Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhạc sĩ Phạm Tuyên được vinh danh giải Hiệp sĩ Dế Mèn

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 - 2025 của Báo Thể thao và Văn hóa đã tìm được tác giả xứng đáng để vinh danh Hiệp sĩ Dế Mèn - giải thưởng cao nhất. Đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đây cũng là lần đầu tiên giải Hiệp sĩ Dế Mèn trao cho một nhạc sĩ.

Hà Nội MớiHà Nội Mới28/05/2025

Chiều 28-5, tại Hà Nội, Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 – 2025.

hhkd5450.jpg
Nhà báo Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (ngoài cùng bên trái) và nhà thơ Trần Đăng Khoa trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn tới nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: BTC

Mùa giải thứ 6 năm 2025 của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã xem xét, thẩm định 97 tác phẩm tiêu biểu được sáng tác, hoàn thiện trong năm 2024 – 2025, do các tác giả trực tiếp gửi dự thi và đề cử của các nhà xuất bản, cộng tác viên. Qua 2 vòng chấm, Hội đồng giám khảo đã chọn ra top 10 tác phẩm, chùm tác phẩm xuất sắc vào chung khảo. Trong đó có 1 tập truyện tranh, 1 tuyển tập nhạc, 1 bộ tranh, 2 tập thơ cùng 6 tác phẩm văn xuôi.

Giải Hiệp sĩ Dế Mèn - phần thưởng cao quý nhất năm nay vinh danh nhạc sĩ Phạm Tuyên vì ông đã cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp cho thiếu nhi với những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian, trong đó có cuốn “Về quê - Khúc đồng dao của bé” (đồng tác giả Phạm Hồng Tuyến) lọt vào chung khảo mùa giải năm nay.

hhkd5513.jpg
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và con gái - nhà báo Phạm Hồng Tuyến, đồng tác giả cuốn sách "Về quê - Khúc đồng dao của bé". Ảnh: BTC

Trong hơn 700 ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên dành riêng hơn 200 bài viết cho thiếu nhi. Những ca khúc như “Chiếc đèn ông sao”, “Cánh én tuổi thơ”, “Tiến lên đoàn viên”… đã trở thành một phần ký ức của nhiều thế hệ. Ông còn có một “kho báu” đặc biệt: 41 bài đồng dao cổ được ông phổ nhạc, ẩn chứa vẻ đẹp hồn hậu và gần gũi của cảnh sắc thiên nhiên, con người, văn hóa dân gian Việt Nam. Lần đầu tiên, sau nhiều năm nằm im trong cuốn sổ nhạc, “kho báu” ấy đã được giới thiệu qua dự án sách “Khúc đồng dao của bé” do chính con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến - là người kể chuyện.

“Khúc đồng dao của bé” là bộ sách gồm 5 tập, trong đó “Về quê - Khúc đồng dao của bé” là tập đầu tiên đã được xuất bản. Trong số 41 bài đồng dao được công bố theo dự án này chỉ có 5 bài: “Rềnh rềnh ràng ràng”, “Bà còng đi chợ”, “Gánh gánh gồng gồng”, “Bầu và Bí”, “Con chim chích chòe” đã từng có bản thu. 36 bài còn lại, trong đó có nhiều khúc đồng dao quen thuộc như “Mau mau tỉnh dậy”, “Thương con ba ba”, “Cái cò đi đón cơn mưa”, “Cái bống”… lần đầu tiên được thu âm.

“Về quê - Khúc đồng dao của bé” của Phạm Tuyên - Phạm Hồng Tuyến là sách đa phương tiện, kết hợp giữa kể chuyện, âm nhạc, minh họa và mã QR để nghe nhạc, nghe kể chuyện - tạo thành trải nghiệm liên hoàn cho trẻ nhỏ.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930) là một trong những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ kéo dài hơn nửa thế kỷ, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm ở nhiều thể loại, đặc biệt nổi bật với các ca khúc dành cho thiếu nhi. Với phong cách âm nhạc trong sáng, dễ nhớ, gần gũi với đời sống và tâm hồn trẻ thơ, các ca khúc của ông như “Chiếc đèn ông sao”, “Cánh én tuổi thơ”, “Trường cháu là trường mầm non”, “Chú voi con ở bản Đôn”, “Tiến lên đoàn viên”… đã trở thành những ca khúc thiếu nhi kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, sống mãi trong ký ức của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Trong sự nghiệp, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết trên 200 ca khúc dành cho thiếu nhi. Năm 2013, nhạc sĩ đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất”. Nhạc sĩ Phạm Tuyên còn là người có công trong việc hình thành và phát triển nền tảng âm nhạc dành cho trẻ em sau năm 1975.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định, Phạm Tuyên là một nhạc sĩ lớn. Ông là một cây đại thụ trong nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc cách mạng, nhạc trữ tình, nhạc thiếu nhi, ở mảng nào ông cũng xuất sắc. Đặc biệt, Phạm Tuyên là một “bảo tàng lịch sử bằng âm thanh”. Các sự kiện lớn của đất nước đều in dấu trong âm nhạc của ông.

hhkd5377.jpg
Trao giải Khát vọng Dế Mèn cho họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên (thứ hai bên phải).

“Riêng ở mảng sáng tác cho trẻ em, có thể nói, các nhạc sĩ đã có nhiều bài hát rất hay. Phạm Tuyên dõi theo sự trưởng thành của các em một cách sát sao bằng âm nhạc. Ông nâng niu các em từ khi các em còn nằm trong lòng mẹ, cho đến lúc đi nhà trẻ, đến trường mầm non, vào lớp một, vào đội, từng bước trưởng thành, đến lúc giã từ tuổi khăn quàng đỏ để “Tiến lên đoàn viên”... Có thể nói, đó là một cuốn “từ điển bánh khoa” bằng âm nhạc về mọi trạng huống, mọi cung bậc tình cảm trong thế giới tâm hồn các em”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.

hhkd5351.jpg
Trao giải "Khát vọng Dế Mèn" cho tác giả Lý Thăng Long. Ảnh: BTC
hhkd5322.jpg
Trao giải "Khát vọng Dế Mèn" cho các tác giả. Ảnh: BTC

Cùng với giải Hiệp sĩ Dế Mèn, Ban tổ chức trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn. Đó là bộ tranh của họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên (13 tuổi); “Có một Trái Đất phẳng trong mắt em” - bản thảo tập thơ của Lý Thăng Long; “Cuốn cổ thư của một mẫu thần”- truyện của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy (Nhà Xuất bản Kim Đồng); hai cuốn truyện của Dy Duyên: “Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu” (Đốm Đốm vẽ, Nhà Xuất bản Kim Đồng) và “Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố” (Thanh Vũ vẽ, Nhà Xuất bản Kim Đồng); “Trang trại cuối rừng” - truyện của Phạm Công Luận (Nhà Xuất bản Kim Đồng).

Nguồn: https://hanoimoi.vn/nhac-si-pham-tuyen-duoc-vinh-danh-giai-hiep-si-de-men-703794.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm