Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những kiệt tác thế giới bị kẻ ngông cuồng xâm hại

Trước khi sự cố hy hữu xảy ra đối với bảo vật quốc gia - ngai vàng triều Nguyễn tại TP.Huế (ngày 24.5), trên thế giới cũng từng có nhiều kiệt tác bị xâm hại.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên27/05/2025

Ngai vàng triều Nguyễn bị kẻ có biểu hiện loạn thần xâm hại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh trong việc gìn giữ bảo vật quốc gia. Trên thế giới nhiều kiệt tác cũng gặp phải tình trạng bị kẻ xấu phá hoại, khiến việc trùng tư, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn.

Kiệt tác Mona Lisa bị xâm hại nhiều lần

Trong 110 năm qua, bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci từng bị đánh cắp, bị ném tách trà, bị đóng gói... Nhưng hành vi phá hoại đáng nhớ nhất đối với tác phẩm này liên quan đến một phụ nữ Nhật Bản tên là Tomoko Yonezu với bình sơn phun.

Những kiệt tác thế giới bị kẻ ngông cuồng phá hủy - Ảnh 1.

2 nhà hoạt động vì môi trường ném súp vào kiệt tác Mona Lisa trưng bày tại bảo tàng Louvre

ẢNH: AFP

Năm 1974, tác phẩm từ Bảo tàng Louvre, Paris được đưa đi triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia, Tokyo, nơi đã áp dụng các biện pháp kiểm soát đám đông khi các nhà hoạt động vì người khuyết tật cho rằng cuộc triển lãm phân biệt đối xử. Tức giận vì sự kỳ thị người khuyết tật, bà Yonezu phun sơn lên bức Mona Lisa. Phiên tòa xét xử bà trở thành một sự kiện nổi tiếng ở Nhật Bản. Cuối cùng, bà phải trả 300.000 yen (khoảng 55 triệu đồng) và Bảo tàng Quốc gia buộc phải dành riêng một ngày để người khuyết tật có thể đến ngắm tranh.

48 năm sau khi bị phun sơn, bức Mona Lisa một lần nữa bị phá hoại ngay tại Bảo tàng Louvre ở Paris. Giữa làn sóng biểu tình về biến đổi khí hậu đang diễn ra, một người ngồi xe lăn tiến đến bức tranh, sau đó đập vỡ lớp kính bảo vệ xung quanh bức tranh của Leonardo. "Tất cả nghệ sĩ hãy nghĩ về trái đất. Đó là lý do tại sao tôi làm điều này. Hãy nghĩ đến hành tinh này", kẻ phá hoại tuyên bố, sau đó được xác định là một người đàn ông 36 tuổi. Kẻ phá hoại bị cảnh sát đưa đi và Bảo tàng Louvre đệ đơn kiện chống lại anh ta.

Ngày 28.1.2024, 2 nhà hoạt động vì môi trường ném súp vào tác phẩm Mona Lisa trưng bày tại Bảo tàng Louvre, đòi quyền được hưởng "thực phẩm lành mạnh và bền vững".

Tuy nhiên, kiệt tác Mona Lisa dường như không bị hư hại gì sau hàng loạt hành động phá hoại và vẫn được hàng nghìn người chiêm ngưỡng mỗi ngày.

Bức Guernica của Picasso bị phun sơn

Năm 1974, nhà kinh doanh nghệ thuật Tony Shafrazi trở thành chủ đề bàn tán của giới nghệ thuật vì một lý do hoàn toàn khác. Năm đó, ông đã tiến vào Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMA) ở New York, nơi bức tranh Guernica của Picasso được cho mượn dài hạn rồi phun sơn dòng chữ "Hủy bỏ tất cả lời nói dối" lên kiệt tác này.

Thực tế, cụm từ này ám chỉ đến một cuộc biểu tình liên quan đến việc trả tự do cho trung úy William Caley (bị kết án vì vai trò chủ đạo trong vụ thảm sát Mỹ Lai thời chiến tranh Việt Nam). Shafrazi tham gia vào các hoạt động phản chiến do Liên minh Công nhân nghệ thuật lãnh đạo. Shafrazi bị buộc tội phá hoại. "Bức tranh không hề hấn do có lớp vecni dày hoạt động như một lá chắn vô hình", William Rubin, khi đó là giám đốc của MoMA, nói với tờ New York Times.

Night Watch của danh họa Rembrandt bị rạch

Năm 1975, bức tranh lớn nhất của Rembrandt - The Night Watch, vẽ năm 1642 - bị một người đàn ông cầm dao cắt bánh mì rạch một đường dài. Gã này nói rằng ông được "Chúa" gửi đến Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, ra lệnh cho ông cắt bức tranh.

Mặc dù ban đầu lính canh cố gắng giữ ông ta lại nhưng gã này vẫn rạch được một đường dài gần 30 cm lên bức tranh. "Chúng tôi phải kết luận rằng bức tranh đã bị hư hỏng nặng", PJ Van Thiel, giám đốc điều hành của bảo tàng vào thời điểm đó, nói với tờ New York Times. Vì tác phẩm vẫn còn trong tình trạng tốt trước khi bị phá hoại nên những người phục chế tại bảo tàng cố gắng đưa bức tranh trở lại hình dạng ban đầu sau 4 năm phục chế.

Tuy nhiên vào năm 1990, một người đàn ông tiếp tục phá hoại tác phẩm, lần này bằng một loại hóa chất không xác định.

Tác phẩm nghệ thuật của David Hammons bị đập bằng búa

David Hammons trở thành nạn nhân vào năm 1989 khi tác phẩm nghệ thuật công cộng How Ya Like Me Now? của ông bị phá hoại. Tác phẩm này của Hammons luôn gây tranh cãi vì khắc họa phiên bản da trắng của chính trị gia da đen Jesse Jackson với kích thước rộng 4,2 mét, cao 4,8 mét. Khi tác phẩm được triển lãm bên ngoài tại Washington, DC, những kẻ phá hoại đã dùng búa tạ đập vào tác phẩm. Một số người cho rằng điều này thể hiện sự thiếu hiểu biết về bản chất thực sự của tác phẩm khi Hammons đang thử nghiệm cách nhận thức về chủng tộc của các chính trị gia. Sau khi được sửa chữa, Hammons đã thêm chi tiết mới vào tác phẩm: những cây búa từng được sử dụng để làm hỏng nó.

Những kiệt tác thế giới bị kẻ ngông cuồng phá hủy - Ảnh 2.

Bức tranh Danaë (1636) của Rembrandt

ẢNH: W.C

Danaë của Rembrandt bị bắn chất lỏng có mùi hôi

Năm 1985, một người đàn ông đến Bảo tàng Hermitage ở St. Petersburg, Nga và làm hỏng bức tranh Danaë (1636) của Rembrandt. Tác phẩm là một trong những viên ngọc quý trong bộ sưu tập của bảo tàng. Đầu tiên, gã này dùng dao cắt nát tác phẩm. Sau đó, khi vẫn chưa hả hê, gã ta đã ném một chất lỏng thối rữa vào bức tranh mà một số người vào thời điểm đó tin rằng đó là axit sunfuric. Bất kể chất đó là gì, nó đã ăn mòn lớp sơn của Rembrandt, khiến một số người tự hỏi liệu bức tranh có bao giờ trở lại như cũ không. Thật kỳ diệu, sau quá trình sửa chữa tỉ mỉ kéo dài 12 năm, bức tranh được phục hồi hoàn toàn và trưng bày trở lại.

Sinh viên nghệ thuật Canada nôn vào 2 bức tranh

Năm 1996, sinh viên nghệ thuật Canada Jubal Brown đến Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York rồi bất ngờ nôn chất lỏng màu xanh lên tác phẩm trừu tượng của Piet Mondrian. Vài tháng trước đó, anh ta đã làm điều tương tự: nôn chất lỏng màu đỏ lên bức tranh của Raoul Dufy tại Phòng trưng bày nghệ thuật Ontario, Canada. Rất may, cả 2 bức tranh đều không bị hư hại. Brown luôn tỏ ra tự hào về hành động của mình, cho rằng nhằm mục đích lật đổ nền văn hóa "tư sản". Anh ta lên kế hoạch cho hành động tương tự, với lần thứ 3 liên quan đến việc nôn màu vàng lên một tác phẩm không tên, nhưng hành động cuối cùng đó đã không thành hiện thực.

Những kiệt tác thế giới bị kẻ ngông cuồng phá hủy - Ảnh 3.

Tượng Pietà của Michelangelo

ẢNH: AFP

Tượng Pietà của Michelangelo bị đập 12 nhát búa

Vào năm 1972, Laszlo Toth, một nhà địa chất thất nghiệp, đã giáng hàng chục nhát búa, làm gãy mũi tượng Đức Mẹ Maria – Pietà, khiến đầu của tượng đầy vết lõm. Sau đó, Bảo tàng Vatican phải tiến hành quá trình phục chế tỉ mỉ kéo dài 10 tháng. Những nghệ nhân lắp ráp lại 3 mảnh mũi và 100 mảnh còn lại của bức tượng. Các chuyên gia kết luận nếu Toth đập vào tác phẩm ở một góc độ khác, ông ta sẽ làm gãy đầu bức tượng. Cuối cùng, tác phẩm được phục chế như mới và trưng bày sau lớp kính chống đạn. Toth bị tòa án Rome coi là thành phần nguy hiểm xã hội và bị đưa vào bệnh viện tâm thần, được thả ra sau 2 năm và bị trục xuất từ Ý về Úc.

Những kiệt tác thế giới bị kẻ ngông cuồng phá hủy - Ảnh 4.

Những người biểu tình ném súp cà chua vào bức Hoa hướng dương (1888) của Vincent van Gogh

ẢNH: AFP

Tranh của Vincent van Gogh bị tạt súp cà chua

Vào năm 2022, các nhà hoạt động vì khí hậu bắt đầu một loạt cuộc biểu tình mà trong đó họ tập trung vào các tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng ở Đức, Ý và Vương quốc Anh. Tất cả đều nhằm mục đích thúc đẩy các chính phủ hành động nhanh hơn để ngăn chặn mối đe dọa của thảm họa sinh thái. Những người biểu tình thuộc tổ chức Just Stop Oil đến Phòng trưng bày quốc gia ở London ném súp cà chua vào bức Hoa hướng dương (1888) của Vincent van Gogh. Do bức tranh được kính bảo vệ nên không bị hư hại. 

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-kiet-tac-the-gioi-bi-ke-ngong-cuong-xam-hai-185250527120845963.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm