Không chỉ làm sạch môi trường, Hội Yêu rác Huế còn mong ước tạo thêm bệ phóng thay đổi từ tư duy đến hành động trong công cuộc chống rác thải nhựa.
Hành động nhỏ, thay đổi lớn
Đã thành thông lệ, cứ hai tuần 1 lần vào buổi sáng cuối tuần, các thành viên của Hội Yêu rác Huế lại tụ hội về khu vực bãi biển Thuận An (TP Huế). Sau khoảng thời gian gặp gỡ, mọi người hăm hở đeo găng tay, khẩu trang lần lượt bắt tay vào công việc nhặt và gom rác dọc theo bãi biển Thuận An dài hơn 1km.
Một số loại rác thải như gốc cây, ván gỗ được thu gom, bỏ vào thùng rác công cộng để nhân viên vệ sinh môi trường đến di chuyển, đưa về bãi rác thải tập trung, xử lý theo quy định. Những loại rác thải như lon bia, chai nhựa… được các thành viên trong nhóm gom lại để phân loại để đổi bán cho các cơ sở tái chế.


Bạn Trương Ngọc Ánh, sinh viên Đại học Khoa học Huế, là thành viên tiên phong của Hội Yêu rác Huế cho biết, bãi biển Thuận An từng được vua Thiệu Trị xem là danh thắng thứ 10 trong 20 cảnh đẹp của đất Thần kinh, nổi tiếng với bờ cát trắng mịn trải dài, làn nước trong xanh nên thu hút rất đông khách du lịch và người dân trong vùng mỗi dịp hè. Tuy nhiên, việc rất nhiều người thiếu ý thức, xả rác tràn lan khiến biển Thuận An dần mất đi vẻ đẹp vốn có.
“Rất nhiều du khách và người dân trong vùng đổ về bãi tắm Thuận An tắm biển còn có thói quen xả rác trực tiếp ra bãi tắm dù quanh đó thùng đựng rác. Những vỏ hải sản, túi nilông, chai nhựa, lá bánh bột lọc... nằm lại trên bãi biển bị sóng đánh trôi dạt khắp nơi gây ô nhiễm môi trường”, Ngọc Ánh tâm sự.
Anh Hồ Hữu Phúc, Tổng phụ trách Hội Yêu rác Huế cho biết, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Hội Yêu rác Huế từ 7 thành viên nòng cốt, nay đã quy tụ được đông đảo lực lượng tình nguyện viên thuộc mọi lứa tuổi tham gia. Hoạt động chính của hội là “Chủ nhật Cleanday” - nơi mọi người cùng nhau dọn dẹp, phân loại rác và trồng cây xanh.
“Công việc của các thành viên Hội Yêu rác Huế không những góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn có sức lan tỏa, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường. Nhờ đó đã khơi gợi được tinh thần tự giác và ý thức cộng đồng, mọi người hạn chế vứt rác bừa bãi, cùng chung tay bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp", anh Hồ Hữu Phúc chia sẻ.




Đổi rác lấy quà tặng người nghèo
Không dừng lại ở việc nhặt rác, Hội Yêu rác Huế còn có nhiều sáng kiến đặc biệt như phối hợp cùng với Trạm Biên phòng biển Thuận An thuộc Bội đội Biên phòng TP Huế trồng hàng trăm cây phi lao chắn gió, thu gom và tái chế rác nhựa thành đồ dùng bán gây quỹ, tổ chức các đợt tuyên truyền bảo vệ môi trường tại trường học, hỗ trợ các gia đình khó khăn từ nguồn thu được từ việc tái chế và bán rác thải nhựa.
Anh Hồ Hữu Phúc cho biết thêm, sau hơn một năm đi vào hoạt động, Hội Yêu rác Huế đạt được những kết quả đáng khích lệ bằng việc thu gom hơn 100kg rác thải các loại, trồng mới 1.200 cây xanh ven biển, trao tặng hàng trăm suất quà cho hộ nghèo, và phát miễn phí hàng trăm suất cháo từ thiện tại các bệnh viện trong khu vực. Nhưng quan trọng hơn cả là sự thay đổi trong nhận thức người dân.
“Hội Yêu rác đang nghiên cứu mở rộng mô hình này ra một số địa phương khác ở TP Huế, tiêu biểu là hoạt động sửa chữa những con đường gồ ghề giúp người dân tham gia giao thông thêm an toàn. Mỗi chai nhựa được tái chế, mỗi cây xanh được trồng xuống đều mang ý nghĩa lớn”.


Hành trình của những “chiến binh xanh” Hội Yêu rác Huế là minh chứng sống động cho sức mạnh cộng đồng. Từ những việc làm nhỏ - nhặt một cọng rác, trồng một cây xanh - họ đang từng bước thay đổi diện mạo TP Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) chia sẻ, những năm qua, Huế đã lan tỏa tinh thần tích cực trong tuyên truyền, hành động để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giảm thiểu việc sử dụng bao bì, túi nilông, sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy. Tất cả những hoạt động này đã hạn chế, giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa, góp phần đưa vùng đất Cố đô Huế xanh, sạch và sáng hơn từng ngày.
Tuy nhiên, Huế chưa phải đã vượt qua hết thách thức, rào cản trong việc cải thiện môi trường, giảm rác thải nhựa... Bằng các chương trình, dự án, phong trào thiết thực, sáng tạo song hành với tinh thần yêu Huế như các thành viên Hội Yêu rác Huế đang hành động đã góp phần “ngấm” và “thấm” vào mỗi người dân, mối bận tâm về rác thải nhựa sẽ không còn là vấn nạn đối với môi trường sống trong tương lai không xa.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguoi-tre-tu-te-voi-moi-truong-post802707.html
Bình luận (0)