Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều giáo viên kiến nghị về cách tính tiền thừa giờ

Báo Đại Đoàn KếtBáo Đại Đoàn Kết29/03/2025

Những ngày qua, tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An) nhiều giáo viên tiểu học đã gửi đơn kiến nghị về vấn đề chi trả tiền thừa giờ, cách tính tiết dạy chính khóa đối với giáo viên chủ nhiệm.


Kiến nghị tiền thừa giờ, tăng tiết

Đơn kiến nghị của tập thể giáo viên Trường Tiểu học Hưng Bình và Trường Tiểu học Hồng Sơn, TP Vinh cho thấy: Lâu nay, việc tính tiền thù lao thừa giờ, tăng tiết dạy của nhà trường theo quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa được thỏa đáng. Theo đó, các giáo viên đề nghị nhà trường thực hiện đúng quy định tại Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, trong đó nêu rõ định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần. Nếu giáo viên kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác như chủ nhiệm lớp, tổ trưởng chuyên môn, thư ký hội đồng trường, trưởng ban thanh tra nhân dân trường học, họ sẽ được giảm từ 2 - 3 tiết/tuần.

Anh thay
Trường Tiểu học Hưng Bình, TP Vinh (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Đ.Bắc

Tuy nhiên, theo phản ánh, nhiều giáo viên chủ nhiệm tại trường vẫn phải dạy từ 22 - 23 tiết/tuần mà không được giảm số tiết theo quy định, cũng không được tính tiền thừa giờ dù phụ huynh vẫn đóng tiền học 2 buổi/ngày (trước ngày 14/2/2025). Đặc biệt, tiền thừa giờ của giáo viên chủ nhiệm trong học kỳ 1 được chi trả 35.000 đồng/tiết, thấp hơn mức quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC (tính theo công thức tiền lương 1 giờ dạy thêm bằng tiền lương 1 giờ dạy nhân 150%).

Nhiều giáo viên còn cho rằng, nhà trường tính 23 tiết/tuần mà không trừ các tiết kiêm nhiệm là trái quy định, khiến họ phải dạy vượt khung lên 25 - 26 tiết/tuần. Trong khi đó, các tiết kiêm nhiệm chỉ được trả từ 35.000 - 50.000 đồng/tiết, thấp hơn mức 150% lương theo quy định. Ngoài ra, một số giáo viên cũng phản ánh việc nhà trường không tính tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần vào tiết dạy chính khóa mà cho rằng đó là nhiệm vụ bắt buộc của giáo viên chủ nhiệm. Điều này trái với quy định của Thông tư 3535/BGDĐT-GDTH và Thông tư 32/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhà trường, ngành giáo dục nói gì?

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Việt Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Bình xác nhận đã nhận được đơn kiến nghị và đã giải trình với các giáo viên. Tuy nhiên, một số giáo viên cho rằng câu trả lời của lãnh đạo trường chưa thực sự thỏa đáng.

Theo bà Hà, hiện nhà trường có 45 lớp với 1.667 học sinh, 62 giáo viên văn hóa, tức tỷ lệ giáo viên/lớp hiện là 1,378, thiếu 2 giáo viên so với quy định 1,39 giáo viên/lớp. Nhà trường đang tính toán số tiết thực dạy của giáo viên là 23 tiết/tuần, những tiết thừa sẽ được trả tiền tăng tiết.

Trường cũng thu tiền học từ phụ huynh với mức 50.000 đồng/học sinh/tháng (trước ngày 14/2/2025), tổng số thu đến tháng 2/2025 là 519 triệu đồng. Số tiền này được chi cho nhiều khoản, trong đó có gần 54 triệu đồng chi trả tiền tăng cường dạy học 2 buổi/ngày cho giáo viên với mức 150% lương, gần 99 triệu đồng chi trả lương giáo viên thỉnh giảng, 49 triệu đồng trả lương bảo vệ, 68 triệu đồng tiền điện nước, 49 triệu đồng tiền nước uống học sinh và 61 triệu đồng trả lại học sinh do không được thu tiền tăng cường từ ngày 14/2 theo Thông tư 29. Hiện trường còn lại 137 triệu đồng và đã nộp lại kho bạc.

Đối với việc tính tiết chủ nhiệm, bà Hà lý giải, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên chủ nhiệm có 3 tiết kiêm nhiệm gồm tiết sinh hoạt lớp, tiết sinh hoạt theo chủ đề và tiết sinh hoạt dưới cờ. Nhà trường tính tiền thừa giờ cho 2 tiết đầu do diễn ra trong từng lớp, nhưng tiết sinh hoạt dưới cờ thường tổ chức tập trung toàn trường nên chỉ trả cho giáo viên được phân công thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh cho biết: Nhiều trường đang thắc mắc về cách tính số tiết thực dạy của giáo viên. Theo văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017, mỗi giáo viên tiểu học phải đảm bảo 23 tiết/tuần, các tiết kiêm nhiệm nếu được tính là tiết thừa giờ sẽ được chi trả từ ngân sách theo Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.

Tuy nhiên, căn cứ vào văn bản hợp nhất 03/VBHN - BGD ĐT, Thông tư ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông và căn cứ theo tình hình thực tế hiện nay, ngành Giáo dục thành phố đã hướng dẫn cách tính số tiết thực dạy của mỗi giáo viên phải đảm bảo 23 tiết/tuần. Đối với các tiết kiêm nhiệm, nếu được tính là tiết thừa giờ thì sẽ được đơn vị chi trả từ nguồn ngân sách theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

“Sau khi có kiến nghị, chúng tôi đã về các trường làm việc, ngoài việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng, Phòng cũng đã giải thích rõ với đội ngũ giáo viên tại các trường nói trên” - bà Thảo thông tin thêm.



Nguồn: https://daidoanket.vn/nhieu-giao-vien-kien-nghi-ve-cach-tinh-tien-thua-gio-10302497.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm