Không thể phủ nhận Nguyễn Công Trí là một nhà thiết kế (NTK) tài năng, có nhiều đóng góp cho thời trang Việt Nam trên trường quốc tế, nhưng "cú trượt" này đã phá vỡ một hình mẫu từng được tôn vinh, một biểu tượng của sự chuyên nghiệp và sáng tạo.
Một người nghệ sĩ càng nổi tiếng, càng có sức ảnh hưởng thì trách nhiệm xã hội của họ càng lớn. Họ không chỉ đại diện cho cá nhân mình, mà còn là hình mẫu, người truyền cảm hứng. Khi Nguyễn Công Trí thiết kế cho Beyoncé, Rosé, Michelle Obama…, anh không chỉ được công nhận vì tài năng, mà còn vì đã góp phần xây dựng vị thế của thời trang Việt. Nhưng chính vì vị thế đó, anh càng không được phép sai lầm trong những điều cơ bản nhất: vi phạm pháp luật.
Sai phạm pháp luật, đặc biệt là liên quan đến ma túy, không thể được xem là "vấn đề cá nhân". Ma túy không chỉ hủy hoại sức khỏe, mà còn đe dọa nền tảng đạo đức xã hội. Việc nghệ sĩ, người của công chúng sử dụng hoặc tổ chức sử dụng ma túy là hành vi gây nguy hiểm gấp nhiều lần người bình thường, bởi nó dễ tạo ra tâm lý "người tài có đặc quyền sai sót".
NTK Nguyễn Công Trí
ẢNH: FBNV
Chúng ta không nên công kích Nguyễn Công Trí. Tội trang của anh như thế nào đã có pháp luật xử lý và chắc chắn sẽ phải trả giá (sự nghiệp bị ảnh hưởng, hình ảnh cá nhân bị hủy hoại trong mắt công chúng và vướng vòng lao lý...). Nhưng chúng ta cũng không nên bênh vực mù quáng. Tài năng và đạo đức không thể tách rời nếu muốn trở thành một nhân vật có ảnh hưởng bền vững. Một người giỏi chưa hẳn là một người tốt, và không ai đảm bảo rằng một người tốt, từng cống hiến cho xã hội sẽ không không làm điều sai.
Cần tách bạch rõ: sai phạm pháp luật cũng đồng nghĩa với vi phạm đạo đức xã hội. Không thể dùng "quá khứ đẹp" để "làm mờ" đi trách nhiệm hiện tại. Mỗi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Một xã hội văn minh không thể có "vùng cấm" cho bất kỳ ai.
Sự việc của NTK Nguyễn Công Trí cần được nhìn nhận một cách rõ ràng: càng đứng ở "vị trí" cao, càng phải giữ mình; thành tựu trong sự nghiệp và sai lầm trong đời tư hoàn toàn phải được tách bach; và công chúng, tình thương không thể là chỗ dựa cho những sai lầm, nếu sai lầm đó đang làm suy yếu niềm tin xã hội. Điều đáng nói hiện nay là thời gian qua có không ít người lại lựa chọn phản ứng một cách cảm tính: bênh vực nghệ sĩ, cụ thể là NTK Nguyễn Công Trí, bằng sự tiếc nuối cho một "người tài từng đưa thời trang Việt ra thế giới", biện minh cho anh bằng lối suy nghĩ "ai cũng có lúc yếu lòng", "áp lực nghề nghiệp", "sự cô đơn của người nổi tiếng"... Đó là một lối suy nghĩ lệch lạc khi cố tình khỏa lấp cho việc làm sai trái, phạm tội của nghệ sĩ, người nổi tiếng bằng những cống hiến hay tài năng của họ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ntk-nguyen-cong-tri-bi-khoi-to-dung-khoa-lap-cho-sai-pham-bang-tai-nang-185250724101540772.htm
Bình luận (0)