Một giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường THPT Thanh Khê. Ảnh minh họa. |
Nguyễn Gia Th, học sinh trường THPT Thanh Khê, thẳng thắn thừa nhận: “Em thường thức đến 2–3 giờ sáng để chơi game hoặc xem video trên mạng. Dù biết hôm sau đi học rất mệt và không thể tập trung, nhưng em đã quen với cảm giác ban đêm yên tĩnh, không bị làm phiền.” Câu chuyện của Th không phải là cá biệt. Trong nhiều lớp học hiện nay, hình ảnh học sinh uể oải, ngủ gật ngay trong giờ học đã không còn xa lạ. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các em thiếu ngủ vào ban đêm, đồng thời lệch nhịp sinh học một cách nghiêm trọng.
Không chỉ dừng lại ở ảnh hưởng đến hiệu suất học tập, thói quen thức khuya còn tác động tiêu cực đến sức khỏe. Bác sĩ CK Tâm thần Lê Thị Thu Nga, đang công tác tại Phòng khám Tâm thần- thần kinh của Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu – người tham dự nhiều hội thảo chuyên đề về sức khỏe tâm thần học đường – cho biết: “Việc thức khuya kéo dài làm rối loạn đồng hồ sinh học tự nhiên của cơ thể, khiến các bạn trẻ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ mãn tính, suy giảm trí nhớ, giảm khả năng miễn dịch. Về mặt tâm lý, tình trạng này còn góp phần làm tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm, cáu gắt và khó kiểm soát cảm xúc”.
Giới trẻ hiện nay có thể dễ dàng tiếp cận với mạng xã hội, trò chơi điện tử, nền tảng video và vô vàn nội dung giải trí khác. Những hoạt động này vốn có tính hấp dẫn cao và dễ khiến người dùng bị cuốn theo. Đặc biệt vào ban đêm, khi không còn bị chi phối bởi công việc hay học tập, nhiều bạn trẻ xem đó là khoảng thời gian “riêng tư” để giải trí mà không bị giới hạn. Tuy nhiên, hệ quả của việc “vay mượn” thời gian ban đêm là cơ thể buộc phải “trả giá” bằng sự mệt mỏi, kém tỉnh táo vào ban ngày – thời điểm đáng lẽ nên dành cho học tập, lao động và tương tác xã hội.
Từ góc nhìn của phụ huynh, nhiều người đang cảm thấy bất lực trước việc con cái thường xuyên thức khuya. Chị Bùi Thị Hương Lan – giảng viên một trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng, đồng thời là mẹ của một học sinh lớp 11 – chia sẻ: “Gia đình tôi có quy định thu điện thoại và máy tính của con từ 10 giờ tối. Tuy nhiên, nhiều lần tôi phát hiện cháu vẫn lén sử dụng thiết bị trong phòng. Dù tôi cố gắng kiên trì nhắc nhở, nhưng đôi khi chính áp lực học tập và bài vở cũng khiến cháu phải thức khuya để hoàn thành”. Thực tế cho thấy, không ít học sinh bị “kẹt” trong vòng xoáy giữa áp lực học tập và nhu cầu giải trí, dẫn đến lối sống thiếu cân bằng.
Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng này là thiếu kỹ năng quản lý thời gian và thiếu kỷ luật cá nhân. Nhiều bạn trẻ chưa biết cách sắp xếp công việc hợp lý, dẫn đến việc trì hoãn học tập, làm việc và phải “chạy nước rút” vào ban đêm. Một số khác lại cho rằng ban đêm mới là lúc họ có thể tập trung cao độ, nhưng điều này về lâu dài lại gây tổn hại đến cơ thể và tâm trí.
Để thay đổi thói quen thức khuya – ngủ ngày không phải là điều dễ dàng, nhất là khi nó đã trở thành một phần của nhịp sống. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết nếu giới trẻ muốn duy trì sức khỏe tốt và hiệu quả trong học tập, làm việc. Trước hết, chính các bạn trẻ cần nhận thức được hậu quả của việc ngủ muộn, từ đó tự đặt ra nguyên tắc sinh hoạt và cam kết thực hiện. Việc duy trì giờ ngủ cố định, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, và tạo môi trường ngủ thoải mái sẽ giúp cơ thể dần lấy lại nhịp sinh học tự nhiên.
Gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen sinh hoạt lành mạnh. Bên cạnh việc kiểm soát giờ sử dụng thiết bị, phụ huynh nên trò chuyện với con về lý do của việc thức khuya – có thể đến từ căng thẳng học tập, áp lực thành tích hay đơn giản chỉ là vì buồn chán. Thấu hiểu tâm lý con cái sẽ giúp phụ huynh có giải pháp phù hợp, thay vì chỉ áp đặt cấm đoán.
Về phía nhà trường, cần tăng cường các chương trình tuyên truyền về sức khỏe tâm thần, tác hại của việc thiếu ngủ và kỹ năng quản lý thời gian. Việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia y tế và tâm lý học đường có thể giúp học sinh nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giấc ngủ.
Thức khuya – ngủ ngày không còn đơn thuần là một thói quen xấu mà đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng trong giới trẻ. Sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và chính bản thân người trẻ là yếu tố then chốt để thay đổi tình trạng này. Khi giấc ngủ được tôn trọng, cơ thể và tâm trí mới có thể hồi phục và phát triển toàn diện. Và chỉ khi đó, những hoài bão, ước mơ của người trẻ mới có nền tảng vững chắc để thành hiện thực.
QUỐC TOÀN
Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202505/nguoi-tre-thich-song-ve-dem-4007651/
Bình luận (0)