truyền thống. Những “câu ca dao bằng gỗ” mà ông cần mẫn mỗi ngày khắc chạm sẽ còn tiếp tục vang vọng, là lời nhắn nhủ đầy cảm hứng về bản sắc Việt cho các thế hệ mai sau.

Đặc biệt, với tầm nhìn xa và trách nhiệm cộng đồng, nghệ nhân Trần Thu đã xây dựng khu du lịch văn hóa ngay trong chính không gian xưởng điêu khắc gỗ Âu Lạc. Tại đây, khách tham quan có thể vừa chiêm ngưỡng, vừa trải nghiệm chế tác thực tế cùng các nghệ nhân, lắng nghe những câu chuyện văn hóa dân tộc được truyền tải qua từng đường chạm khắc.

Nghệ nhân Trần Thu không chỉ truyền nghề, giữ nghề mà còn thổi vào đó tinh thần dân tộc, tạo nên những tác phẩm biết kể chuyện, lay động lòng người. Với ông, mỗi tác phẩm là một khối gỗ chạm trổ công phu, là một phần của văn hóa dân tộc, góp phần giữ gìn và lan tỏa bản sắc Việt qua từng đường nét khắc họa. Hành trình ấy vẫn đang tiếp diễn, như tiếng đục đều đặn vang lên mỗi sáng trong xưởng mộc nằm giữa lòng Quảng Nam yên bình.

THU HƯƠNG

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-thay-cua-lang-nghe-go-au-lac-828204