Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những tuyệt tác thiên nhiên: Ba Làng An, nơi đá nằm nghe biển hát

Vùng biển Ba Làng An (Quảng Ngãi) được ví như Lý Sơn thu nhỏ. Tại đây, những cột đá dựng đứng kỳ vĩ nằm gối đầu lên nhau nghe biển hát từ hàng triệu năm qua.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên27/05/2025

Ba Làng An là mũi đất được tạo ra từ những trầm tích của nham thạch đổ tràn thoải dần theo hướng biển. Đặc biệt ở Ba Làng An bây giờ vẫn còn miệng núi lửa nằm sát bờ, hằng ngày nằm im há miệng nuốt sóng biển và hút cả du khách tứ xứ về chiêm ngưỡng.

NƠI GẦN HOÀNG SA NHẤT

Từ TP.Quảng Ngãi đi về danh thắng Ba Làng An (thuộc thôn Phú Quý, xã Bình Châu, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) gần 30 km. Nhiều người còn biết đến Ba Làng An có tên gọi khác là mũi Ba Tân Gân. Sở dĩ gọi Ba Làng An là vì nơi này lấy tên 3 làng biển: An Hải (xã Bình Châu), An Vĩnh và An Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi).

Những tuyệt tác thiên nhiên: Ba Làng An, nơi đá nằm nghe biển hát- Ảnh 1.

Miệng núi lửa sát bờ biển Ba Làng An

ẢNH: HẢI PHONG

Những tuyệt tác thiên nhiên: Ba Làng An, nơi đá nằm nghe biển hát- Ảnh 2.

Cảnh hùng vĩ, nên thơ ở Ba Làng An

ẢNH: HẢI PHONG

Những tuyệt tác thiên nhiên: Ba Làng An, nơi đá nằm nghe biển hát- Ảnh 3.

Mũi Ba Làng An, nơi có ngọn hải đăng sát bờ biển

ẢNH: HẢI PHONG

Người của 3 làng biển này khoảng chừng thế kỷ 17 đã ra Lý Sơn khai phá, lập làng. Sách còn ghi lại có 8 người làng An Hải ra Lý Sơn lập làng An Hải; 7 người làng An Vĩnh ra Lý Sơn lập làng An Vĩnh...

Đứng ở Ba Làng An, có thể thấy rõ đảo Lý Sơn với 3 ngọn núi lửa sừng sững giữa biển khơi. Cũng mấy ai biết được, mũi Ba Làng An được xác định là vị trí đất liền gần với quần đảo Hoàng Sa nhất, khoảng 135 hải lý. Ở đó còn có vách đá là trầm tích của hoạt động núi lửa tạo thành.

Đi đảo Lý Sơn, du khách choáng ngợp với những vách đá cao vòi vọi, thì cảm giác này khi đến với những cột đá, vách đá kỳ vĩ ở mũi Ba Làng An cũng thế. Mũi biển suốt ngày nghe sóng vỗ. Sóng từ khơi vào bờ, mơn trớn từng gành đá đen tuyền rồi tung bọt lên dựng ngược trời cao.

Bờ đá đen ấy dài khúc khuỷu dọc bờ biển, tạo thành các vịnh nhỏ, các hang và vách đá… ngắm nhìn không biết chán.

Thế nhưng đến Ba Làng An, có lẽ thích thú nhất là miệng núi lửa nằm sát bờ. Nó rộng khoảng 30 m2, như đang ngủ quên. Khi thủy triều lên, miệng núi lửa này như hút sóng vào nhả ra, phì phò như cái miệng người khổng lồ nhâm nhi, ăn từng con sóng. Thủy triều rút, miệng núi lửa lộ thiên như cái chảo trời, chứa trong lòng nó quần thể nhỏ của ốc, rong rêu, cá... sống cùng nhau.

Phía trên miệng núi lửa đang ngái ngủ này, có lớp lớp đá đen như hàng trăm cái đĩa sắp đều xung quanh. Vết rạn trên miệng núi lửa như làn da bị khô nẻ, vết tích của hàng triệu năm trước khi núi lửa còn thức, phun trào từ bụng ra tầng tầng dung nham.

Xung quanh miệng núi lửa còn có các bãi đá bazan, cột đá ba lát, đá nham thạch vô cùng kỳ lạ, mang vẻ đẹp quyến rũ, huyền ảo và kỳ bí. Ngoài ra, trong vùng này còn phát hiện có cả các bãi đá đỏ giống như đá ong. Theo nghiên cứu của các nhà địa chất, miệng núi lửa còn nguyên vẹn này hình thành từ 6 - 11 triệu năm trước.

GÀNH ĐÁ ĐĨA THƠ MỘNG TRÊN ĐẦU SÓNG

Hôm ở Ba Làng An, chúng tôi thuê một ghe máy đi dọc theo bờ biển xã Bình Châu. Cảnh sắc hoàng hôn nơi này như ướp vào tranh vẽ, lung linh và hùng vĩ không lời nào tả hết. Ghe chúng tôi đi ngang qua bãi Đen, dân trong vùng hay gọi là bãi Mơ.

Bãi Mơ có những bờ đá đen tuyền, mơ màng giữa không gian khoáng đãng, hút linh khí trời đất, nằm nghe biển hát quanh năm.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Ba Làng An, nơi đá nằm nghe biển hát- Ảnh 4.

Cảnh hòn Nhàn buổi trưa

ẢNH: HẢI PHONG

Những tuyệt tác thiên nhiên: Ba Làng An, nơi đá nằm nghe biển hát- Ảnh 5.

Hòn Nhàn buổi hoàng hôn

ẢNH: HỮU NGHĨA

Quay ghe đi ra hướng biển chưa đến 15 phút, chúng tôi choáng ngợp trước một hoang đảo đá nhỏ nằm cách bờ chưa đến 1.000 m. Hoàng hôn nơi này rực rỡ như phim cổ tích trời Âu. Đó chính là hòn Nhàn, dân trong vùng nói do lũ chim nhàn biển thường bay về đậu trắng xóa ở đây, nên gọi là hòn Nhàn.

Tìm nơi neo thuyền là một vũng nhỏ phía đông bắc, chúng tôi lên đảo đá kỳ lạ này. Hôm ấy, chim nhàn không về, nhưng cua đá hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con bám vào từng gờ đá hàng đàn.

Đi dạo quanh đảo đá, chúng tôi chứng kiến từng cột đá và gành đá đĩa sắp lớp tầng tầng, không khác gì gành đá đĩa ở Phú Yên. Một du khách từ Đà Lạt hôm ấy đi cùng chúng tôi thảng thốt trước vẻ đẹp tự nhiên ở hòn Nhàn.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, ngày 25.10.1993, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định về việc bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Ba Làng An. Nơi đây còn có ngọn hải đăng (gọi là đèn biển Ba Làng An) do người Pháp xây dựng lần đầu tiên vào những năm 80 của thế kỷ 19. Năm 1982, ngọn hải đăng này được khôi phục, xây dựng với 80 bậc thang, cao 36,4 m. Đứng trên ngọn hải đăng có thể nhìn ra ngoài biển khơi chừng 17 hải lý.

Theo ông Nguyễn Xuân Nam, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, các hoạt động của núi lửa đã tạo ra những cảnh quan ngoạn mục ở Quảng Ngãi: Miệng núi lửa, gành đá bazan dạng cột, các bậc thềm sông, thềm biển, các bãi biển đẹp. Ngoài ra, có dạng địa hình phản ánh sự tương tác giữa lục địa và biển. Những dãy núi từ lục địa vươn ra biển tạo nên những thắng cảnh đẹp, kỳ thú, trong đó có mũi Ba Làng An và nhiều thắng cảnh khác ven biển Quảng Ngãi. (còn tiếp)

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-tuyet-tac-thien-nhien-ba-lang-an-noi-da-nam-nghe-bien-hat-185250526222138388.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm