Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi in số đầu tiên của Báo Nhân Dân

Báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua một thế kỷ đấu tranh và phát triển, từ những trang in đầu tiên bằng mực đen giấy báo đến thời đại công nghệ số hôm nay. Trong dòng chảy ấy, có những địa danh đã trở thành cột mốc lịch sử, lưu giữ dấu ấn thiêng liêng của những người làm báo cách mạng. Một trong số đó là xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa) - nơi Báo Nhân Dân in số đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên12/05/2025

Cán bộ và nhân dân xã Quy Kỳ thăm khu di tích nơi in số đầu tiên của Báo Nhân Dân để ôn lại lịch sử, ý nghĩa của Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: T.L
Cán bộ và nhân dân xã Quy Kỳ thăm khu di tích nơi in số đầu tiên của Báo Nhân Dân để ôn lại lịch sử, ý nghĩa của Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: T.L

Vào ngày 11/3/1951, giữa núi rừng Việt Bắc, số báo Nhân Dân đầu tiên đã được in bằng máy in typo. Đây là thành quả trực tiếp sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951) - thời điểm Đảng Cộng sản Đông Dương công khai hoạt động dưới tên Đảng Lao động Việt Nam, cần một cơ quan ngôn luận chính thức để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng.

Từ đây, Báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của Đảng, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân - chính thức ra đời, góp phần tạo nên dòng chảy liên tục của báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt thời kỳ kháng chiến và kiến quốc. Trong những năm kháng chiến gian khổ, cán bộ, phóng viên của báo phải làm việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, hiểm nguy, nhưng tinh thần "viết giữa chiến hào, in giữa rừng sâu" vẫn luôn cháy bỏng.

Ngày nay, địa điểm nơi in số đầu tiên của Báo Nhân Dân đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia, với Bia di tích trang trọng cùng công trình nhà văn hóa xóm Khuôn Nhà và Trường Mầm non Quy Kỳ được xây dựng trong khuôn viên khu di tích. Tuy nhiên, để di tích này thực sự trở thành "địa chỉ đỏ" trong hành trình giáo dục truyền thống, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự đầu tư bài bản hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị.

Trong giờ ngoại khóa, các em học sinh Trường Mầm non Quy Kỳ được học về lịch sử tại khu di tích nơi in số đầu tiên của Báo Nhân Dân.
Trong giờ ngoại khóa, các em học sinh Trường Mầm non Quy Kỳ được học về lịch sử tại khu di tích nơi in số đầu tiên của Báo Nhân Dân.

Ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, chia sẻ: Địa phương rất vinh dự khi được ghi dấu một cột mốc quan trọng của báo chí cách mạng. Những năm qua, xã luôn quan tâm đến công tác giữ gìn, tôn tạo khu di tích. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí và nhân lực còn hạn chế, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa để nơi đây thật sự trở thành điểm đến giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và là điểm nhấn trong hành trình về nguồn.

Ông Luân Đức Quỳnh: Xã Quy Kỳ đã lồng ghép tuyên truyền giá trị di tích trong hoạt động đoàn thể, trường học và các dịp kỷ niệm lịch sử quan trọng, đặc biệt là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 hằng năm.

Theo đại diện UBND xã Quy Kỳ, trong kế hoạch dài hạn, di tích sẽ được kết nối chặt chẽ với các địa điểm cách mạng khác tại ATK Định Hóa, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng... để hình thành tour du lịch "về nguồn" gắn với lịch sử báo chí cách mạng.

Báo Nhân Dân số đầu tiên. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh đó, việc số hóa tư liệu, dựng phim tài liệu, tổ chức trưng bày chuyên đề cũng đang được các đơn vị chuyên môn phối hợp triển khai. Mục tiêu là để thế hệ hôm nay không chỉ biết về nơi Báo Nhân Dân in số đầu tiên qua sách vở, mà có thể "chạm tay vào lịch sử" bằng trải nghiệm thực tế sống động.

Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam là dịp để tôn vinh những người làm báo suốt một thế kỷ qua - những người đã dùng ngòi bút như vũ khí sắc bén vì lý tưởng độc lập dân tộc và tự do của nhân dân. Đồng thời, đây cũng là lúc để nhìn lại, trân trọng và phát huy những giá trị thiêng liêng của các địa danh lịch sử báo chí – như một phần máu thịt không thể tách rời của nghề làm báo.

Đồng chí Trường Chinh, Thép Mới và Hà Xuân Trường duyệt bản thảo đăng Báo Nhân Dân số đầu tiên năm 1951. Ảnh: Tư liệu

Nơi rừng xanh Quy Kỳ năm xưa, tiếng máy in đã vang vọng trong đêm, mang theo tinh thần cách mạng lan tỏa khắp cả nước. Hôm nay, nơi ấy cần được gìn giữ như một biểu tượng sống động của hành trình báo chí cách mạng Việt Nam - hành trình chưa từng dừng lại và sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

Nguồn: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202505/noi-in-so-dau-tien-cua-bao-nhan-dan-afb1603/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm