Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nợ xấu tăng nhanh thị trường tài chính có nên lo lắng?

Ngay trong quý I năm 2025, nợ xấu tiếp tục là vấn đề nhức nhối, trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với ngành ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng ghi nhận mức tăng dư nợ xấu, thậm chí có ngân hàng ghi nhận mức tăng lên đến hai con số.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông12/05/2025

Nhiều ngân hàng ghi nhận nợ xấu gia tăng mạnh

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 2/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, GPBank, VCBNeo, Vikki Bank và SCB) đạt 1,88%. Báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy xu hướng nợ xấu tăng mạnh tại nhiều ngân hàng, đặc biệt là khối quốc doanh.

Tại BIDV, nợ xấu tăng tới 37% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ từ 1,41% lên 1,89%. Vietcombank cũng chứng kiến tỷ lệ này tăng từ 0,95% cuối năm 2024 lên 1,03%. VietinBank có tổng nợ xấu đến hết tháng 3 đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng 31%, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,24% lên 1,55%.

Các ngân hàng tư nhân cũng không nằm ngoài xu thế. Techcombank ghi nhận nợ xấu tăng 9,6%, đạt gần 7.800 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,23%. MB báo cáo nợ xấu cuối quý I là 14.681 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ 4.599 tỷ lên 4.942 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 34,7% lên 4.552 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 12,6%, đạt 5.187 tỷ đồng. Tổng thể, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ 1,62% lên 1,84%.

VietABank là điểm sáng hiếm hoi khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,37% xuống còn 0,63%. Tuy nhiên, nợ nhóm 2 lại tăng đột biến hơn 4,3 lần, từ gần 334 tỷ đồng lên 1.452 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng dư nợ.

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% như Saigonbank, BVBank, VIB và ABBank. VIB tăng từ 3,5% lên gần 3,8%, trong khi Saigonbank tăng từ 2,66% lên 3,28%. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tại Saigonbank tăng mạnh 62%, từ hơn 84 tỷ đồng lên gần 137 tỷ đồng.

Báo cáo mới công bố của SSI Research cho thấy chất lượng tài sản trong hệ thống ngân hàng tiếp tục chịu áp lực. Nguyên nhân là do nhiều dự án bất động sản vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, trong khi thanh khoản thị trường bất động sản – đặc biệt tại TP.HCM – vẫn trầm lắng. Điều này khiến một phần các khoản vay mua nhà bị chuyển nhóm thành nợ xấu. Đồng thời, các ngân hàng quốc doanh cũng bị ảnh hưởng bởi việc cơ cấu lại khoản vay trong ngành vật liệu xây dựng.

Theo SSI Research, tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý I/2025 đã tăng lên 2,46%, gần chạm đỉnh 2,58% của quý I/2023 và cao hơn nhiều so với mức 0,55% quý trước. Các khoản vay quá hạn tăng 11,6%, bao gồm cả nợ nhóm 2 (tăng 2,8%) và nợ xấu (tăng 20,4%). Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tăng lên 2,02%, tương đương tăng thêm khoảng 34.700 tỷ đồng, mặc dù các ngân hàng đã tiến hành xóa 26.600 tỷ đồng nợ xấu trong quý.

Tại đại hội cổ đông thường niên, ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc VPBank – dự báo tình hình nợ xấu sẽ tiếp tục bộc lộ rõ hơn trong 6 tháng đầu năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các khoản vay bất động sản đã hết thời gian cơ cấu trong năm 2024 và buộc phải phản ánh lại theo đúng thực trạng.

Dù xu hướng gia tăng nợ xấu được ghi nhận trong quý I và II, ông Vinh cho biết ngân hàng đang có các biện pháp để kiểm soát và kỳ vọng tình hình sẽ ổn định từ nửa cuối năm trở đi.

Nợ xấu tăng nhanh thị trường tài chính có nên lo lắng
Nhiều tổ chức tín dụng ghi nhận mức tăng dư nợ xấu, thậm chí có ngân hàng ghi nhận mức tăng lên đến hai con số.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống mức thấp nhất 5 năm qua

Một điểm đáng chú ý trong quý vừa qua là các ngân hàng không đẩy mạnh trích lập dự phòng cho nợ xấu, dù chất lượng tài sản đang có dấu hiệu suy giảm. Điều này thể hiện qua việc chi phí tín dụng không tăng tương xứng với tốc độ phát sinh nợ xấu mới. Hệ quả là tỷ lệ bao phủ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm xuống chỉ còn 88,7% – mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tính đến cuối quý I/2025, chỉ còn 4 ngân hàng duy trì được tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, gồm VietinBank, Vietcombank, Techcombank và VietABank – con số không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2024. Trong khi đó, ở cuối năm 2023, từng có tới 10 ngân hàng đạt mốc này, trong đó 4 ngân hàng thậm chí có tỷ lệ bao phủ vượt 200%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao thường phản ánh mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc ứng phó với rủi ro, tuy nhiên cũng có thể làm giảm lợi nhuận. Vì vậy, các ngân hàng đang cố gắng cân đối hợp lý giữa việc duy trì khả năng dự phòng và đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Thực tế này đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng và hạn chế gia tăng nợ xấu, nhằm bảo vệ sự ổn định của toàn hệ thống tài chính trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã thẳng thắn thừa nhận nguy cơ nợ xấu và nợ tiềm ẩn có thể gia tăng trong năm nay, do những biến động mới từ thị trường quốc tế – đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cảnh báo, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục kéo dài, sức mua sẽ sụt giảm, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp – vốn là nhóm khách hàng chủ lực của ngân hàng.

Tương tự, Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú cho biết tổng dư nợ của các nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan hiện vào khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ. Những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro bao gồm: thép, cơ khí, nhựa, thủy sản, dệt may, phương tiện vận tải, máy tính và bất động sản công nghiệp. BIDV đã khẩn trương thành lập ban chỉ đạo chuyên trách để hỗ trợ doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược tín dụng phù hợp.

Trong khi đó, Chủ tịch Eximbank Nguyễn Cảnh Anh cho biết ngân hàng đang rà soát lại kế hoạch tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng, đồng thời tái cơ cấu nguồn vốn và kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, nhất là khi Thông tư 02 đã hết hiệu lực. Ngân hàng sẽ tập trung vào các khách hàng có năng lực tài chính tốt và những lĩnh vực thế mạnh như xuất nhập khẩu, bán lẻ; đồng thời đẩy mạnh huy động vốn giá rẻ thông qua CASA và kiểm soát chi phí đầu vào.

Theo nhận định từ báo cáo của SSI Research, trong bối cảnh lãi suất đang duy trì ở mức thấp cùng với các biện pháp cơ cấu nợ và hỗ trợ khách hàng từ phía ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu được dự báo sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2025, sau đó có xu hướng giảm dần trong nửa cuối năm.

Nguồn: https://baodaknong.vn/no-xau-tang-nhanh-thi-truong-tai-chinh-co-nen-lo-lang-252309.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm