
Sau 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh đã khá thành công khi lan tỏa, khơi dậy được ý chí, đam mê phát triển sản phẩm OCOP trong Nhân dân. Toàn tỉnh hiện có trên 400 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm OCOP 4 sao, số còn lại đạt 3 sao.
Hầu hết các sản phẩm đều được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong, ngoài nước và có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Một trong những kênh kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP chính là các hội chợ; chương trình xúc tiến thương mại; cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 24 điểm, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP được hỗ trợ từ ngân sách và do các chủ thể, doanh nghiệp, HTX đầu tư. Một thực tế đang diễn ra, hầu hết các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP được hỗ trợ từ ngân sách đặt tại các vị trí đắc địa ở TP Hà Tĩnh, trung tâm các huyện, thị xã cũ hay khu du lịch…, với nhiều lợi thế, song hoạt động không được như kỳ vọng. Thậm chí đã có tới 6 điểm, cửa hàng ngừng hoạt động không lâu sau khi nhận được hỗ trợ.


Đơn cử như Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Thiên Cầm do Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên cũ đứng chủ khai trương cách đây 5 năm. Với lợi thế nằm trong khu du lịch trọng điểm, cửa hàng này được kỳ vọng sẽ là địa điểm lý tưởng để trưng bày, giới thiệu, bán các mặt hàng đạt tiêu chuẩn OCOP của Hà Tĩnh. Thế nhưng, sau 3 năm hoạt động, cửa hàng này đã buộc phải đóng cửa, thay vào đó là nhà hàng kinh doanh hải sản.
Theo bà Lại Huyền Châu - chủ Cơ sở sản xuất, chế biến nước chấm Chẻo Bà Châu ở xã Thiên Cầm, lý do cửa hàng không hoạt động được vì thiếu chiến lược kinh doanh khi trưng bày quá nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành khác. Trong khi đó, một số sản phẩm OCOP đặc sản của Hà Tĩnh để du khách thưởng thức, làm quà cho người thân, bạn bè sau những chuyến du lịch lại chưa được chú trọng.
Còn cửa hàng OCOP và đặc sản vùng miền Thuận Hòa ở xã Hương Sơn (nằm trên tuyến quốc lộ 8A đoạn qua thị trấn Phố Châu cũ), sau 3 năm hoạt động cũng buộc phải đóng cửa vì kinh doanh ngày càng đi xuống, thu không đủ bù chi. Bà Hồ Thị Thuận - chủ cửa hàng cho biết, bản thân đã bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để xây dựng, lắp đặt hệ thống kệ hàng cũng như nhập hàng về để phục vụ hoạt động kinh doanh. Trong đó, cửa hàng cũng đã được tỉnh và huyện hỗ trợ 300 triệu đồng theo các chính sách hiện hành. Mới đầu, cửa hàng hoạt động rất hiệu quả, khách đến nườm nượp, nhưng sau thời gian ngắn lượng khách thưa dần và vắng lặng nên buộc phải đóng cửa.


Qua khảo sát tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Luận Thắng (số 6, đường Phan Kính, xã Can Lộc); Cửa hàng CED Central (số 02 đường Vũ Quang, phường Thành Sen)… cho thấy, phần lớn đang hoạt động theo hình thức vừa trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP nhưng đồng thời bán hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm hằng ngày để duy trì hoạt động.
Mục tiêu xây dựng và phát triển các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, quy trình sản xuất chất lượng sản phẩm OCOP và đặc sản của Hà Tĩnh đến khách hàng, góp phần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của người tiêu dùng đối với việc sử dụng sản phẩm.
Thông qua đó, tạo động lực phát huy sự sáng tạo cho các doanh nghiệp, HTX và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế vùng miền. Từng được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều đột phá, tuy nhiên, quá trình vận hành, nhiều cửa hàng chưa phát huy được những lợi thế, các chủ cửa hàng thiếu chiến lược kinh doanh rõ ràng, chưa thực sự năng động, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin để trong quảng bá, tiếp thị và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: https://baohatinh.vn/nhieu-cua-hang-gioi-thieu-san-pham-ocop-ha-tinh-lang-le-dong-cua-post291591.html
Bình luận (0)