Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hải, phường Thanh Hải (thị xã Chũ) có 16 thành viên cùng nhau sản xuất 30 ha vải thiều, trong đó gần 10 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Các hộ sản xuất vải thiều GlobalGAP ở phường Thanh Hải (thị xã Chũ) thăm vườn. |
Dẫn chúng tôi tham quan vườn vải đang độ vào cùi của gia đình, anh Ngô Văn Hùng, thành viên Hợp tác xã chia sẻ: “Gia đình tôi trồng khoảng 2 ha vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Khắc phục tình trạng khô hạn kéo dài từ tháng 10/2024 đến tháng 4/2025, chúng tôi tích cực tưới nước cho cây; giữ lá khô xung quanh gốc để giữ ẩm, đồng thời rắc vôi bột hoặc men vi sinh nhằm xua đuổi, ngăn chặn sự xâm nhập của vi sinh vật gây hại. Vừa qua có vài cơn mưa đã giúp cây phát triển tốt. Chúng tôi đã dọn lá khô xung quanh gốc để bón thêm các loại phân chuyên dụng giúp quả to, dày cùi, hạt nhỏ, thơm ngọt”.
Anh Hùng ước tính năm nay, vườn vải GlobalGAP này sẽ cho thu 25-30 tấn quả. Một số doanh nghiệp đã đến thăm vườn, đặt vấn đề thu mua để xuất khẩu. Ngoài ra, Hợp tác xã còn phối hợp với nhiều đơn vị lữ hành tổ chức các tour tham quan, trải nghiệm hấp dẫn.
Ở tổ dân phố Phúc Thành, phường Quý Sơn (thị xã Chũ) có 24 hộ trồng vải GlobalGAP với quy mô khoảng 23 ha, tăng 7 ha so với năm 2024 và chiếm ½ diện tích vải của toàn tổ dân phố. Các hộ đều tham gia Tổ hợp tác Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều.
Các vườn vải GlobalGAP ở phường Quý Sơn (thị xã Chũ) dự kiến cho sản lượng cao, chất lượng tốt. |
Anh Chu Văn Định, tổ trưởng cho biết, từng thành viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc vải thiều GlobalGAP. Khi tổ trưởng thông báo, tất cả các hộ sẽ cùng nhau mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cùng nhau phun phòng trị bệnh cho cây tại một thời điểm để hạn chế thấp nhất sự lây lan của sâu bệnh.
Người trồng vải còn sử dụng nguồn nước sạch để tưới cây, không chăn thả gà ở vườn vải, giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ. Các khâu, các bước đều được ghi chép cẩn thận trong sổ sách. Nhờ chăm sóc đúng cách nên chất lượng vải ở các vườn đồng đều.
Vụ này, nhà vườn ước 1 ha cho thu hoạch từ 12-15 tấn quả; giá những năm trước dao động từ 25-30 nghìn đồng/kg (cao hơn từ 7-10 nghìn đồng so với vải thông thường). Hiện một số doanh nghiệp đã thỏa thuận với nhà vườn về việc thu mua vải để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và một số thị trường khác.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Chũ, địa bàn có gần 7,2 nghìn ha vải thiều. Năm nay, tổng sản lượng ước tính 43 nghìn tấn. Trong đó có 5 vùng sản xuất vải GlobalGAP (xuất khẩu sang Nhật Bản; một số nước châu Âu, Hoa Kỳ) với diện tích gần 50 ha, sản lượng ước từ 600 - 800 tấn; tập trung tại các phường: Thanh Hải, Quý Sơn và xã Kiên Lao.
Những năm qua, các hộ trồng vải GlobalGAP trên địa bàn đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đến áp dụng biện pháp xử lý sau thu hoạch, bảo đảm sản phẩm không chứa các chất độc hại, an toàn cho người tiêu dùng.
Qua đó giúp sản phẩm có chất lượng, kích thước đồng đều; đẹp mã; hương vị tươi ngon, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Mặt khác, vùng canh tác theo tiêu chuẩn này có môi trường sạch sẽ; cây trồng có khả năng chống chịu tốt trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; tài nguyên đất, nước được giữ gìn.
Để mùa vải thiều năm 2025 thắng lợi, ngay từ sớm, UBND thị xã Chũ đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường quan tâm tập huấn, hướng dẫn cán bộ, tổ chỉ đạo sản xuất, tổ hợp tác và các hộ nông dân sản xuất vải về công tác quản lý, quy trình sản xuất vải GlobalGAP và các quy định của thị trường xuất khẩu.
Hướng dẫn người dân sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn, bảo đảm thời gian cách ly; áp dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế, bảo quản, đóng gói, chế biến nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Cơ quan chuyên môn đã chủ động rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát tất cả mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói hiện có và đề nghị cấp mới để mở rộng vùng trồng vải chất lượng cao.
Đối với công tác xúc tiến thương mại, thị xã đã in ấn, phát hành hàng nghìn tờ rơi, nhãn đề can hàng hóa, bao bì có hình ảnh logo sản phẩm được đăng ký bảo hộ cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Tăng cường kết nối, mời gọi các doanh nghiệp, siêu thị, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp ký kết các hợp đồng tiêu thụ nông sản trên một số hệ thống siêu thị như: Saigon Coop, WinMart, Hapro, Coopmart, Go…
Cùng đó hướng dẫn các chủ thể xây dựng, duy trì các kênh phân phối, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số (Zalo, Facebook, Youtube, Shopee, Tiki, Lazada…); hỗ trợ một số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm tại các triển lãm, hội chợ.
Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chũ nhấn mạnh, sản xuất vải thiều tiêu chuẩn GlobalGAP là một bước đi quan trọng trong việc nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của vải thiều Bắc Giang trên thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp địa phương.
Dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2025, vải thiều sẽ cho thu hoạch. Vì thời gian thu hoạch ngắn, thị xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn; các phường, xã tiếp tục hướng dẫn người dân sản xuất vải an toàn, cải tiến bao bì đóng gói để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; bảo đảm đủ điện, mặt hàng phụ trợ phục vụ việc thu hoạch, bảo quản; chuẩn bị hạ tầng, nhân lực để tiêu thụ thông suốt; chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trong mùa vải thiều.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/nhung-vuon-vai-thieu-globalgap-o-thi-xa-chu-hua-hen-boi-thu-postid418878.bbg
Bình luận (0)