Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những tuyệt tác thiên nhiên: Bản giao hưởng của đá, sóng và huyền thoại

Ở thắng cảnh Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn, Bình Định), ranh giới giữa thực và mơ dường như xóa nhòa. Nơi đây, đá hát cùng sóng, gió thì thầm chuyện tình xưa, thời gian lắng đọng bên dấu chân hoàng hậu Nam Phương, vọng thơ Hàn Mặc Tử và huyền thoại tiên nữ giáng trần.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên14/05/2025

Đến Quy Nhơn mà chưa ghé Ghềnh Ráng du khách hẳn sẽ rất nhiều tiếc nuối. Một khi đã đặt chân tới, người ta dễ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa nên thơ: ghềnh đá xếp chồng như sóng trào hóa thạch, bãi Trứng trải dài với hàng ngàn viên cuội tròn nhẵn như được mài giũa suốt ngàn năm, tiếng sóng rì rào như bản tình ca không dứt. Vẻ đẹp ấy không ồn ào, không rực rỡ mà thấm sâu, dịu dàng như một bản nhạc buồn làm mềm lòng du khách.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Bản giao hưởng của đá, sóng và huyền thoại- Ảnh 1.

Chân núi Xuân Vân đâm ra biển tạo nên những ghềnh đá tuyệt đẹp

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

BỨC THỦY MẶC BÊN ĐẠI DƯƠNG

Cách trung tâm TP.Quy Nhơn khoảng 4 km về phía đông nam, thắng cảnh Ghềnh Ráng hiện ra như một bức thủy mặc khổng lồ, trải dài từ chân núi Xuân Vân ra biển. Những dãy đá nối nhau trầm mặc, uốn lượn theo triền núi, vừa hoang sơ vừa mang dáng dấp như được bàn tay tạo hóa gọt giũa.

Một điểm nhấn đặc biệt là bãi Trứng, hay còn gọi bãi tắm Hoàng Hậu. Không có cát vàng hay sóng êm như nhiều bãi tắm khác, nơi đây trải đầy những viên đá cuội tròn nhẵn, xếp lớp như "trứng rồng" nằm phơi nắng. Mỗi đợt sóng tràn vào, bãi đá lại ánh lên sắc bạc, lấp lánh như thức dậy từ một giấc mơ cổ tích.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Bản giao hưởng của đá, sóng và huyền thoại- Ảnh 2.

Bãi tắm Hoàng Hậu thu hút nhiều người đến check-in

ẢNH: TRƯƠNG DANH KHÔI

Vẻ đẹp kín đáo, tĩnh lặng ấy từng làm say lòng Nam Phương hoàng hậu. Tương truyền, trong một chuyến ghé thăm Bình Định cùng vua Bảo Đại, bà đã chọn bãi đá này làm chốn riêng tư để tắm biển. Từ đó, người dân quen gọi nơi này là bãi tắm Hoàng Hậu.

Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cách không xa bãi tắm Hoàng Hậu, vua Bảo Đại từng cho xây dựng một nhà nghỉ 3 tầng hướng biển. Đây là nơi ông dừng chân mỗi khi công cán đến Bình Định. Về sau, người dân gọi đó là Lầu Bảo Đại. Trong sách Bình Định - Danh thắng và di tích (NXB Hồng Đức, năm 2020) do GS-TSKH Vũ Minh Giang chủ biên, ghi rõ rằng vào năm 1927, vua Bảo Đại cho xây dựng tại Ghềnh Ráng một hành cung, gồm biệt thự 3 tầng và các công trình phục vụ nghỉ ngơi, thưởng ngoạn. Công trình bị phá hủy năm 1949, nay chỉ còn lại phế tích.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Bản giao hưởng của đá, sóng và huyền thoại- Ảnh 3.

Bãi Trứng trải đầy những viên đá cuội tròn nhẵn

ẢNH: TRƯƠNG DANH KHÔI

NƠI ĐÁ GIỮ CHUYỆN TÌNH XƯA

Không chỉ là địa danh nổi tiếng, Ghềnh Ráng còn là vùng đất của những truyền thuyết đượm buồn. Người xưa kể lại, ngày ấy ở vùng Bồng Sơn (nay thuộc TX.Hoài Nhơn, Bình Định) có một thiếu nữ xinh đẹp, nết na, khéo léo, giỏi chằm nón, đem lòng yêu một chàng trai trong làng. Vẻ đẹp như đóa hoa sớm mai của nàng chẳng ngờ lại trở thành tai họa khi lọt vào mắt xanh của viên quan huyện háo sắc. Gã ta liền cậy quyền thế, ép duyên nàng về làm hầu thiếp. Để giữ trọn lời thề với người thương, nàng trốn chạy khỏi quê nhà, vào đến Quy Nhơn.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Bản giao hưởng của đá, sóng và huyền thoại- Ảnh 4.

Bia viết thơ Hàn Mặc Tử được đặt trên đồi Ghềnh Ráng

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Binh lính của quan huyện truy lùng ráo riết. Cùng đường, trong một đêm giông gió, nàng chạy vào vùng núi hiểm trở Ghềnh Ráng. Khi binh lính sắp bắt được nàng, trời bỗng nổi sấm chớp. Một khe núi bất ngờ nứt toác, rồi nàng biến vào màn đêm... Từ đó, vùng đất này còn được gọi là Ghềnh Ráng - Tiên Sa.

THI SĨ NGỦ GIỮA MÂY TRỜI VÀ SÓNG VỖ

Nếu đá và biển là tiếng lòng của đất trời, thì trên đồi cao lộng gió, thơ Hàn Mặc Tử là tiếng vọng khôn nguôi của con người gửi gắm vào cõi mênh mang. Từ cổng khu du lịch Ghềnh Ráng, con dốc nhỏ mang tên Mộng Cầm uốn lượn mềm mại như nét mực tài hoa vẽ lên triền đồi, dẫn lối về đồi Thi Nhân, nơi Hàn thi sĩ nằm lại giữa bao la trời biển.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Bản giao hưởng của đá, sóng và huyền thoại- Ảnh 5.

Mộ Hàn Mặc Tử trên đồi Thi Nhân

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Con đường không dài, dốc chẳng quá cao, nhưng mỗi bước chân trên lối đá rêu phong như chạm vào một trang đời thấm đẫm khổ đau và lãng mạn: tình yêu dang dở, căn bệnh quái ác, nỗi cô đơn ngân lên trong từng vần thơ thống thiết. Phần mộ Hàn Mặc Tử nằm khiêm nhường trên đỉnh đồi, ẩn mình dưới những vòm cây rì rào gió thổi và tiếng sóng biển vọng về.

Người đến viếng đồi Thi Nhân, sau khi cúi đầu tưởng niệm thi sĩ tài hoa, thường ghé quầy lưu niệm của nghệ sĩ "bút lửa" Dzũ Kha, một người hơn 3 thập niên cần mẫn gìn giữ và lan tỏa di sản thi ca của Hàn Mặc Tử. Mỗi ngày, ông lặng lẽ khắc từng vần thơ Hàn Mặc Tử lên gỗ bằng ngọn bút cháy sáng, như viết lại một tình yêu chưa bao giờ tắt dành cho thi ca.

Những tuyệt tác thiên nhiên: Bản giao hưởng của đá, sóng và huyền thoại- Ảnh 6.

Quầy lưu niệm của "bút lửa" Dzũ Kha trưng bày nhiều câu thơ của Hàn Mặc Tử

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo nghệ sĩ Dzũ Kha, Hàn Mặc Tử là một trong những thi sĩ tài hoa và bi thương nhất của văn học VN hiện đại. Những năm tháng cuối đời, ông mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, phải sống trong nỗi đau triền miên tại trại phong Quy Hòa. Nhưng cũng chính nơi ấy, Hàn Mặc Tử đã viết nên những vần thơ dữ dội như ánh chớp cuối trời, sáng rực giữa màn đêm số phận. Thi sĩ mất năm 1940, khi vừa tròn 28 tuổi, an nghỉ ban đầu tại Quy Hòa. Gần 2 thập niên sau, phần mộ được gia đình và bạn bè đưa về đồi Thi Nhân, nơi thiên nhiên và thi ca giao hòa, nơi linh hồn ông như vẫn phiêu du giữa trời mây Quy Nhơn. (còn tiếp)

Theo UBND tỉnh Bình Định, Ghềnh Ráng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia từ năm 1991. Hiện nơi này đang được Bình Định quy hoạch bài bản để bảo tồn cảnh quan, phát triển du lịch bền vững, giữ hồn thiên nhiên và dấu tích lịch sử. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở Xây dựng khẩn trương lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực núi Xuân Vân, hoàn thành trong tháng 5.2025.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhung-tuyet-tac-thien-nhien-ban-giao-huong-cua-da-song-va-huyen-thoai-185250513231846495.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm