Hiệu quả từ canh tác hữu cơ
Lợi thế từ một tỉnh nông nghiệp với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, nhưng do tác động hạn hán ngày một gia tăng, Đắk Nông luôn chú trọng hướng đến phát triển một nền nông nghiệp thuận tự nhiên và bền vững.
Trong những ngày tháng 4, đang giai đoạn cao điểm nắng nóng của Tây Nguyên, chúng tôi đến thăm những vùng chuyên canh sản xuất cà phê, hồ tiêu, sầu riêng của các xã Hưng Bình, Đắk Ru, Đạo Nghĩa thuộc huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông).
Hứng chịu những đợt nắng nóng nhưng hầu hết vườn cây trái nơi đây vẫn xanh tốt, trù phú. Trong đó, vườn sầu riêng rộng hơn 4ha của ông Đinh Quốc Cử ở xã Đắk Ru được chọn là mô hình vườn mẫu – rẫy mẫu của xã Đắk Ru.
Hiện trên diện tích đất của gia đình, ông Cử trồng 700 cây sầu riêng, xen canh 4.000 cây cà phê. Tổng thu nhập niên vụ 2024 – 2025 vừa qua của gia đình đạt trên 4,5 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng từ sầu riêng và 500 triệu đồng từ cà phê.
Ông Cử cho biết: “Để cây trồng mang hiệu quả, ngoài việc vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, tôi còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện và tỉnh tổ chức, nhất là các lớp tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.
Đến nay, gia đình ông Cử đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tưới hiện đại với 1 bộ máy bơm, 2 bộ lọc bù áp với 1.500 béc. Nhờ đó, việc tưới nước và bón phân được thuận lợi. Năng suất và sản lượng cây trồng luôn ổn định.
Gia đình ông Phạm Xuân Trường ở xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có trên 2ha đất sản xuất. Trong đó, ông Trường kết hợp giữa nuôi cá, nuôi dê, nuôi tằm và trồng các loại cây như bắp, cây ăn trái, cà phê, cây đàn hương.
Ông Trường cho biết: “Hàng năm, tôi luôn duy trì đàn gia súc để tự túc nguồn phân bón cho cây trồng. Tôi còn đào ao thả cá và lấy nước tưới cho cây trồng trong mùa khô. Bên cạnh đó, toàn bộ chất thải chăn nuôi được xử lý, phối trộn với men vi sinh và ủ với vỏ cà phê làm phân hữu cơ”.
Ông Trường khẳng định, cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt như tăng khả năng sản xuất trên diện tích đất, tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên, có được một lượng lớn phân hữu cơ để bón cho cây trồng, cải tạo đất, duy trì độ ẩm cho đất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Thiện Chân, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông nghiệp thông tin, phát triển kinh tế hữu cơ, tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Điều này giúp tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái tạo, tái chế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là bước đi mà tỉnh Đắk Nông đang hướng đến.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến nay đã có trên 85.000ha cây trồng các loại ứng dụng giống mới, tưới tiết kiệm nước, sản xuất theo chứng nhận, áp dụng quy trình chăm sóc tiên tiến…, với tổng sản lượng hàng năm ước đạt trên 404.000 tấn.
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Những năm qua, việc phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn được Đắk Nông tập trung vào phát triển sản xuất theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng khoa học công nghệ.
Điều này giúp tăng cường khả năng đối phó với các thách thức, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Hiện nay, công nghệ được áp dụng rộng rãi tại Đắk Nông chủ yếu là nhà kính, nhà lưới, tưới tự động, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, canh tác thủy canh, sản xuất trên giá thể, nông nghiệp hữu cơ...
Trong đó, một số doanh nghiệp, HTX áp dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật vào sản xuất như: Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng (Đắk R’lấp), HTX TM Công Bằng Thuận An (Đắk Mil), HTX Buôn Choáh (Krông Nô), Trang trại Gia Ân, Trang trại Gia Trung (TP. Gia Nghĩa)...
Các đơn vị này đã góp phần giải quyết việc làm, liên kết chuỗi giá trị, đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn đến với người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông bày tỏ, nông nghiệp hữu cơ vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh.
Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên và giảm phát thải nhà kính... Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững.
“Ngoài ra, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được tăng cường. Qua đó, hiệu quả sản xuất cao hơn, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản,” ông Hồ Gấm cho biết thêm.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, trong thời gian tới, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là điều quan trọng và cần thiết, đặc biệt phải gắn với việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học của địa phương, vừa hội nhập với quốc tế vừa bảo đảm nét riêng, đặc trưng của tỉnh.
Để ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan, tỉnh Đắk Nông đã triển khai các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2050.
Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng kế hoạch, quy hoạch về cây trồng, vật nuôi và công trình thủy lợi phù hợp với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường.
Đắk Nông có diện tích sản xuất nông nghiệp 378.286ha. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh hiện đạt trên 309.397ha, tăng gấp 2 lần so với 20 năm trước. Nông nghiệp thể hiện rõ là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của địa phương.
Nguồn: https://baodaknong.vn/nong-nghiep-xanh-canh-tac-thuan-thien-de-thich-ung-voi-han-249215.html
Bình luận (0)