Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhìn lại chặng đường thơ Đà Nẵng

Thơ làm đẹp cho tâm hồn con người và cuộc sống, tôn vinh thơ chính là tôn vinh những giá trị tinh tế của văn hóa, nhân lên giá trị tốt đẹp của cuộc sống, góp phần xây dựng niềm tin và đạo đức xã hội. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, Báo Đà Nẵng có cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Kim Huy (ảnh), Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố, để cùng nhìn lại chặng đường thơ Đà Nẵng.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng28/03/2025

* Nếu có thể đưa ra nhận định khái quát về chặng đường thơ Đà Nẵng 50 năm qua, ông tâm đắc nhất điều gì?

- Điều nổi bật nhất mà chúng ta có thể tự hào là trong chặng đường thơ 50 năm qua, những thế hệ nhà thơ ở Đà Nẵng có nhiều tác phẩm hay, có giá trị văn chương đóng góp vào diện mạo văn học hiện đại nước nhà. Nối tiếp truyền thống văn học của vùng đất “Ngũ phụng tề phi” Quảng Nam - Đà Nẵng từ thế hệ các nhà thơ khoa bảng như chí sĩ Phạm Phú Thứ, Hà Đình Nguyễn Thuật, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân…, các nhà thơ trước 1945 Khương Hữu Dụng, Phan Khôi, Hằng Phương, Phạm Hầu… đến các nhà thơ trong kháng chiến chống Pháp Hoàng Châu Ký, Võ Quảng, Trinh Đường…

Trong 50 năm qua, tại Đà Nẵng đã xuất hiện những nhà thơ khẳng định được tên tuổi, có nhiều tác phẩm được bạn đọc ghi nhận như Lưu Trùng Dương, Đông Trình, Thanh Quế, Ngân Vịnh, Bùi Công Minh, Tần Hoài Dạ Vũ… Lớp nhà thơ thế hệ trước 1975 và nhiều gương mặt thơ sau 1975 được bạn đọc biết đến như Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Đông Nhật, Bùi Xuân, Trần Tuấn, Nguyễn Kim Huy, Nguyễn Nho Khiêm, Hồ Sĩ Bình, Mai Hữu Phước, Đinh Thị Như Thúy, Phan Hoàng Phương… và rất nhiều tác giả trẻ đang nỗ lực sáng tác, định hình nên phong cách thơ của mình…

Những tác phẩm của các nhà thơ Đà Nẵng góp phần khắc họa diện mạo thơ của thành phố 50 năm qua khá phong phú đa dạng, kể cả về đề tài, nội dung lẫn phong cách sáng tác, nỗ lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ. Đó là dẫn chứng sinh động cho niềm say mê văn chương, tình yêu thơ ca và những nỗ lực không ngừng trên con đường sáng tạo văn học nói chung và thơ nói riêng của các tác giả Đà Nẵng.

* Trải qua chặng đường nửa thế kỷ, ông thấy cảm xúc, cảm nghĩ của bạn thơ cả nước về Đà Nẵng hiện nay như thế nào?

- Đà Nẵng luôn là miền đất gợi lên cảm hứng lớn lao đối với bạn bè trong giới thi sĩ khắp mọi miền đất nước. Qua thi phẩm “Đà Nẵng mùa xuân” (NXB Đà Nẵng, 2025) do Tạp chí Non Nước tuyển chọn các bài thơ của 58 tác giả trong và ngoài thành phố viết về Đà Nẵng, có thể thấy, mỗi người có những đề tài và phương thức biểu hiện nghệ thuật khác nhau nhưng khi viết về Đà Nẵng, các tác giả đều dành cho thành phố những tình cảm sâu nặng, dành cho đất và người Đà Nẵng một tình yêu nồng thắm, niềm tự hào và sự say mê chân thực về vẻ đẹp cảnh vật và tâm hồn con người Đà Nẵng, cả trong lịch sử, quá khứ đến cuộc sống hiện tại.

Qua thơ, các tác giả dành cho Đà Nẵng sự ca ngợi chân thành và tin tưởng vào một tương lai rạng rỡ. Và cũng qua những tác phẩm đó, người đọc còn có thể nhận được những nét đẹp và sự sâu lắng của tâm hồn con người khi đến với Đà Nẵng, gắn bó cùng Đà Nẵng, mà có lẽ trên hết là sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn sâu nặng.

* Theo ông, dự báo về nét chủ đạo của hoạt động sáng tác trong năm 2025 là gì?

- 2025 là năm đất nước có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, nổi bật nhất và quan trọng nhất là kỷ niệm 50 năm ngày đất nước được hòa bình, thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. 50 năm ấy, thơ ca vẫn thường được dùng để diễn đạt cảm xúc, lý tưởng, tư duy và ý nghĩa cuộc sống một cách đặc biệt.

Thơ, trước tiên là để làm đẹp cho tâm hồn con người và cuộc sống, tôn vinh thơ chính là tôn vinh những giá trị tinh tế của văn hóa, nhân lên giá trị tốt đẹp của cuộc sống, góp phần xây dựng niềm tin và đạo đức xã hội, triển khai và cụ thể hóa đường lối của Đảng về văn hóa - văn nghệ trước yêu cầu của thời kỳ mới. Trong những năm qua, thành phố đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, trong đó phải kể đến sự khơi nguồn cảm hứng mãnh liệt của thơ ca, tất cả vì phẩm giá con người.

Các cuộc hội thảo diễn ra tại Đà Nẵng thời gian qua, đội ngũ sáng tác của thành phố thường xuyên nêu lên những góc nhìn và cách tiếp cận đa chiều về hai lĩnh vực then chốt của sáng tạo thi ca, đó là bản lĩnh và bản sắc của nhà thơ hiện nay. Ở đó, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Có bản lĩnh cùng với tài năng, các nhà thơ sẽ tạo nên bản sắc riêng, sự khác biệt, độc đáo cho mình.

Các nhà thơ cũng khẳng định, có bản lĩnh mới có bản sắc, người làm thơ không có bản sắc thì chỉ là người làm thơ chứ chưa phải là nhà thơ. Đặc biệt là trong thời kỳ trí tuệ nhân tạo có mặt vào sáng tác hiện nay. Dù siêu việt đến đâu, trí tuệ nhân tạo cũng sẽ không thể thay thế được sự rung động chân thực của tâm hồn con người, quá trình viết bằng tận cùng tất cả cảm xúc của nhà thơ... Đó cũng chính là bản lĩnh, bản sắc của người cầm bút.

Tôi nghĩ đề tài về 50 năm đất nước thống nhất là một đề tài lớn, có sức cuốn hút để văn nghệ sĩ sáng tác, nhất là với các nhà văn, nhà thơ tâm huyết tiếp cận để hy vọng hoàn thành những tác phẩm theo kịp bước chân Tổ quốc và thời đại mình sống. “Bài ca thống nhất non sông” hẳn sẽ là một chủ đề trọng tâm để các tổ chức văn nghệ mở ra các cuộc vận động sáng tác lớn và sôi nổi trong năm 2025 này...

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NHÂN HÒA ANH thực hiện

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202503/nhin-lai-chang-duong-tho-da-nang-4002751/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm