Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nơi mặt trận không tiếng súng

Việc ký kết văn bản Hiệp định Paris là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, nhưng để các điều khoản của Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh, đạt được mục tiêu thống nhất đất nước là nhiệm vụ có tính quyết định để thắng lợi trọn vẹn. Nhiệm vụ ấy được hai Phái đoàn đại biểu quân sự ta trong Ban Liên hợp quân sự Bốn bên (Hai bên Trung ương) hoàn thành xuất sắc trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, hiểm nghèo giữa vòng vây của kẻ thù. Mặt trận ngoại giao quân sự đã góp phần xứng đáng vào Chiến thắng ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh công nhận là “cánh quân thứ sáu”.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân12/04/2025

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam (thứ 2 từ trái sang), đang chỉ cái giếng mà phía địch vu cáo là hầm chiến đấu do ta đào trong Trại Davis (tháng 4/1975). (Ảnh: ĐINH QUỐC KỲ)

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam (thứ 2 từ trái sang), đang chỉ cái giếng mà phía địch vu cáo là hầm chiến đấu do ta đào trong Trại Davis (tháng 4/1975). (Ảnh: ĐINH QUỐC KỲ)

Bài 1: Trận địa kiên cường

Nhận được giấy mời dự cuộc gặp mặt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) của Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trại Davis, chúng tôi liên lạc với Đại tá Đinh Quốc Kỳ, nguyên sĩ quan liên lạc Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam (Đoàn B), và được Đại tá tiếp thân tình. Cùng trò chuyện với chúng tôi là ông Phan Đức Thắng, nguyên sĩ quan phiên dịch Đoàn B. Hai ông đã kể lại nhiều kỷ niệm không thể quên về những ngày chiến đấu giữa vòng vây của kẻ thù.

Vào nơi "hang hùm, miệng rắn" 

Người thanh niên phố cổ Hà Nội Đinh Quốc Kỳ có mặt tại chiến trường miền nam từ năm 1965, đã tham gia những trận đánh lịch sử trên chiến trường Tây Nguyên. Tháng 1/1973, ông là cán bộ Cục Chính trị Quân Giải phóng miền nam-B2, vào Trại Davis nhận nhiệm vụ tại Tiểu ban Trao trả. 823 ngày đêm chiến đấu giữa lòng địch, các ông và đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đã hơn 50 năm, nhớ lại những ngày hoạt động giữa hang ổ kẻ thù, ông Kỳ chia sẻ, phía Sài Gòn yêu cầu ta phải làm thủ tục “nhập cảnh”, ta kiên quyết bác bỏ, viện dẫn Hiệp định Geneva rồi Hiệp định Paris đều thừa nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không có chuyện “hai quốc gia”. 

Hơn 1 ngày ngồi trên máy bay giữa đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, họ phải phục vụ ăn uống, sinh hoạt cá nhân cho ta. Cuối cùng, lo ngại ảnh hưởng việc trao trả tù binh Mỹ, Ủy ban Quốc tế can thiệp, họ phải cho xe ra đón, nhưng xe lại cắm cờ trắng (?!). 

Đúng giờ hẹn, họ cho máy bay ném bom sân bay Thiện Ngôn trong vùng giải phóng, nơi trực thăng Mỹ đón Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam do Trung tướng Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn vào Trại Davis.

Ông Phan Đức Thắng bổ sung, phía Sài Gòn còn cho côn đồ hành hung, gây thương vong cho các sĩ quan, chiến sĩ ta đi làm nhiệm vụ. Ở Bảo Lộc, họ phục kích, bắn chết 4 đồng chí. 

Ngày 9/2/1973, côn đồ tấn công ta ở Buôn Ma Thuột làm 6 người bị thương. Trung tá Vanden Bosche, đại diện Mỹ tại Tổ Liên hợp quân sự Bốn bên ở địa phương đã phải báo cáo về Phái đoàn Mỹ ở Sài Gòn: “Sự cố này là do các đại diện của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sắp đặt và thực hiện, với sự tiếp tay của lực lượng Cảnh sát quốc gia”.

Khi chúng ta vào tiếp quản, Trại Davis rất lộn xộn, bừa bãi. Ban An ninh ta phải rà soát, dò từng centimet, thu được một số thiết bị điện tử cài trong các phòng họp, phòng làm việc, thậm chí cả phòng ngủ. 

Chung quanh trại, địch quây rào thép gai, gài mìn dày đặc, bố trí 13 vọng gác, đại liên suốt ngày chĩa sang ta. Họ cắt điện, cắt nước, phá sóng liên lạc vô tuyến... gây rất nhiều khó khăn cho ta.

Phiên họp Bốn bên đầu tiên, họ đặt tấm biển “Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời” trên bàn. Trung tướng Trần Văn Trà nghiêm khắc cảnh cáo, yêu cầu phải ghi đủ “Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam” mới bắt đầu khai mạc. 

Họ cài cắm nhân viên CIA, DIA của Mỹ; Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo, Tổng nha Cảnh sát, Phòng 2 Bộ Tổng Tham mưu và Cục An ninh quân đội ngụy làm nhân viên lái xe, sửa chữa điện nước, cung cấp lương thực, thực phẩm… 

Đội ngũ sĩ quan, nhân viên phái đoàn của họ luôn tìm cơ hội gặp gỡ, rủ rê, lôi kéo anh em ta “chiêu hồi”. Có lần, Thiếu tá Đinh Công Chất, trước đây nhà ở phố Lò Đúc (Hà Nội), bắt chuyện với một thiếu úy trẻ của ta. Được một lúc, Thiếu tá Chất chặc lưỡi, nheo nheo mắt: “Sang với tụi này đi, sung sướng lắm, đủ mùi, đủ vị nhé...”. Đồng chí thiếu úy trẻ của ta đốp trả: “Này, chiến tranh tâm lý kiểu gì đấy? Có mà vứt vào sọt rác!”. Thiếu tá Chất tẽn tò, chuồn thẳng… 

Có lần họ tìm về quê, gặp bà mẹ của một đồng chí ở Đoàn B, dụ dỗ bà lên Sài Gòn gặp con trai. Nhưng bà trả lời, con bà đi theo cách mạng để “đánh quân xâm lược”, “giải phóng quê hương”, đừng hòng lợi dụng bà để lôi kéo con rời bỏ hàng ngũ.

Ông Kỳ kể tiếp, sau năm 1975, có đồng chí ta chuyển ngành, đi học ở New Zealand, tình cờ gặp một nhân viên tình báo kỹ thuật của địch trước đây, anh ta bảo, ngày ấy chúng tôi nghe được hết các ông nói gì qua máy nghe lén, nhưng “càng nghe càng thấy rằng chúng tôi không thể thắng nổi các ông. Các ông kiên cường quá, trong sáng quá!”. 

Đại tá Trưởng phòng Phản tình báo Cục An ninh quân đội Sài Gòn Nguyễn Văn Học thú nhận: “Chúng tôi đã gặp một đối thủ quá cứng rắn”.

Kiên định mục tiêu

Đối với chúng ta, việc quân Mỹ và đồng minh rút hết là mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt. Đại tá Đinh Quốc Kỳ cho biết, phía Mỹ đã cố tình không thông báo kế hoạch rút quân đợt 1, đòi gắn việc rút quân Mỹ khỏi miền nam Việt Nam với việc trao trả tù binh Mỹ bị bắt ở chiến trường Lào, là nội dung không có trong Hiệp định Paris. 

Mỹ cũng có ý đồ “cài cắm” lại các nhân viên quân sự, trong đó có một số thành viên Đoàn đại biểu quân sự Mỹ trong Ban Liên hợp quân sự Bốn bên và 159 lính thủy đánh bộ bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. 

Họ ký hợp đồng với nhà thầu Mỹ, để các cố vấn và nhân viên quân sự khoác áo “nhân viên dân sự làm việc theo hợp đồng”, hỗ trợ Phòng Tùy viên quân sự - DAO và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hậu cần cho quân đội Sài Gòn.

Trại Davis trở thành vùng giải phóng, là “Tổng hành dinh” của hai phái đoàn ta, nơi ta công khai đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris và buộc chính quyền Sài Gòn trao trả hơn 31.000 tù quân sự và tù dân sự; nơi ta giương cao ngọn cờ chính nghĩa, vận động dư luận quốc tế và dư luận miền nam ủng hộ ta.

Cảm động nhất là lúc chứng kiến chiếc DC-9 số hiệu 40.619 thuộc Bộ Chỉ huy vận tải quân sự Mỹ cất cánh, đưa 95 quân nhân Mỹ cuối cùng, trong đó có Đại tướng Friedrich Wayend, Tổng Chỉ huy Bộ Tư lệnh tối cao Mỹ (MACV) và 5 sĩ quan cao cấp tùy tùng, rời khỏi Việt Nam. Lúc ấy là 16 giờ 30 phút ngày 29/3/1973. Cùng ngày, tại Hà Nội, những tù binh phi công cuối cùng đã được trao trả cho phía Mỹ.

Nhandan.vn

Nguồn:https://nhandan.vn/noi-mat-tran-khong-tieng-sung-post871835.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4
Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm