Trận chiến Thành cổ Quảng Trị là một trong những trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa,” với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Ngày 16/9/1972, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị là chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa lịch sử to lớn; góp phần quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong 81 ngày đêm khói lửa ấy, cựu chiến binh Ngô Xuân Chinh tham gia trong biên chế Sư đoàn 320B, với nhiệm vụ chính là thông tin liên lạc, chuyển công văn, mệnh lệnh từ chỉ huy xuống các đơn vị chiến đấu vào trong Thành cổ. Mỗi ngày ông Chinh và đồng đội không biết bao lần phải đối mặt với cái chết chỉ trong gang tấc.
CCB Lê Xuân Chinh - Xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, Điện Biên: Bom đạn ngày đêm, pháo từ Hạm đội 7 bắn vào, trên thì máy bay, dưới thì xe tăng nhưng với tinh thần bảo vệ thành cổ thì tất cả đơn vị như trung đoàn 48, trung đoàn chúng tôi là trung đoàn anh hùng, trung đoàn 95 tất cả các đơn vị ngày đêm bảo vệ, người nọ hi sinh thì người kia đứng dậy.
Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh cũng chính là một trong những chiến sĩ của bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng”. Cơ duyên bức ảnh này được chụp là khi ông nhận lệnh của Ban chỉ huy Trung đoàn dẫn phóng viên nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, Báo Quân đội Nhân dân vào Thành cổ. Nụ cười rạng rỡ giữa mưa bom, bão đạn ấy của ông như tạc vào thế kỷ XX niềm tự hào dân tộc.
CCB Lê Xuân Chinh - Xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, Điện Biên: Lúc đó, cứ thấy nhà báo thì ai cũng muốn được chụp ảnh. Biết đâu được khi bức ảnh này lên báo thì khi báo ra biết đâu bố mẹ mình nhận ra mình thì con mình vẫn còn sống. Đấy là giờ phút chúng tôi nghĩ như thế. Cho nên là nói các đồng chí cười lên thì tất cả đều cười và anh ấy chụp bức ảnh đó.
Qua những năm tháng chiến tranh, đến nay, bức ảnh được chụp năm 1970 khi vừa tròn 18 tuổi ngay trước ngày vào chiến trường là kỷ vật duy nhất cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chiến trú tại tổ 10, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ còn lưu giữ lại được. Những năm 1970-1972 ông Chiến tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị thuộc biên chế Trung đoàn 27. Kỷ vật còn lại không nhiều nhưng những ký ức về cuộc chiến khốc liệt, về tinh thần chiến đấu anh dũng của quân đội ta khi đó luôn được ông khắc ghi trong trái tim.
CCB Nguyễn Xuân Chiến - phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ: Trung đoàn 27 được giao nhiệm vụ phòng ngự ở phía Bắc Thành cổ. Nhiệm vụ là vào trận địa chốt để chiến đấu, ngăn chặn địch. Một ngày ăn 3 bữa ăn cơm nắm, cứ thế trong 81 ngày đêm. Đến khi ký Hiệp định Paris có hiệu lực rồi anh em không diễn tả sự sung sướng khi mình còn sống, có nhiều lúc lòng suy nghĩa có khi còn chảy nước mắt khi mình còn sống nhưng đồng đội của mình hôm qua vẫn còn cùng chiến đấu ăn cơm cùng mình nhưng hôm nay thì không còn nữa.
Niềm vui, hạnh phúc cùng những tiếng reo mừng trong ngày đại thắng 30/4/1975 của hàng triệu người dân Việt Nam vẫn vang lên cho đến ngày nay. Ký ức đó của những người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước như ông Chinh, ông Chiến theo năm tháng dường như càng in đậm hơn. Nó không chỉ là kỷ niệm đầy tự hào của riêng một người mà còn là niềm kiêu hãnh của cả dân tộc, tiếp lửa xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ người Việt Nam trong hiện tại
Thực hiện: Đài PT-TH Điện Biên
Nguồn
Bình luận (0)