Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những 'chiến binh' thầm lặng dưới lòng thành phố

Trong không khí oi nóng đầu Hạ, từ sáng sớm, những công nhân áo xanh đã có mặt dưới chân cầu vượt Đán (TP. Thái Nguyên), điểm thường xuyên ách tắc dòng chảy vào mùa mưa. Trong hệ thống mương hở và cống ngầm kéo dài ngoằn ngoèo như mê cung dưới mặt đất, công việc nặng nhọc của họ bắt đầu: mở nắp hố ga, thông hút bùn đất, lôi lên từng bao rác thải bị cuốn trôi từ trước.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên28/05/2025

 

Tiếng xẻng chạm đá, tiếng máy hút nước rền vang, bên trên là những dòng xe hối hả, bên dưới là những con người cặm cụi, chìm trong bóng tối, trong mùi bùn và rác, chỉ để dòng nước phía sau họ được thông suốt.

 
 

Lịch làm việc của những công nhân này đều đặn mỗi ngày: Sáng từ 7 giờ đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ đến 17 giờ, có những hôm kéo dài đến 19 giờ nếu gặp điểm ngập nặng hay cần thông hút khẩn cấp.

Vào mùa mưa bão, họ phải trực luân phiên 24/24h, đặc biệt là tại các điểm thường xuyên ngập úng như chân cầu vượt Đán, ngã ba Túc Duyên, đường Minh Cầu, khu vực quanh hồ Xương Rồng… Hễ mưa lớn là họ có mặt để kéo rác, khai thông hố ga, bảo đảm nước thoát kịp, không dâng lên tràn mặt đường.

 

Công việc đặc thù, quanh năm tiếp xúc với bùn lầy, rác thải, khí độc, nên mỗi công nhân đều được hưởng chế độ độc hại riêng. Nhưng trên hết, đó là sự tự hào nghề nghiệp của những con người âm thầm giữ cho thành phố trong sạch và an toàn.

Lặng lẽ, nhọc nhằn và đối mặt với muôn vàn rủi ro, họ vẫn bền bỉ gắn bó với nghề - không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn bởi ý thức rõ ràng về giá trị của công việc mình đang làm. Toàn đội là những người đã ở tuổi trung niên, khuôn mặt rám nắng, bàn tay chai sần. Có người đã gắn bó với nghề này hơn 20 năm ròng rã.

 

Gần 20 năm gắn bó với nghề, với anh Hiếu, cống ngầm, mương hở, gầm cầu... đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống. “Chui từ cống này sang cống kia, tối mịt, hôi thối, chật chội… nhưng anh em cũng quen cả rồi. Mỗi lần làm xong một tuyến, khơi được dòng nước chảy, mừng lắm”, anh Hiếu kể, nụ cười hiền nhưng sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt rám nắng.

 

Công việc đặc thù đòi hỏi họ phải bắt đầu ngày mới từ sớm. Sáng ra, xe chở thiết bị đặt thùng rác, anh em xuống kiểm tra miệng cống, vét từng xô chất thải. Có đoạn nước chảy yếu thì phải chui vào tận trong, có khi bò vài mét dưới lòng cống. Không ít lần, anh Hiếu và đồng đội phải đối mặt với chất thải sinh hoạt chưa qua xử lý, từ các hộ dân xả thẳng xuống hệ thống thoát nước. Mùi hôi nồng đến mức tắm rửa rồi mà vẫn ám vào người, quần áo giặt mãi không hết mùi.

 

Dù vất vả, nhưng anh Hiếu vẫn lựa chọn gắn bó với nghề. Với anh, đó là trách nhiệm, là công việc không thể thiếu với thành phố. Giữa những giờ nghỉ ngắn ngủi sau ca làm, các anh em trong đội lại ngồi với nhau, uống nước, nói chuyện vui, động viên nhau vượt qua nhọc nhằn thường nhật. 

 

Anh Lê Duy Sang, sinh năm 1970, quê ở huyện Phú Bình, mỗi ngày đều lặng lẽ vượt hơn 30km từ nhà lên thành phố làm việc rồi lại trở về lúc chiều muộn. 24 năm gắn bó với Công ty Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên, anh được xem như một “cây cao bóng cả” trong đội.

 

Gia đình là điểm tựa lớn nhất với người đàn ông đã trải qua gần nửa đời dưới lòng phố. Vợ anh là giáo viên tiểu học, các con đều đã trưởng thành. “Vợ con hiểu và thương công việc của tôi nên tôi càng phải cố gắng. Công ty cũng quan tâm đời sống anh em, có chế độ độc hại, hỗ trợ kịp thời, nên chúng tôi luôn gắn bó với nghề". - anh chia sẻ.

 

Có những hôm làm việc xong, mùi rác thải, nước cống ngấm vào cả người lẫn quần áo, tắm rửa rồi vẫn còn ám. “Nhiều lúc về nhà rẽ qua quán nước cũng ngại, người ta nhìn mình kiểu… kỳ thị. Thành ra đi làm về là tôi về thẳng nhà…”. Nói rồi, anh Sang kéo tay áo, chuẩn bị cho ca làm tiếp theo dưới lòng đường nóng hầm hập.

 

So với cống ngầm, làm mương hở được xem là phần “nhẹ nhàng” hơn. Những đoạn mương lộ thiên, nước tù đọng, rác thải sinh hoạt lềnh bềnh… được công nhân gom lại bằng thuyền chứa thùng bùn, rồi lôi từng mẻ lên bờ qua chiếc cầu gỗ tự tay họ bắc tạm. Mùi hôi nồng nặc, ruồi muỗi bu kín, nhưng vẫn còn dễ thở hơn so với việc phải chui xuống hệ thống cống ngầm sâu hàng mét dưới mặt đất.

Khó nhất vẫn là cống ngầm, đường kính từ 300, 800, 1.000 đến 1.200mm. Khi bước chân xuống là không khí đặc quánh, mùi bốc lên nồng đến nghẹt thở. Dưới nắng nóng mùa Hè chỉ cần đứng cách cống vài mét đã thấy khó chịu, chứ chưa nói đến chuyện chui vào trong. 

Đội nạo vét cống ngầm gồm 19 người, chia làm 4 tổ, mỗi ngày luân phiên “lăn lộn” qua các đường cống dưới lòng phố. Để đảm bảo an toàn, mỗi người chỉ được làm việc trong cống khoảng 30 phút, sau đó phải thay người liên tục. 

Hố ga nhỏ hẹp, người mệt lả, mắt cay, khó thở, tay chân bủn rủn. Da của một số công nhân bị ngứa, bị bệnh ngoài da, phồng rộp vì tiếp xúc lâu ngày với nước ô nhiễm, thuốc men cũng chỉ giúp giảm bớt chứ không khỏi hẳn. Không chỉ khí ga, hơi độc từ các hố ga, cống ngầm, nguy cơ từ vật sắc nhọn, cũng khiến người lao động phải gồng mình chống chọi.

 

"Năm ngoái, lúc làm ở khu vực đường Bắc Sơn, tôi bị một miếng đinh gỗ cốp-pha đâm xuyên lòng bàn chân, phải đi tiêm uốn ván, nghỉ mất hai buổi,” anh Trần Văn Toản kể, giọng vẫn còn pha chút rùng mình. 

 

Công việc vất vả, cực nhọc không là gì so với những cái nhìn thiếu thiện cảm ngoài xã hội. Anh Toản chia sẻ: Mình làm xong, phố sạch, mương thông… nhưng có người vẫn xem mình thấp kém, đi ngang còn bịt mũi, ác cảm. Dù vậy, mình vẫn kiên trì với công việc, cố gắng giữ sự điềm đạm và hy vọng. Mong mọi người ý thức hơn, đừng xả rác bừa bãi xuống kênh, suối, lòng cống. Bỏ chai lọ thủy tinh, túi ni-lông, rác đúng nơi quy định, vì thành phố sạch đâu chỉ là việc của công nhân. Nó cần sự chung tay của cả cộng đồng.

 

Họ không có những bộ đồng phục sáng màu hay văn phòng làm việc khang trang. Công việc của họ bắt đầu từ lòng phố, từ những nơi tối tăm, ngột ngạt và bẩn thỉu nhất. Thế nhưng, chính họ lại là những người giữ cho thành phố sạch sẽ, thông suốt, an toàn. Mỗi mét cống được khơi thông là thêm một dòng chảy được trả về đúng lối, là thêm một phần phố xá được bảo vệ khỏi úng ngập.

Lặng lẽ, nhọc nhằn và đối mặt với muôn vàn rủi ro, họ vẫn bền bỉ gắn bó với nghề, không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn bởi ý thức rõ ràng về giá trị của công việc mình đang làm. Và có lẽ, điều họ cần nhất không phải là lời khen, mà là sự tôn trọng, sẻ chia và một cộng đồng có ý thức cùng chung tay giữ gìn môi trường sống.

 

Nguồn: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202505/nhung-chien-binh-tham-lang-duoi-long-thanh-pho-2081674/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm