Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, năng lực sử dụng tiếng Anh đã trở thành một trong những yếu tố then chốt để các quốc gia cạnh tranh về nguồn nhân lực. Tại Nhật Bản, chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực nâng cao kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh, thông qua việc cải cách chương trình giảng dạy, đặt ra các mục tiêu rõ ràng và đầu tư lớn vào các kỳ kiểm tra.
Một khảo sát gần đây của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy hơn 50% học sinh THCS và THPT công lập đạt các trình độ tiếng Anh cơ bản theo khung đánh giá năng lực tiếng Anh Eiken, vốn được công nhận rộng rãi tại Nhật. Cụ thể, 52,4% học sinh cuối cấp trung học cơ sở đạt Bậc 3 trở lên và 51,6% học sinh trung học phổ thông đạt trình độ Pre-2 trở lên.
Khảo sát chỉ ra đây là tín hiệu tích cực, cho thấy những thay đổi trong chính sách giáo dục tiếng Anh bước đầu đã đem lại kết quả. Đặc biệt, một số địa phương như Saitama, Fukui hay Fukuoka ghi nhận tỷ lệ học sinh đạt chuẩn rất cao. Điều này phần nào phản ánh hiệu quả của việc triển khai giáo dục theo hướng địa phương hóa và linh hoạt hơn.
Tương tự, khoảng 46% giáo viên THCS và hơn 82% giáo viên THPT đã đạt trình độ tiếng Anh tương đương Bậc Pre-1 trở lên, là mức được kỳ vọng có thể giảng dạy chuyên nghiệp bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên thống kê cũng có những giới hạn nhất định. Trong hơn 50% học sinh được “đánh giá đạt chuẩn”, chỉ một phần trong số đó thật sự vượt qua kỳ thi Eiken. Còn lại là được xác nhận thông qua đánh giá của giáo viên mang tính chủ quan.
Chưa kể, Chỉ số Năng lực Anh ngữ EF 2024 xếp Nhật Bản thứ 92/116 quốc gia và vùng lãnh thổ, thua kém nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc. Sự tụt hậu này phần nào phản ánh cách tiếp cận tiếng Anh vẫn còn nặng tính hình thức và chưa bắt kịp xu hướng học ngôn ngữ gắn liền với kỹ năng sử dụng thực tế.
Một trong những nguyên nhân cốt lõi là việc học tiếng Anh tại Nhật Bản vẫn bị ràng buộc bởi áp lực thi cử. Trẻ em phải ghi nhớ từ vựng, mẫu câu cho các kỳ kiểm tra, thay vì được khuyến khích sử dụng ngôn ngữ trong ngữ cảnh tự nhiên. Điều này không chỉ làm giảm hứng thú học tập mà còn khiến học sinh xem tiếng Anh như một môn học để “vượt qua”, hơn là một công cụ giao tiếp.
Cuộc khảo sát năm 2021 cho thấy gần 1/3 học sinh tiểu học không thích học tiếng Anh, tăng 8% so với năm 2013. Đây là con số đáng lo ngại, nhất là khi chương trình giảng dạy tiếng Anh đã được mở rộng từ lớp 3.
Thêm vào đó, sự chênh lệch cơ hội học tập giữa các vùng và giữa các tầng lớp xã hội cũng đang làm trầm trọng thêm bất bình đẳng. Trẻ em từ các gia đình khá giả thường có điều kiện học luyện thi, học thêm hay đi du học. Còn chất lượng giảng dạy tiếng Anh cho học sinh ở các trường công lập bị giới hạn bởi nhân lực, tài chính và cơ sở vật chất.
Nhiều học sinh chỉ thực sự thích tiếng Anh sau khi có cơ hội đi nước ngoài, phản ánh khoảng trống lớn trong trải nghiệm học ngôn ngữ tại chỗ. Thực tế cho thấy, các hình thức học tập dựa trên trải nghiệm như vai trò nhập vai, sân khấu kịch, câu lạc bộ nói tiếng Anh hay các cuộc thi hùng biện đang mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, chúng vẫn bị xem nhẹ so với các kỳ thi chuẩn hóa.
Ông Jason Boor, người sáng lập tổ chức giáo dục tiếng Anh “Tokyo English Kids Adventure”, khẳng định: “Những trải nghiệm nhập vai giúp trẻ em tự tin, tăng vốn từ và phản xạ tự nhiên hơn khi dùng tiếng Anh. Môi trường học tập vui nhộn, giao tiếp thực tế và ít áp lực thi cử đã thắp lên niềm đam mê thực sự với ngôn ngữ trong các em nhỏ”.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/nhat-ban-no-luc-nang-cao-giao-duc-tieng-anh-post741234.html
Bình luận (0)