Ba đột phá của Nghị quyết 57
Theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cùng với các Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66 về đổi mới thể chế và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ hợp thành “bộ tứ trụ cột" cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
“Những nghị quyết này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao nhằm đưa khoa học, công nghệ, công nghiệp và đổi mới sáng tạo trở thành động lực trung tâm cho sự phát triển đất nước”, ông Nguyễn Quân nói.
Từng là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Quân đã nhấn mạnh đến những điểm mới rất đáng chú ý, rất đáng quan tâm của Nghị quyết 57. Theo ông, những điểm mới ở đây cũng đồng nghĩa với các điểm đột phá chưa từng có của Đảng và Nhà nước ta về vai trò của khoa học và công nghệ cũng như các chính sách phát triển.
Điểm đột phá đầu tiên chính là việc Nghị quyết 57 đã đặt ra cho khoa học và công nghệ những mục tiêu rất cao. Các mục tiêu đó là đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, và đến năm 2045 đạt 50% và đề xuất tăng đầu tư ngân sách cho khoa học - công nghệ lên tối thiểu 3% tổng chi ngân sách và đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 2% GDP vào năm 2030.
Về mục tiêu liên quan đến kinh tế số, theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân, hiện kinh tế số mới đạt khoảng trên 18% GDP. Do đó, đây là một cuộc chạy đua thực sự. Trong khi đó liên quan đến mục tiêu đầu tư cho khoa học và công nghệ hiện mới chỉ chiếm 0,5% GDP, bởi vậy khoảng thời gian 5-6 năm cho mục tiêu nêu trong Nghị quyết 57 thực sự là một thách thức.
Thêm nữa, để đạt được các mục tiêu đầu tư cho khoa học và công nghệ như Nghị quyết 57, thực tế các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc mất hàng chục năm để đạt được. Hàn Quốc phải mất 40 năm, còn Trung Quốc cũng phải cần đến 30 năm.
Điểm đột phá thứ hai, Nghị quyết 57 đã cho phép áp dụng cơ chế quỹ và khoán chi thay vì “áp đặt cơ chế quản lý ngân sách cứng nhắc gây cản trở từ hàng chục năm nay”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhận định, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị có nhiều đột phá quan trọng. Ảnh: QL |
Điểm đột phá thứ ba của Nghị quyết 57 chính là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Ban. Đây là lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu một Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp
Có thể nói, Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đều đề cao vai trò mang tính then chốt của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết 68 đánh dấu bước chuyển quan trọng: Đảng lần đầu xác định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Trong thực tế, các tập đoàn tư nhân Việt Nam như VinFast, Hòa Phát, FPT… cũng là các doanh nghiệp đang đi đầu trong đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm công nghiệp có hàm lượng chất xám cao.
Đây cũng là điểm nhấn của Nghị quyết 57 - theo nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân. Nghị quyết 57 đã “đánh thức” việc quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số từ phía doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Ông Nguyễn Quân phân tích, theo các quy định hiện nay, khoản đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ chỉ mang tính khuyến khích thay vì bắt buộc. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ đầu tư cho khoa học và công nghệ nhiều lắm là đến con số hàng trăm triệu đồng. Với số tiền này không thể đủ cho đổi mới công nghệ chứ đừng nói đến chuyện sáng tạo sản phẩm mới.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, hiện có một thực trạng là quỹ chi cho khoa học và công nghệ lại được quản như ngân sách nhà nước, muốn chi lại phải qua “rừng” các thủ tục. Đây là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà việc đầu tư cho khoa học và công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo.
Phân tích sâu thêm, ông Nguyễn Quân cho rằng, với việc thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp từ 10 năm nay, doanh nghiệp không mặn mà chuyện đầu tư cho khoa học và công nghệ. Quy định về quỹ phát triển khoa học - công nghệ (trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế) chưa có tính bắt buộc, thiếu linh hoạt, không tạo động lực đầu tư thực sự.
“Nhiều doanh nghiệp chọn đầu tư bằng lợi nhuận sau thuế để tránh ràng buộc thủ tục, đồng nghĩa với việc không được ưu đãi thuế”, ông Nguyễn Quân nói.
Cũng theo ông Nguyễn Quân, việc Nghị quyết 57 cho phép áp dụng cơ chế quỹ và khoán chi thay vì áp đặt cơ chế quản lý ngân sách cứng nhắc gây cản trở như hiện nay là động lực lớn cho hoạt động khoa học và công nghệ.
Cần một cơ chế khuyến khích thực chất, hiệu quả, để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất. |
Nguồn: https://congthuong.vn/nguyen-bo-truong-nguyen-quan-3-diem-dot-pha-chua-tung-co-cua-nghi-quyet-57-389736.html
Bình luận (0)