Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những “kỹ sư” chân đất

(Baothanhhoa.vn) - Không được đào tạo qua các trường lớp chính quy, song nhiều nông dân năng động trong tỉnh vẫn tự học hỏi, xây dựng và vận hành thành công nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại. Trong quá trình phát triển, họ đúc rút kinh nghiệm, tích lũy kiến thức để triển khai hiệu quả các khâu sản xuất.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa27/05/2025

Những “kỹ sư” chân đất

Mô hình nuôi tôm trong nhà bạt di động của anh Nguyễn Đình Giáp ở thôn Sơn Trang, xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa) thành công nhờ kinh nghiệm đúc rút.

Tròn 25 năm đấu thầu, cải tạo vùng đồi hoang hóa để trồng cây ăn quả, ông Nguyễn Tiến Phương ở thôn 10, xã Bãi Trành (Như Xuân) đã gây dựng cho mình một khu sản xuất trù phú. Mỗi lần qua đây, nhiều người đều trầm trồ trước sự phát triển của một trang trại tổng hợp theo hướng hữu cơ với những sản phẩm sạch. Trong tổng số 28ha gồm cả rừng cao su, các ao cá và nhiều loại cây ăn quả, ông dành hẳn một khu đất bằng sát nhà và phì nhiêu nhất để trồng bưởi. 4ha bưởi được coi là cây trồng chủ lực trong khu sản xuất.

“Từ năm 2007, khi thấy nhà nhà trồng bưởi Diễn, tôi biết sẽ có ngày khủng hoảng thừa nên tìm hướng đi riêng. Tôi vào tận miền Tây Nam bộ mua giống bưởi da xanh, trở thành một trong những người đầu tiên ở Thanh Hóa trồng thành công giống bưởi tiềm năng này với diện tích lớn. Để rải thời gian thu hoạch bưởi trong nhiều tháng, tôi tiếp tục tìm hiểu và biết được ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) có giống bưởi đặc sản Hồng Quang Tiến, tôi quyết tâm du nhập bằng được”.

Đến nay, cả 2 giống bưởi trong vườn đồi của ông Phương đều cho chất lượng ngon, phù hợp với chất đất đỏ màu mỡ nơi đây. Đáng nói là từ gần 10 năm qua, ông đã tự mày mò lắp đặt hệ thống đường ống, gắn các bép vào đầu ống kẽm dựng cao hơn rừng cây. Những máy bơm điện cỡ lớn được vận hành, chỉ cần bật công tắc là cả rừng cây được tưới phun mưa.

Hơn 1.100 cây bưởi quanh năm phát triển xanh tốt nhờ đủ phân, no nước, lại được chăm sóc bằng kinh nghiệm và khoa học nên luôn sai quả, trĩu cành. Những năm được mùa, gia đình ông có thể thu hoạch 120.000 quả bưởi. Với những trại khác thường trồng bưởi với mật độ khuyến cáo là cây cách cây 5m, thì ông lại đúc rút và tìm cách làm riêng. “Tôi trồng mật độ tới 6 x 6m, thưa hơn khuyến cáo. Vì đất nơi đây rất tốt, sau vài năm cành lá sum suê, tán rộng sẽ che rợm khiến năng suất không cao. Trồng thưa tốn đất hơn nhưng có không gian cho cây vươn cành, sau năng suất cao hơn nhiều, tính ra vẫn lợi hơn cách trồng tiết kiệm đất”, ông Phương chia sẻ.

Với nhiều chủ trang trại trồng bưởi khác, thường mua phân chuồng ở các trang trại lớn làm phân bón, dù đó là trại lợn hay bò. Nhưng với ông, “chỉ dùng phân bò mà nói không với phân từ trại lợn. Bởi qua thực tế tôi đúc rút được, do lợn ăn thức ăn công nghiệp, nếu phân không ủ kỹ thật hoai mục mà bón cho cây, không những cây chậm phát triển mà còn ảnh hưởng đến chất lượng quả”.

Một kinh nghiệm để tạo nên sự thành công trong trồng bưởi hàng hóa của ông là dùng phân bón và các biện pháp kỹ thuật để cho những lứa bưởi trái vụ, những đợt chín khác nhau để không bị áp lực trong thu hoạch và thị trường đầu ra.

Nằm sát đường Hồ Chí Minh, ông càng có nhiều điều kiện để quảng bá và đưa sản phẩm nông nghiệp của mình đi khắp nơi. Nhiều thương lái ở các tỉnh thường nhờ xe khách, xe tải qua đây để lấy bưởi cung ứng đi Hà Nội và nhiều tỉnh phía Nam. Tính trung bình mỗi gốc bưởi trong vườn cho lợi nhuận 1 triệu đồng, mỗi năm ông cũng có thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Những “kỹ sư” chân đất

Ông Nguyễn Tiến Phương ở xã Bãi Trành giới thiệu bưởi trái vụ và những kinh nghiệm trong quá trình sản xuất.

Ven bãi bồi sông Lạch Trường thuộc xã Hoằng Yến (Hoằng Hóa), mô hình nuôi tôm công nghiệp trong nhà bạt của anh Nguyễn Đình Giáp ở thôn Sơn Trang luôn hiệu quả hơn nhiều mô hình khác trong vùng. Sau hàng chục năm nuôi trồng thủy sản quảng canh với nhiều rủi ro và năng suất bấp bênh, từ năm 2014 anh đầu tư hạ tầng chuyển sang nuôi công nghiệp trên ao lót bạt. Đến năm 2018 khi tích lũy thêm kiến thức, anh xây dựng hệ thống nhà bạt với diện tích 1ha để nuôi tôm trong nhà. Từng trải qua một số trục trặc và thất bại qua các năm, nhưng đó chính là “học phí” để anh từng bước chiếm lĩnh được kỹ thuật, có thành công như hôm nay.

Theo anh, từ 10 ao nuôi đào sâu kiểu truyền thống, anh nghiên cứu thấy cách nuôi thiếu ánh sáng và trao đổi khí cho nước kém nên quyết tâm phá bỏ để xây 10 ao nổi trên mặt đất. Chỉ cần hệ thống bơm nước tốt, anh trải bạt chuyên dụng, rồi be bờ thành các ao. Từ đó năng suất cao hơn, tôm lại ít bị bệnh. Hệ thống bạt che phía trên cũng được anh cải tiến theo hướng di động để điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ phù hợp với từng mùa, tạo môi trường phát triển ổn định cho tôm.

Để có thêm ô xi cho ao tôm, anh lắp đặt thêm hệ thống sục khí dẫn ô xi tại các góc ao, kết hợp với các hệ thống cánh quạt khuấy đảo nước như những mô hình khác. Nhằm phát hiện và triệt tiêu mầm bệnh tôm từ sớm, anh học tập các mô hình hiện đại, mua sắm dụng cụ đo chỉ tiêu môi trường nước như độ kiềm, độ PH, các độc tố để có biện pháp ngăn ngừa. Theo đúc kết của anh, “không nên sử dụng triệt để các ao nuôi, mà phải dành một số ao để lắng lọc nước, xử lý hết mầm bệnh phục vụ cho thay nước. Nếu cứ "đánh cược” với môi trường, lấy trực tiếp nước sông thì nguy cơ mầm bệnh hay nước có độc tố trong quá trình xả thải là tôm chết. Đây cũng chính là “chìa khóa”, yếu tố sống còn cho thành công của nuôi tôm công nghiệp.

Kinh nghiệm và những tiến bộ khoa học đã đem lại nhiều lứa tôm bội thu. Trung bình mỗi năm 1ha nuôi tôm thâm canh này cho năng suất tới 30 tấn tôm thương phẩm/vụ, trung bình mỗi năm 3 vụ. Nhiều năm qua, doanh thu từ mô hình 1ha này cho tổng thu nhập tới 5 - 7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 2 - 3 tỷ đồng.

Có thể kể ra hàng trăm chủ mô hình kinh tế nông nghiệp làm ăn hiệu quả bởi kinh nghiệm và những cách làm hay trên địa bàn toàn tỉnh. Đây đều là những trang trại, vườn mẫu, gia trại, các mô hình sản xuất theo hướng hiện đại. Tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có hơn 24.000 trang trại, vườn trại, gia trại, vườn mẫu. Ngày càng có nhiều chủ mô hình sản xuất biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, tự đúc rút kinh nghiệm để phát triển sản xuất hiệu quả.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nhung-ky-su-chan-dat-250053.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm