Quảng Nam, cũng như bao vùng miền khác, với danh xưng được lập hơn nửa thiên niên kỷ, chứa trong mình nặng sâu dòng chảy của lịch sử.
Bây giờ, Quảng Nam đang được luyến tiếc gọi tên trong những ngày còn lại thật chậm, trước khi chính thức trở thành một phần rộng lớn mang tên thành phố Đà Nẵng.
Giữa những ngày giao thời nhiều tâm trạng, tên của quê hương vốn những tưởng là một mặc định hiển nhiên và bất biến đã lay động, thổn thức kẻ ở, người đi. Bởi, tên gọi không đơn thuần là ký hiệu danh xưng dài theo năm tháng. Trong thẳm sâu thương mến, mỗi người mỗi nét, âm thầm hoặc sôi nổi, tiếc nuối hoặc mừng vui… đều hiển lộ những cảm xúc thật đặc biệt.
Một Quảng Nam “trăm mến ngàn thương” với vẻ thuần hậu, chất phác, bộc trực, thẳng thắn như một phần “đặc sản” của miền Trung đất nước. Nét thuần phác ấy có thể là thứ thô mộc của “giọng Quảng” trong tiếng Việt, tưởng như chứa ngàn lớp lỗi sai mà thân thương đến lạ; là kiểu tỏ bày tình cảm đơn thuần “Bạn về nằm ngủ gác tay/Nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng đây”; là tấm lòng mến khách dung dị; là những món ăn dân dã “mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”...
Trong các xứ như xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế..., có lẽ xứ Quảng cũng trở thành một biểu ngữ thiết tha với biết bao dấu ấn biến thiên thăng trầm đẹp đẽ. Chắc chắn, sẽ không ai phủ nhận tính hợp lý trong việc tinh giản hệ thống hành chính để huy động nguồn lực phát triển quốc gia, dân tộc. Nhưng giữa các cuộc sắp xếp ấy, không một người yêu xứ nào không cảm thấy trăn trở và ước mong giữ lại một phần hồn cốt của quê hương.
Tôi những muốn quan sát âm thầm ngóng theo cách yêu quê của người xứ Quảng. Trong một thời gian quá ngắn, tên xứ phải đổi, cả việc xóa bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, đặt tên mới cho xã phường như rất nhiều nơi trên cả nước cũng sôi nổi khắp diễn đàn, mạng xã hội.
Khi cấp huyện không còn, nhiều xã, phường buộc phải nhập vào nhau, những tên gọi vốn quen thuộc bỗng chốc đổi thay. Sự đứt gãy thầm lặng của định danh đã buộc mỗi người phải cất lên tiếng nói của lòng mình.
Dẫu biết rằng, chọn lựa một tên gọi phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý không phải, không thể chỉ dựa trên cảm tính của cộng đồng, nhưng lòng yêu quê đó, tha thiết đó không thể nào ngăn được.
Không ai phản đối sự phát triển hay khước từ sự sắp xếp cần thiết của thời đại nhưng người yêu xứ cũng khó có thể buông bỏ tên gọi đã gắn liền với bao thế hệ tổ tiên, với tiếng nói, nếp nghĩ ăn sâu vào máu thịt mình.
Vốn nổi tiếng “ưa cãi”, thì chính lúc này, sự “cãi” ấy không còn đơn thuần là tranh biện mà là một cách thể hiện tình cảm để tìm cách giữ lại những gì không cần thiết để đánh đổi. Đó là khát vọng phát triển đi đôi với bảo tồn, là mong muốn chuyển mình mà không mất gốc mang chiều sâu văn hóa và tính nhận diện cộng đồng.
Cũng như bao người Quảng, tôi tin rằng một ngày mai đang đến thật gần với những đổi thay và thách thức. Cuộc di cư dù trong khoảng cách không xa có lẽ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người, nhiều gia đình và cả hình hài phố thị, làng quê. Yêu quê hương, những mong sau cuộc biến thiên lớn lao này, tên gọi Quảng Nam tuy không còn nữa nhưng những chỉ dấu về một xứ định hình, sẽ còn mãi…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/nhung-nguoi-yeu-xu-so-3155011.html
Bình luận (0)