Từ trung tâm H.A Lưới, chúng tôi theo cung đường ngoằn ngoèo đi qua các bản làng của xã Hồng Bắc mới đến được chân núi – nơi đặt tấm biển giới thiệu về hoạt động rà phá bom mìn khu vực đồi A Bia (cao điểm 937), nằm giáp biên giới Việt - Lào.
Để chinh phục đồi A Bia, khách phải cuốc bộ gần 1 giờ đồng hồ mới đến đỉnh đồi, nơi có đài tưởng niệm nằm ở độ cao 937 mét
ẢNH: NGUYÊN THỌ
Theo thông tin công bố, chỉ trong vòng 1 năm (từ tháng 6.2020 – 6.2021), Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đã tiêu hủy 118 vật nổ thu được trên diện tích 22.500 m2.
Căn cứ các khuyến cáo, chúng tôi men theo đường mòn được đánh dấu bằng hàng cọc bê tông. Thêm gần 1 giờ đồng hồ leo dốc cao, đi qua các di tích như hố bom, trạm xá A Bia, điểm rơi máy bay, chúng tôi mới đặt chân đến nhà tưởng niệm trên đỉnh đồi.
Người trẻ tìm lên đỉnh đồi A Bia để viếng đài tưởng niệm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ
ẢNH: HOÀNG SƠN
Sau chiến tranh, bom mìn sót lại trên đồi A Bia vẫn còn nhiều, là hậu quả dai dẳng của trận đánh trên đồi A Bia vào trung tuần tháng 5.1969 đã được nhiều tài liệu ghi lại.
Thông tin từ cuốn kỷ yếu 50 năm chiến thắng A Bia (1969 – 2019) cho biết, sau những thất bại năm Mậu Thân 1968, đối phương tiến công lên A Lưới hòng đẩy quân giải phóng và nhân dân A Lưới sang Lào, ngăn chặn đường Trường Sơn, không cho chúng ta chuyển lương thực, vũ khí và quân đội vào miền Nam.
Khu vực rà sạch được đánh dấu bằng các cọc mốc bê tông sơn đỏ trắng. Để đảm bảo an toàn, ngành chức năng khuyến nghị khách tham quan di chuyển bên trong khu vực được đánh dấu
ẢNH: HOÀNG SƠN
Để thực hiện âm mưu này, đối phương đã cho trực thăng đưa tổng cộng 12 tiểu đoàn dù nhảy xuống A Bia với quân số lên tới 7.000 người. Trong vòng 10 ngày chiến đấu anh dũng, quật cường, Sư đoàn 324 và quân dân A Lưới làm nên chiến thắng giòn giã, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên, bắn rơi 37 máy bay các loại.
Đoạn đường núi dẫn đến đồi A Bia khá hiểm trở và phải băng qua nhiều cánh rừng nguyên sinh khiến nhiều người thích thú vì được trải nghiệm không khí, thiên nhiên trong lành
ẢNH: HOÀNG SƠN
Bia tưởng niệm, đặt trên đồi A Bia do UBND H.A Lưới dựng hồi tháng 1.2009, có đoạn: "Chiến thắng A Bia và những hy sinh của chiến sĩ, đồng bào mãi mãi được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới biết đến như một kỳ tích anh hùng, biểu tượng về lòng yêu nước, ý chí độc lập của dân tộc Việt Nam".
Một số đoạn đường được làm bằng bậc thang bê tông. Dọc đường đi, nhiều người đã cố gắng đếm số bậc thang như một cách để quên đi mệt mỏi
ẢNH: HOÀNG SƠN
Năm 2019, nhân hội thảo nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng A Bia, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có bài tham luận quan trọng, đánh giá tầm vóc lịch sử của trận đánh, cho rằng chiến thắng đồi A Bia là một trận chiến thắng "kép" tại chiến trường Thừa Thiên - Huế sau trận Mậu Thân năm 1968, đánh dấu bước đi của quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Các địa điểm lịch sử lần lượt hiện ra trước mắt người hành hương. Đồi A Bia cách biên giới Việt - Lào khoảng 1,9 km. Trong chiến tranh, A Bia có vị trí chiến lược trọng yếu trên tuyến đường Hồ Chí Minh
ẢNH: HOÀNG SƠN
Cũng tại hội thảo này, đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Chủ nhiệm Công binh Sư đoàn 324, nhận định chiến thắng A Bia đã trở thành huyền thoại, giữ vững địa bàn chiến lược và động mạch chủ vận chuyển Trường Sơn.
Gần khu vực đồi A Bia là căn cứ Khu ủy và Quân khu Trị Thiên - Huế, nơi đóng quân của bộ đội chính quy, đường dây 569, căn cứ hậu cần tiền phương, điểm tập kết quân trang, quân dụng chi viện cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Với tính chất quan trọng đó, đồi A Bia là nơi từng xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Trong ảnh: Một hố bom còn sót lại sau chiến trận năm 1969
ẢNH: HOÀNG SƠN
Gần 10 ngày chiến đấu, sự tổn thất hy sinh là rất lớn. Tri ân các anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 324 và nhân dân A Lưới, đại tá Lạn đề nghị xây dựng tượng đài chiến thắng và bảo tàng A Bia - địa chỉ hương khói tri ân và du lịch tâm linh, nhằm giáo dục truyền thống cho đời sau.
A Bia cùng với đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, dốc Con Mèo, trọng điểm 845, cụm địa đạo Động So - A Túc, động Tiên Công, địa đạo Lam Sơn, sân bay A So... đã đi vào lịch sử, gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta
ẢNH: HOÀNG SƠN
Những người trẻ thành kính dâng nén nhang tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến trên đồi A Bia năm xưa
ẢNH: HOÀNG SƠN
Dù nằm ở khu vực hẻo lánh vùng biên giới Việt – Lào nhưng di tích quốc gia này thường xuyên có người đến thăm, nhất là thế hệ trẻ.
Em Nguyễn Hữu Tài (học sinh lớp 12, Trường THPT A Lưới) chia sẻ, vượt qua nhiều dốc cao hiểm trở, khi đứng trước bia tưởng niệm trên đồi A Bia em nhận ra chút mệt mỏi dọc đường không là gì cả so với những gì mà thế hệ cha ông đã trải qua trong chiến đấu.
Với những giá trị lịch sử đó, địa điểm chiến thắng đồi A Bia đã được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 2021. Ngày nay, dưới chân đồi A Bia, cách đỉnh đồi khoảng chừng 5 km có Nhà trưng bày chứng tích chiến tranh di tích lịch sử đồi A Bia với nhiều hiện vật giá trị, ý nghĩa
ẢNH: HOÀNG SƠN
"Đứng ở đồi A Bia, dâng nén nhang lên bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, em càng trân trọng nền hòa bình của đất nước hôm nay. Em cũng thấy mình càng phải có trách nhiệm phấn đấu, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội…", Tài nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-di-tich-doi-a-bia-o-do-cao-937-met-co-gi-ma-thu-hut-185250506220208161.htm
Bình luận (0)