
Xã Tân Thành được sáp nhập từ 3 xã Tân Thuận, Tân Thành và Thuận Quý, là xã ven biển của tỉnh Lâm Đồng, có tổng diện tích tự nhiên toàn xã 177,58 km2 với tổng dân số 31.309 người. Về vùng biển Tân Thành ngay chính vụ cá nam, câu chuyện đang được mùa cá, tôm rộn ràng khắp các quán cà phê dọc bờ biển. Hỏi bất cứ ai làm nghề biển họ đều phấn khởi khoe đang “được mùa”.
Ông Võ Viết Tuấn (thôn Thanh Phong) cho biết, đang vô mùa bẫy mực bằng vỏ ốc, có ngày ông khai thác được 40 – 50 kg mực rái, với giá khoảng 100.000 đồng/kg, thu về 4 – 5 triệu đồng/ngày. Không riêng gì ông Tuấn, mà nhiều ngư dân khác trong vùng cũng không giấu được niềm vui khi đang vào cao điểm hái “lộc” biển. Những ngư dân này cho biết, đến tháng 8 – 9 âm lịch, họ lại chuyển qua nghề lưới ghẹ, rập ốc hương, câu mực… có giá trị kinh tế cao hơn, sẽ giúp ngư dân có thu nhập khấm khá, nên đỡ gánh nặng chi phí học hành cho nhiều gia đình làm nghề biển nơi đây. “Thôn Thanh Phong, xã Tân Thành từng được xem là nơi có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất xã, nhưng nay, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay, không còn hộ nghèo và nhiều gia đình đã khá lên từ biển. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Thành giảm còn 0,94% (so với năm 2020 là 1,02%)”, ông Đậu Trọng Trung – Chủ tịch Hội Cộng đồng ngư dân xã Tân Thuận chia sẻ.
Có được trái ngọt như ngày hôm nay, có lẽ là nhờ sự kiên trì của địa phương cũng như của Hội Cộng đồng ngư dân quyết tâm thực hiện mô hình Đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi hải sản. Nhờ sự hỗ trợ của ngành chức năng, hoạt động thả rạn nhân tạo, cụm chà được người dân tăng cường triển khai, nhằm đánh dấu vùng biển thực hiện đồng quản lý, ngăn chặn hoạt động của các nghề cấm, nhất là lưới kéo, lờ dây, giã cào, tạo nơi sinh sống, sinh sản cho nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, nơi đây đã xây dựng và vận hành được mô hình “Đội giám sát cộng đồng IUU” - mô hình điểm của cả nước. Bên cạnh đó, các Hội Cộng đồng ngư dân đẩy mạnh tuyên truyền, bảo vệ vùng biển đã đánh dấu. Nhờ đó, môi trường sống của các loài thủy sản dần được hồi sinh, ngư dân mới có cơ hội “trúng mùa” như những năm gần đây.
Bên cạnh nghề biển, đời sống của Nhân dân xã Tân Thành còn nhờ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó cây trồng chủ lực vẫn là thanh long. Dù giá thanh long lúc này lúc kia nhưng tính chung người dân đều ít nhiều có thu nhập. Thêm vào đó, một số resort, homestay ven biển đi vào hoạt động cùng các trang trại nông nghiệp công nghệ cao đón khách trên địa bàn làm nên sự nhộn nhịp, xôm tụ và giải quyết được một lượng lớn nguồn lao động tại chỗ ở nông thôn.
Do đó, trong nhiệm kỳ tới (2025 - 2030), Đảng bộ xã Tân Thành xác định phải đẩy mạnh công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản gắn với trách nhiệm cộng đồng người dân, nhằm tạo sinh kế lâu dài, ổn định cuộc sống ngư dân sống ven bờ, bãi ngang. Có như vậy, công sức của những ngư dân nơi đây nhọc nhằn ra sức bảo vệ, giữ gìn nguồn lợi cho con cháu đời sau mới được đền đáp xứng đáng.
Nguồn: https://baolamdong.vn/nhon-nhip-vung-ven-bien-383441.html
Bình luận (0)