Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhật Lệ mùa sương - Báo Quảng Bình điện tử

Việt NamViệt Nam30/03/2025


(QBĐT) - Mùa sương Nhật Lệ thường bắt đầu khoảng cuối xuân đến hết tháng tư. Không dài nhưng lay động. Từ nửa đêm về sáng, sương buông và giăng mắc khắp nơi. Dòng sông được màn sương phủ trắng. Thành phố chìm sâu trong mờ ảo. Dưới ánh sáng đèn vàng buổi tinh mơ mới thấy được cái phiêu bồng tột cùng của những hạt sương du lãng trong đêm. Sương nhẹ nhàng rơi lên vòm lá. Sương trùm xuống phố xá. Sương lãng đãng đậu lên tóc, lên mi, lên áo... Rất thực. Rất hư.

 

Khoác một chiếc áo mỏng bước ra đường vào lúc này thật là tuyệt. Không quá mù ra mưa, không đủ làm ta ướt, chỉ vừa cho ta cảm nhận được sự thanh khiết của tinh khí đất trời. Không đủ làm ta lạnh, chỉ vừa cho ta cảm được cái mát mẻ của buổi ban mai trong lành. Không thấy gì. Dòng sông biến mất. Mặt biển biến mất. Cả chiếc rớ đáy ở rất gần mép sông cũng biến mất.

 

Ta chỉ nhận ra nhịp đời đang khởi động bởi những âm thanh vọng lại từ chung quanh. Có tiếng mà chẳng thấy hình. Tiếng máy ầm ì của những chiếc thuyền thức đêm câu mực cập bến phía cửa sông vọng lại. Tiếng xôn xao trên bến dưới thuyền. Tiếng lách cách xe đạp của các bà, các chị đi chợ sớm. Thấp thoáng dáng chàng trai rắn rỏi, dáng cô gái lẳn tròn. Những bước chân sải dài trên phố rồi chìm dần vào trong sương. Ảo diệu vô cùng. Lặng lẽ đi. Lắng nghe âm thanh. Hình dung gương mặt, nụ cười. Hình dung dòng sông, bờ biển. Hình dung tất cả những gì vốn rất quen thuộc với ta theo cảm nhận của riêng ta, cho đến khi ánh dương lan xuống, sương tan dần, tất cả hiện lên rõ ràng dưới làn nắng ấm áp sẽ là một trải nghiệm hết sức yomost.

Thành phố Đồng Hới trong sương sớm.   Ảnh: Cường Bùi
Thành phố Đồng Hới trong sương sớm. Ảnh: Cường Bùi

Mùa sương giăng, rất nhiều loài hải sản áp lộng, đi nổi sau những ngày đông giá lạnh. Bắt đầu là những ngày khuyếc biển rộ. Khuyếc tràn vào đến cửa sông, ào ạt đến độ chỉ cần chèo thuyền ra khỏi bờ một quãng ngắn đã xúc được rất nhiều. Hồng tươi và trong vắt. Nhổ dăm cụm chua me lan man trên chậu cảnh sẽ có ngay bát canh ngon và sạch.  Mấy ngày này, cả bãi sông rộn ràng, huyên náo, tất bật từ tinh mơ đến tắt nắng.

 

Khuyếc to được phơi trên những mảnh lưới rộng. Giăng dài trên hè phố, bờ kè. Nhuốm hồng một dải. Loại nhỏ hơn để làm ruốc. Ép. Giả. Muối... Sương tan. Nắng lên. Khuyếc dậy mùi. Gió từ sông thổi vào, làm lan tỏa đến cả những con ngách nhỏ từ Hải Thành, Bảo Ninh ra đến Quang Phú. Mùi khuyếc thật đặc trưng. Ai quen rồi thì nghiện. Người mới biết thật khó thương. Thế nhưng, gắng chịu thêm ít tháng nữa, khi ruốc trong các chum vại đã được nung  chín tự nhiên bởi nắng hè và gió Lào nóng bỏng thì đến cả những người khó tính nhất cũng chẳng dễ bỏ qua món ruốc biển Đồng Hới. Đỏ hồng. Sánh mịn. Ngọt đậm. Và rất thơm. Mùi thơm không biết miêu tả bằng lời. Chỉ nói rằng, nếu ai lỡ ngửi mùi thơm ấy thì sẽ rất muốn được ăn và hình dung ra trước mặt mình một đĩa bún nóng. Ruốc là thứ thức ăn kích thích một cách tổng thể mọi giác quan màu, mùi, vị.. mà không cần make up bởi hóa chất công nghiệp.

 

Sau khuyếc đến ốc gạo, nhiều nơi còn gọi là ốc lễ hay chỉ đơn thuần là ôốc. Nhưng tôi vẫn thích gọi là ốc gạo hơn vì cái tên ấy nghe gần gũi, dân dã mà lại rất đẹp. Chẳng biết sản sinh từ bao giờ mà ốc gạo ở biển Đồng Hới, Quảng Bình nhiều đến vậy. Mới hay, thiên nhiên và biển cả thiệt hào phóng. Cũng như khuyếc, người khai thác ốc gạo chẳng phải đầu tư chi nhiều, chỉ cần một bàn cào sắt có bọc lưới để hứng ốc là có thể kiếm được kha khá. Tuy nhiên, phải là người am hiểu tập tính sinh sống của ốc và quy luật con nước mới làm được nghề này.

 

Ốc gạo thường tụ tập sinh sôi dưới lớp cát mỏng, cách bờ ở độ sâu từ 1-3 mét nước. Người ta thường đi cào ốc vào thời điểm sương giăng, từ nửa đêm về sáng. Đó cũng là lúc nước ròng. Sương giăng, ốc gạo sôi lên từng lớp. Đặt bàn cào xuống mặt cát, kéo lùi một đường ngắn, thấy nặng tay là biết trúng vỉa ốc nằm. Ốc gạo nhỏ xinh như những chiếc nút áo. Màu mè mà không sặc sỡ. Chỉ cần ngắm nhìn thôi cũng thấy thật đáng yêu.

 

Ăn ốc gạo lại là một câu chuyện khác, công phu và có phần tỉ mẩn. Ốc cào về phải ngâm nước biển để nhả hết cát bên trong mới đến công đoạn chế biến. Một chút mỡ heo phi thơm cùng sả, ớt băm nhỏ. Một chút ruốc biển. Muối. Lá chanh. Mùi, vị đều đến từ thiên nhiên. Thơm lừng ngất ngây cả xóm. Mùi thơm ấy thay cho lời mời gọi. Một cuộc tụ tập tán chuyện rôm rả bắt đầu. Người lễ ốc tựa như người ngồi thêu vậy, kiên nhẫn và khéo léo. Mỗi cái lắc cổ tay để rút gọn con ốc ra khỏi chiếc áo đẹp đẽ của nó là cả một nghệ thuật. Tôi không mê món này vì không kiên nhẫn, nhưng nhìn mọi người ngồi lễ từng con ốc nhỏ và ăn trong cảm khoái thì lại nhìn ra lý do niềm say mê của họ. Nhiều bà, nhiều chị lễ ốc gạo đã đạt đến ngưỡng của kỹ năng.  

 

Buổi sáng sương giăng, những chiếc rớ đáy đóng dọc đôi bờ sông Nhật Lệ ẩn hiện mờ ảo. Thành phố mang vẻ đẹp thật khác biệt. Tưởng như đó là khung cảnh không thể chạm tay, không thể bước vào. Tôi thường dừng bên bến sông xem quay rớ lúc sáng sớm. Khi chiếc cần quay trên chòi canh bắt đầu cất rớ lên, mặt nước đang im lìm dưới màn sương trắng được đánh thức. Ban đầu chỉ là những xao động nhỏ, rớ càng lên cao tiếng cá quẫy càng mạnh dần trong mành lưới. Từ ảo huyền về thực tại. Vỡ òa thú vị và phấn khích. Những con cá quẫy trong làn sương ngời lên lấp lánh. Cá tỏng trắng bạc. Cá mòi óng vàng. Cá đối chấp chới sáng...

 

Nhìn thấy cảnh này, những tín đồ ẩm thực sẽ lập tức nghĩ ngay đến một nồi cá tươi kho xổi với ớt xanh và đĩa rau sống xanh mướt. Ngon đừng hỏi! Đã thành thói quen, những chú cò cũng phục sẵn ở ngọn cây nào đó vội vàng sà xuống, đứng chênh vênh trên mép rớ hay trên chiếc cọc cắm giữa sông, nghênh nghênh chiếc đầu nhỏ, vênh vênh chiếc mỏ dài, ngó nghiêng thăm dò chực hôi cá. Nhìn cái cổ thật dài, cái chân thật nhẳng của cò mà thương. Vậy nên chẳng ai đuổi chúng cả. Bình yên lạ lùng!

 

Nhật Lệ mùa sương, thành phố trữ tình và quyến rũ. Mỗi sớm mai chỉ cần khoác hờ chiếc áo mỏng, thả bước trong sương bay để ngắm nhìn cuộc sống đang xôn xao thức dậy là một hạnh phúc vô cùng.

Tùy bút của Trương Thu Hiền



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202503/nhat-le-mua-suong-2225286/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm