Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những bước chuyển mình ngoạn mục của Việt Nam sau 50 năm thống nhất

(Dân trí) - Chặng đường nửa thế kỷ kể từ khi đất nước thống nhất, theo ĐBQH Trịnh Xuân An, là chặng đường không hề xuôi chèo mát mái. Dù vậy, Việt Nam đã vượt qua mọi thách thức để có những sự thay đổi thần kỳ.

Báo Dân tríBáo Dân trí25/04/2025

1.webp

"Ngày 30/4 năm nay, chúng ta kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Đây là một dấu mốc đặc biệt đánh dấu tròn nửa thế kỷ - một chặng đường đủ dài để nhìn lại và đánh giá chúng ta đang ở đâu, đã đạt được những gì", ông Trịnh Xuân An, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, chia sẻ trong cuộc trao đổi với báo Dân trí.

LTS: 50 năm trước, dân tộc Việt Nam đã viết nên một trang sử hào hùng và chói lọi với đại thắng mùa Xuân 1975. Đó là khúc khải hoàn của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, khát vọng độc lập và thống nhất đất nước, non sông liền một dải.

Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước không ngừng vươn mình mạnh mẽ, từ tro tàn chiến tranh đến những bước tiến lớn trên bản đồ thế giới.

Để khắc họa rõ hơn những kỳ tích ấy, báo Dân trí trân trọng gửi đến quý bạn đọc loạt bài viết về những thành tựu của đất nước 50 năm qua, để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tri ân những cống hiến lớn lao và khơi dậy khát vọng vươn mình mạnh mẽ cho hành trình phía trước của dân tộc.

2.webp

Năm 2025 gợi nhớ đến sự kiện cách đây tròn nửa thế kỷ khi Việt Nam thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà (30/4/1975). Nhìn lại chặng đường 50 năm đã đi qua, ông muốn nhắc đến những thành tựu cũng như sự chuyển biến quan trọng nào của đất nước?

- Non sông về chung một dải đã 50 năm, nhưng để có môi trường thực sự hòa bình và ổn định, có lẽ quãng thời gian chỉ khoảng hơn 30 năm - từ năm 1990 trở lại đây, khi đất nước yên tiếng súng và có môi trường hòa bình để phát triển.

Nhìn lại chặng đường lịch sử đã đi qua, đặc biệt giai đoạn sau đổi mới năm 1986, Việt Nam đã chuyển mình ngoạn mục với những sự thay đổi thần kỳ của một đất nước, một dân tộc vốn bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.

Chúng ta đã có một thời gian dài tăng trưởng về kinh tế với chính sách đổi mới, với sự thay đổi trong tư duy, trong quản trị kinh tế - xã hội, với sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Việt Nam bước ra từ chiến tranh với sự đổ nát, đi lên từ con số âm chứ không phải chỉ bắt đầu từ con số 0, nhưng chúng ta đã đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, thậm chí là kỳ tích.

3.webp

Kết quả đầu tiên minh chứng cho nhận định này là tăng trưởng về kinh tế, có những thời gian tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm đầu thế giới, đời sống người dân được thay đổi toàn diện.

Từ một đất nước khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao do bị bao vây, cấm vận, Việt Nam giờ đây làm chủ được an ninh lương thực, xuất khẩu gạo cùng nhiều mặt hàng thiết yếu, từ đó bảo đảm được an sinh xã hội và đời sống người dân. Có thể nói, Việt Nam đã thoát nghèo và bước sang giai đoạn làm giàu.

Một điều quan trọng nữa là chúng ta luôn giữ vững được chế độ, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và giữ vững hệ thống chính trị.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng ngày càng được nâng cao, từ chỗ là nước bị bao vây, cấm vận, cô lập, đến thời điểm này, nước ta đã trở thành điểm sáng trong ngoại giao với khu vực và thế giới.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 12 quốc gia trên thế giới; ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Việt Nam cũng là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Đặc biệt, một kết quả khác không thể không nhắc đến, là việc hệ thống pháp luật, thể chế của chúng ta được xây dựng ngày càng bài bản, đầy đủ, đồng bộ và thống nhất.

Sau khi thống nhất đất nước, chúng ta phải mất thời gian dài để định hình, tìm tòi, hoàn thiện thể chế. Trên cơ sở Hiến pháp 2013, chúng ta đã tạo nên những đột phá, dấu ấn quan trọng về xây dựng thể chế, nhất là việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững, tạo động lực bước vào giai đoạn mới.

4.webp

Nhìn lại chặng đường 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất và gần 40 năm đổi mới, tôi có rất nhiều cảm xúc khi chứng kiến đất nước mạnh mẽ, kiên cường không ngừng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và tận dụng mọi cơ hội để vươn mình.

50 năm qua không phải là một giai đoạn xuôi chèo mát mái mà có rất nhiều cản trở và thách thức, thậm chí có những giai đoạn khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng đất nước ta trong khó khăn lại càng kiên cường, mạnh mẽ, đã vượt qua mọi thách thức để có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Điều đó là minh chứng cho hình ảnh của một Việt Nam bản lĩnh, kiên cường, khát khao trở thành quốc gia hùng mạnh, tự chủ.

Là một đại biểu dân cử có nhiều cơ hội được tiếp cận với các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, ông ấn tượng với những thành quả gì về phát triển kinh tế trong những năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn đất nước phải đối mặt với khó khăn chưa từng có tiền lệ như đại dịch Covid-19 hay cơn bão Yagi lịch sử?

- Những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ có lẽ hiện diện rất nhiều trong chặng đường vừa qua của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là giai đoạn khá đặc biệt, nhưng cũng là thời điểm thể hiện rất rõ tố chất, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam. Đó là trong khó khăn chúng ta sẽ càng thêm sức mạnh, bản lĩnh.

Gần 5 năm qua, chúng ta phải đối mặt với nhiều trở ngại mang tính thời đại như đại dịch Covid-19 hay những trận thiên tai lịch sử, ngoài ra còn nhiều yếu tố bất ổn khác từ bối cảnh khu vực và thế giới.

Điển hình, Covid-19 là đại dịch rất lớn, mà mỗi khi nhắc đến, cả thế giới đều thể hiện sự khâm phục đối với Việt Nam. Chúng ta trong giai đoạn khó khăn ấy được nhiều nước và tổ chức thế giới ví như "ngôi sao sáng", "hình mẫu" trong phòng chống đại dịch và phát triển kinh tế.

5.webp

Giai đoạn 2020-2023, tình hình kinh tế, chính trị thế giới nhiều biến động phức tạp, cùng với đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước. Song tăng trưởng của Việt Nam vẫn có nhiều điểm tích cực so với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2020 đạt 2,91% với quy mô hơn 268 tỷ USD. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm 2011-2020, song lại thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đầy thách thức. Năm 2021, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP là 2,58%, thấp hơn 0,33% so với năm 2021.

Năm 2022, với việc ban hành nhiều chính sách phù hợp, đặc biệt thực hiện chủ trương "vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép", kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi ngoạn mục, GDP đạt 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đảm bảo giữ vững sự ổn định của kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt lạm phát. Việt Nam vẫn thu hút tốt đầu tư nước ngoài và là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế.

Trong nước, chúng ta thực hiện tốt những mục tiêu cao cả về đảm bảo an sinh xã hội, tiến hành công cuộc chuyển đổi số, hiện đại hóa quản trị đất nước.

Đặc biệt, giai đoạn đại dịch, thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã huy động được nguồn lực lớn chưa từng có với gần 400.000 tỷ đồng.

Bối cảnh lúc đó khó khăn trăm bề khi nền kinh tế bị tác động từ nhiều phía, chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, hoạt động sản xuất bị đình trệ và mất rất nhiều thời gian để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nguồn lực gần 400.000 tỷ đồng dành ra để khôi phục hoạt động sản xuất và lo an sinh xã hội rất có ý nghĩa.

6.webp

Song song với đó, cả nước hoàn thiện khối lượng công việc rất lớn về hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc, đã làm thay đổi bộ mặt, tạo động lực lớn cho sự phát triển của đất nước.

Ngoài yếu tố về phát triển kinh tế đầy ấn tượng, lòng tin của người dân và chỉ số hạnh phúc về con người, về xã hội, văn hóa, giáo dục đều được nâng cao.

Những điều đó cho thấy trong khó khăn, chúng ta càng có động lực trỗi dậy, giống như viên nén của lò xo vậy. Đó là những điều rất đáng tự hào.

7.webp

Vậy từ phía Quốc hội, ông cảm nhận thế nào về sự thay đổi trong hoạt động của cơ quan dân cử thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với rất nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ?

- Hoạt động của Quốc hội cùng bộ máy Nhà nước trong giai đoạn vừa qua, nhất là nhiệm kỳ khóa XV, mang lại rất nhiều cảm xúc.

Quốc hội đã không đứng ngoài bối cảnh, tình hình đất nước. Với vai trò là cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, Quốc hội đã hòa chung nhịp đập cuộc sống và làm tốt vai trò của mình.

Kế thừa thành tựu của khóa trước, nhưng Quốc hội khóa XV lại được đặt trong bối cảnh có nhiều yếu tố hết sức đặc biệt.

Quốc hội đã có những chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt và linh hoạt, thể hiện hình ảnh của một Quốc hội hành động, gần dân, vì dân và vì sự phát triển.

Điều này được minh chứng qua hàng loạt quyết sách của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, giám sát hay quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Có rất nhiều điều để nói, nhưng điều đầu tiên phải khẳng định, Quốc hội đã rất chủ động, linh hoạt trong điều hành.

Quốc hội đã đồng hành cùng Chính phủ trong hoạt động lập pháp, giám sát để cùng hướng tới mục tiêu vì sự phát triển, xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Ví dụ, Nghị quyết 30 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ nhất đã quyết nghị nhiều cơ chế đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống đại dịch Covid-19…

Đây là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ, tạo nền tảng pháp lý vững chắc tại thời điểm cấp bách khi đại dịch Covid-19 bùng phát để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, chính quyền địa phương chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như trong tình trạng khẩn cấp.

8.webp

Hay Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng mang ý nghĩa đặc biệt khi cho phép sử dụng một nguồn lực rất lớn với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch.

Những quyết sách quan trọng này nếu không được Quốc hội nhanh chóng thông qua, sẽ không có hiệu quả và làm mất đi nhiều cơ hội.

Sự linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội còn thể hiện ở những quyết định chưa có tiền lệ, như tổ chức họp Quốc hội trực tuyến trong đại dịch, triệu tập các kỳ họp Quốc hội bất thường, thể hiện tư duy đổi mới và sự kịp thời trong phản ứng chính sách.

Hai là trong nhiệm kỳ này, hoạt động của Quốc hội thể hiện rất rõ tính công khai, minh bạch, nhất là trong việc giám sát, đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.

Ba là Quốc hội đã có thay đổi trong hoạt động xây dựng pháp luật theo hướng khoa học hơn, thực tiễn hơn, tạo nên tính hợp lý, phù hợp với từng bối cảnh, tình hình. Có lúc việc xây dựng pháp luật cần chi tiết, cụ thể nhưng có lúc để tạo động lực và cơ chế cho phát triển, cần thay đổi về phương pháp.

Đến nay Quốc hội đã xây dựng được khối lượng văn bản pháp luật rất lớn, có những kỳ họp thông qua đến 20 đạo luật và nghị quyết. Nếu không thay đổi về phương pháp, không thể làm được việc đó.

Quốc hội trong hoạt động cũng linh hoạt chấp nhận giải pháp mang tính tổng thể, đó là sự đổi mới mạnh mẽ về mặt tư duy. Có những nội dung không cần qua quy trình quá chặt chẽ nhưng lại tác động đến lớn xã hội, phát triển kinh tế, ví dụ việc một luật sửa nhiều luật, hay thông qua luật trong một kỳ họp để làm nhanh hơn, gọn hơn, phúc đáp nhanh nhất yêu cầu của xã hội.

Quốc hội cũng có chuyển biến về tư duy với định hướng xây dựng luật mang tính kiến tạo, thoát khỏi tư duy quản lý.

Một điều nữa dễ nhận thấy, là Quốc hội hết sức bản lĩnh và trách nhiệm khi quyết định một khối lượng rất lớn về nguồn lực, số lượng rất lớn công trình trọng điểm quốc gia. Chỉ tính trong nhiệm kỳ này, Quốc hội quyết hơn 10 dự án, công trình quan trọng, trọng điểm quốc gia; quyết định một loạt nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù. Nếu không có bản lĩnh và trách nhiệm, sẽ khó làm được việc đó.

Với quan niệm nếu cứ bàn rồi để đấy sẽ có lỗi với nhân dân, với đất nước, Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh dám làm, dám chịu vì sự phát triển, sự hùng cường của đất nước.

9.webp

Vài tháng trở lại đây, cả nước quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và đang tiếp tục triển khai định hướng sáp nhập tỉnh - xã, không tổ chức cấp huyện. Nhiều người kỳ vọng việc tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn tạo ra các vùng kinh tế quy mô lớn để thu hút đầu tư để phát triển bền vững. Theo ông, những yếu tố nào cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo việc sáp nhập đạt được mục tiêu như kỳ vọng?

- Nội dung này đã được bàn luận rất nhiều. Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sau khi được Trung ương cho ý kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào đầu tháng 5 tới.

Chúng ta đang trên đường hành quân để cùng thực hiện một cuộc đại cách mạng và ta có niềm tin vào sự thành công.

Nhưng việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp ngoài việc căn cứ vào những nội dung pháp luật đã quy định, còn phải học hỏi kinh nghiệm thế giới và đúc kết bài học thực tiễn từ những lần triển khai trước đây.

Trong đó, có hai cơ sở chính cần xem xét là cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội.

Cơ sở tự nhiên gồm các yếu tố về địa lý, dân cư của vùng, miền. Sáp nhập địa giới hành chính phải tính tới diện tích, dân cư, địa lý và đặc thù vùng miền, đảm bảo tính thống nhất và liên kết để tạo động lực, không gian phát triển.

Các phương án đề xuất cũng đã được tính toán kỹ về yếu tố địa lý, dân cư để tạo được vùng động lực mới.

10.webp

Yếu tố lịch sử, văn hóa cũng rất quan trọng, vì nhiều địa phương có chung bản sắc văn hóa, nếu liên kết được với nhau sẽ cho hiệu quả rất tốt. Ngược lại, sáp nhập 2 vùng khác hẳn nhau về lịch sử, văn hóa rất khó thống nhất và tạo dư địa phát triển.

Cơ sở xã hội bao gồm các yếu tố về hạ tầng kinh tế - xã hội và điều kiện phát triển. Về mặt hạ tầng, việc sáp nhập phải tính toán để tạo được dư địa, động lực phát triển và có tính đồng bộ, có kết nối về mặt giao thông, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin…

Bên cạnh đó, chủ trương này cần tạo được sự đồng thuận xã hội và ở từng địa phương, mới có thể tạo sự đoàn kết, động lực cho phát triển lâu dài, bền vững.

Về tổng quan, khi chúng ta kết hợp cả yếu tố tự nhiên và yếu tố kinh tế - xã hội, phải vì mục tiêu cao nhất là tạo động lực cho sự phát triển, mở ra không gian phát triển mới rộng hơn, tạo sức mạnh lớn hơn cho địa phương và nâng cao đời sống người dân.

Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả cần chú ý, đó là con người, là bộ máy quản trị, điều hành. Năng lực lãnh đạo, khả năng điều hành cộng với tư duy đổi mới từ đội ngũ lãnh đạo trong bộ máy sau sắp xếp cũng là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định thành công của cuộc đại cách mạng lần này.

11.webp

Nhìn về tương lai 10-20 năm tới, khi Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 và khi chúng ta đã tiến hành thành công cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, ông kỳ vọng bức tranh đất nước sẽ như thế nào trong kỷ nguyên mới?

- Chúng ta đang làm rất đồng bộ, bài bản trong công cuộc tinh gọn bộ máy, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, với mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, phát triển, vì hạnh phúc của người dân.

Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Nếu chúng ta tổ chức thành công cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính địa phương, cùng với việc tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lấy khoa học công nghệ làm nền tảng, động lực, phát triển, mục tiêu này là hoàn toàn khả thi.

Chưa kể, bên cạnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ, chúng ta còn định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân.

Chúng ta cũng không còn con đường nào khác là vươn lên phát triển, nếu không muốn bị tụt hậu và bỏ lại phía sau.

Dự báo của nhiều tổ chức quốc tế nhận định, nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên vừa qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước, GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 2.500 tỷ USD, GDP/người đạt khoảng 18.000 USD.

12.webp

Việt Nam trong tương lai cũng sẽ có những trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nơi thu hút đầu tư từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Chúng ta chắc chắn sẽ có nền kinh tế phát triển năng động, bền vững và có sức cạnh tranh. Với việc tập trung đầu tư phát triển khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, Việt Nam cũng có thể trở thành công xưởng của thế giới.

Cùng với kinh tế, đất nước sẽ có thay đổi toàn diện về an sinh xã hội và con người với các quyết sách lớn về y tế, giáo dục như miễn viện phí, miễn học phí. Khi đó, Việt Nam sẽ là một quốc gia vì sự phát triển của con người.

Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, chúng ta chắc chắn sẽ có bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, với vai trò phụng sự cho xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh là một quốc gia đáng sống, Việt Nam sẽ là đất nước có sức mạnh, có vị thế và tiếng nói trong môi trường hội nhập, trở thành thành viên quan trọng trên trường quốc tế.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói, không phải chặng đường nào cũng bước trên hoa hồng, chúng ta phải chấp nhận khó khăn, thử thách để vượt qua.

Với tinh thần và bài học của 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin vào tương lai, trở thành một đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc và có vị thế cao.

Sau 50 năm thống nhất và 40 năm đổi mới, có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra của một đất nước phát triển vươn lên từ chiến tranh và nghèo đói, song có hai bài học cốt lõi.

Một là đoàn kết, thống nhất tạo nên sức mạnh chung. Trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, Việt Nam chưa bao giờ thiếu tính đoàn kết, thống nhất và bài học này cần duy trì trong những giai đoạn phát triển tới của đất nước.

Bài học thứ hai là lấy hạnh phúc, ấm no và sự hài lòng của người dân để đặt mục tiêu cho mọi hành động, như Bác Hồ đã nói "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".

Kể cả trong thời kỳ khó khăn hay giai đoạn phát triển, Việt Nam cũng cần chú trọng hai bài học cốt lõi mang tính chiến lược này.

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Hoài Thu

Thiết kế: Tuấn Huy

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-buoc-chuyen-minh-ngoan-muc-cua-viet-nam-sau-50-nam-thong-nhat-20250423090414588.htm



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa
Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm