Sách là người bạn làm phong phú đời sống tinh thần cho người đọc. Chú trọng văn hóa đọc, mỗi trang sách sẽ đồng hành cùng bạn trẻ trên con đường chinh phục tri thức và từng câu chuyện kể từ đó cũng góp phần hoàn thiện nhân cách sống cho các bạn.
Xuất phát từ những ý nghĩa này, lần đầu tiên, hội thi xếp sách nghệ thuật và kể chuyện từ sách được tổ chức lồng ghép và diễn ra hết sức sôi nổi ở phạm vi một ngôi trường cấp tiểu học - Trường tiểu học Nguyễn Thị Định (TP. Bạc Liêu).
Tuổi nhỏ, suy nghĩ không nhỏ
“Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười/ Ngắt một đóa hoa tươi/ Chị cài lên mái tóc/ Đầu ngẩng cao bất khuất/ Ngay trong phút hy sinh/ Bây giờ dưới gốc dương/ Chị nằm nghe biển hát”.
Khi kết thúc câu chuyện “Nữ anh hùng Võ Thị Sáu” bằng những dòng thơ, trong khi phía dưới hàng ghế khán giả nghẹn đi vì xúc động, thì em Phan Ngọc Khả Như (lớp 2/1) vẫn giữ nguyên phong thái đĩnh đạc, sắc sảo trong từng lời kể và ánh lên trong khóe mắt là cả niềm tự hào như từ khi em bắt đầu câu chuyện. Em kể mà như đang truyền lửa từ chính trái tim quả cảm, tinh thần bất khuất của người con gái Đất Đỏ!
Tại phiên tòa đại hình, chị Sáu khi đó mới 17 tuổi đã hiên ngang khẳng định: “Yêu nước, chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”. Kể cả khi đối mặt với cái chết, khi ra đến pháp trường, chị Võ Thị Sáu vẫn kiên quyết không quỳ xuống, yêu cầu không bịt mắt vì, “Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng!”.
Tất cả những chi tiết đắt giá về tấm gương người liệt nữ anh hùng Võ Thị Sáu đã được một bạn nhỏ truyền lửa cho cả hội trường - nơi diễn ra hội thi hôm ấy.
Thẩm thấu được những bài học quý báu về tinh thần bất khuất, lòng yêu nước, sự dũng cảm khi đất nước cần, các bạn nhỏ ở lứa tuổi tiểu học đã vượt lên cả sự hiểu biết để thể hiện phần thi của mình! Các em kể lại những câu chuyện bằng trái tim, thổi hồn vào câu chuyện trên trang sách và quan trọng nhất là sau đó, đã lan tỏa những câu chuyện ấy - những thông điệp ý nghĩa đến với các bạn cùng trang lứa.
Nhiều câu chuyện xúc động về Bác Hồ như “Ba chiếc ba lô”, “Ai ngoan sẽ được thưởng”, “Quả táo của Bác Hồ”, “Giữ lời hứa”...; chuyện về “Ngọn đuốc sống Lê Văn Tám”; hay những câu chuyện thiếu nhi quen thuộc như “Cậu bé Tích Chu”, “Ba chú thỏ”... đã được thể hiện thành công khi kết thúc mỗi câu chuyện, các em đều gửi gắm lại nhiều bài học lớn từ câu chuyện nhỏ.
Ban giám khảo hội thi đánh giá rằng, mỗi thí sinh đều đã giành được thành tích cho chính mình! Đó là sự tự tin, hiểu biết và nhận thức được giá trị của từng trang sách mà các em đã tiếp cận; và điều đáng mừng nhất là các em đã biết chọn sách là “người bạn thân” từ khi còn rất nhỏ.
“Ngọn hải đăng” - tác phẩm của lớp 3/2 đoạt giải Nhất và giải “Mô hình ấn tượng” trong phần thi xếp sách nghệ thuật. Ảnh: C.T
Khi sách được “thổi hồn”
Bám sát chủ đề “Tự hào trang sử Việt”, cùng với những câu chuyện kể của các em học sinh khối lớp 1, lớp 2 thì các anh chị khối lớn hơn đã thổi hồn vào từng quyển sách khi mang đến những mô hình xếp sách nghệ thuật khá độc đáo. 20 mô hình khác nhau là sự công phu sáng tạo và những thông điệp đầy ý nghĩa được các lớp gửi gắm.
“Trước mắt thầy cô và các bạn là ngọn hải đăng ngời sáng, biểu tượng cho lý tưởng sống cao đẹp của con người Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng hải, ngọn hải đăng còn là cột mốc chủ quyền Tổ quốc trên biển Đông... Trên ngọn hải đăng là lá cờ Tổ quốc trải qua bao dông tố vẫn luôn đỏ rực để khẳng định rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam... Ngọn hải đăng mà chúng em xếp từ sách là lời nhắc nhở cho sự bền bỉ về khát vọng không ngừng vươn lên và khám phá những chân trời mới. Em hy vọng rằng học sinh chúng ta sẽ luôn giữ trong lòng tình yêu biển đảo và luôn nỗ lực học tập, rèn luyện góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...”, đó là phần thuyết minh của em Nguyễn Minh Châu khi cùng nhóm lớp 3/2 xếp sách thành mô hình “Ngọn hải đăng” - một trong 3 giải Nhất và nhận thêm giải phụ “Mô hình ấn tượng” ở phần thi xếp sách nghệ thuật (cùng nhận giải này còn có mô hình “Xe tăng” của lớp 4/4).
Xếp sách nghệ thuật, một hình thức tuyên truyền trực quan đã trở thành một trong những hình thức trưng bày, triển lãm sách báo mang lại hiệu quả cao trong những năm gần đây. Hội thi xếp sách nghệ thuật đã được Thư viện tỉnh tổ chức cho các trường tham gia nhân kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), riêng ở cấp trường thì đây là trường học đầu tiên chủ công tổ chức. Thay vì nằm trên ngăn tủ thì xếp sách nghệ thuật cũng là hình thức trang trí, làm cho các hoạt động của thư viện trường học thêm sinh động và hấp dẫn hơn. Những mô hình ý nghĩa, thẩm mỹ sẽ tạo ấn tượng, kích thích bạn đọc tìm đến sách nhiều hơn.
Qua bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của các lớp, và không thể thiếu là phần thuyết minh đầy truyền cảm, hội thi đã tạo ra nhiều mô hình sách hàm chứa nhiều ý nghĩa như: “Ngọn hải đăng”, “Lăng Bác Hồ”, “Xe tăng”, “Bác Hồ trong trái tim em”...
“Các em hãy nhớ rằng, việc đọc sách không chỉ là để tiếp thu kiến thức, mà còn để khám phá thế giới xung quanh, để xây dựng một tâm hồn trong sáng, đầy ắp yêu thương và biết ơn, làm hành trang vững chắc cho các em trên con đường học vấn và đời sống. Hãy để sách dẫn dắt các em đến gần hơn với sự hiểu biết, lòng yêu nước và những ước mơ lớn lao. Mỗi câu chuyện và mô hình sách được xếp hôm nay sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về sự hy sinh, đóng góp của các thế hệ đi trước và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị thiêng liêng ấy”, những gửi gắm ấy của cô Nguyễn Thị Tình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Định cũng là mong đợi của nhà trường khi tổ chức một hội thi hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cũng là thiết thực chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) mà cả nước đang hướng đến.
Cẩm Thúy
Nguồn: https://www.baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhung-bai-hoc-lon-tu-sach-100325.html
Bình luận (0)