Ngày 11/4/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1000/QĐ-BVHTTDL, ban hành Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của người làm công tác di sản văn hóa. Quy tắc bao gồm 03 Chương, 10 Điều, trong đó Chương I (02 Điều): Mục đích, phạm vi, đối tượng. Chương II (06 Điều): Quy tắc ứng xử và Chương III (02 Điều): Tổ chức thực hiện. .
Tại Chương II, có 12 nội dung Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực bảo tàng, cụ thể là:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định, quy chế nội bộ của từng bảo tàng.
b) Hiểu và tôn trọng giá trị của di sản văn hóa, không chỉ trong việc bảo quản mà còn trong việc truyền đạt kiến thức và giáo dục di sản văn hóa.
c) Có thái độ chuyên nghiệp, lịch sự, tôn trọng, chu đáo khi tiếp xúc với khách tham quan, đối tác, đồng nghiệp.
d) Bảo đảm thông tin cung cấp cho khách tham quan về hiện vật, sưu tập hiện vật hoặc sự kiện lịch sử, văn hóa là chính xác và trung thực.
đ) Bảo đảm việc bảo quản các hiện vật, sưu tập hiện vật được thực hiện một cách cẩn thận và có hiệu quả để bảo vệ giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di sản văn hóa.
e) Có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến hiện vật, sưu tập hiện vật khi được giao quản lý theo quy định; không được phép công bố hoặc chuyển cho bất kỳ một tổ chức hoặc cá nhân khác mà không được sự cho phép của người có thẩm quyền.
g) Không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính, tuổi tác giữa đồng nghiệp trong bảo tang hoặc với khách tham quan bảo tàng.
h) Không lợi dụng hoạt động chuyên môn của bảo tàng để gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, cộng đồng liên quan.
i) Không được môi giới, tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc buôn bán, vận chuyển, hỗ trợ vận chuyển trái phép các di vật, cổ vật, bảo vật quốc giavà di sản thiên nhiên.
k) Không mua bán/sưu tầm/kinh doanh/trao đổi di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có nguồn gốc bất hợp pháp; không lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ sưu tầm hiện vật để mua, tư vấn cho tổ chức, cá nhân khác mua, bán hiện vật thuộc đối tượng sưu tầm của bảo tàng công lập hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến việc mua, bán hiện vật khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.
l) Không vi phạm các lợi ích của bảo tàng trong các hoạt động chuyên môn cá nhân; không được lợi dụng hoạt động của bảo tàng để thu lợi cho cá nhân hoặc lợi dụng nghề nghiệp tại bảo tàng để hỗ trợ bạn bè, người thân trục lợi cá nhân.
m) Không được nhận quà tặng, các khoản cho vay hay các lợi ích cá nhân khác liên quan đến công việc trong bảo tàng.
Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, giao Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, bất cập, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để tổng hợp, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
Nguồn: https://vhttdl.daklak.gov.vn/nhung-quy-tac-ung-xu-nghe-nghiep-linh-vuc-bao-tang-16035.html
Bình luận (0)