Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ

Cảng thị Nước Mặn xưa là một phố thị cảng sông nằm bên đầm Thị Nại vào thế kỷ 17 - 18. Phạm vi cảng thị Nước Mặn bao gồm các thôn An Hòa, Lương Quang, thuộc xã Phước Quang và thôn Kim Xuyên, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định ngày nay.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk11/05/2025

Nơi đây từng một thời là đô hội phồn thịnh, thuyền buôn từ nhiều nước phương Tây, phương Đông thường xuyên ra vào, buôn bán.

Quá trình hình thành, hoàn tất chữ Quốc ngữ ở Việt Nam diễn ra trong khoảng hai thế kỷ. Các nhà nghiên cứu, dựa trên những tài liệu hiện có, đã chia quá trình đó làm 4 thời kỳ: thời kỳ phôi thai, hình thành, phát triển và hoàn tất. Cảng thị Nước Mặn vào đầu thế kỷ 17 là nơi phôi thai, khởi nguyên sáng tạo chữ Quốc ngữ.

 Đầu năm 1618, các linh mục Dòng Tên Francesco de Pina, Francesco Buzomi và Cristoforo Borris từ Hội An đến Nước Mặn dưới sự tháp tùng của quan trấn Trần Đức Hòa. Tại cảng thị này lúc đó, một nhà thờ được xây dựng và các linh mục thực hiện việc truyền đạo tại đây.

Linh mục Pina, tuy đến Việt Nam muộn hơn so với một số giáo sĩ khác nhưng là người châu Âu đầu tiên nói thành thạo tiếng Việt. Những bản dịch các văn bản Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618 và Pina đóng vai trò chính trong công việc dịch thuật này với sự giúp đỡ hiệu quả của một văn nhân Việt Nam uyên bác về chữ Hán.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, tài liệu đầu tiên về chữ Quốc ngữ hiện nay biết được là những ghi chép của Linh mục Cristoforo Borris in trong cuốn sách “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong” xuất bản bằng tiếng Ý. Tuy xuất bản lần đầu tiên năm 1631 nhưng chữ Quốc ngữ được La-tinh hóa trong tài liệu này được ông sử dụng để ghi chép từ những năm ở Đàng Trong khi ông sống tại Nước Mặn cùng với hai linh mục Bozomi và Pina.

Đáng lưu ý, chữ Quốc ngữ lúc này của Borris chưa có quy cách chặt chẽ, có chữ phiên âm theo tiếng Ý, có chữ phiên âm theo tiếng Bồ Đào Nha và chưa thấy dấu ghi thanh, ngoại trừ dấu huyền có sẵn trong tiếng Ý: Cacciam (Kẻ Chàm), Nuoecman/Nuocnon/Nuocman (Nước Mặn), omgne (ông nghè), Chiuua (Chúa), Chiampa (Champa), ciam (chẳng), doij (đói), con gnoo (con nhỏ), da an het (đã ăn hết), scin mo caij (xin một cái)...

Biểu tượng cư sở truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ.

Các tài liệu viết tay đầu tiên có chữ Quốc ngữ do các linh mục đang truyền giáo tại Đàng Trong viết hiện còn lưu giữ được là bức thư của Francesco de Pina viết năm 1623, bức thư của Alexandre de Rhodes viết năm 1625, bản tường trình của Gaspar Luiz năm 1626 và bức thư của Francesco Buzomi viết năm 1626.

Alexandre de Rhodes đến Việt Nam cuối năm 1626 và là người có công lớn khi 3 tác phẩm chữ Quốc ngữ của ông: “Phép giảng tám ngày”, “Văn phạm Việt ngữ” và “Từ điển Việt - Bồ - La” được in năm 1651. Đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng chính thức ở Việt Nam, lịch sử chữ Quốc ngữ được truy nguyên và Alexandre de Rhodes sớm được công nhận như là người khai sinh ra việc chuyển vần La-tinh vào tiếng Việt Nam và Hội An, Thanh Chiêm, Đà Nẵng, Quảng Nam được xem là cái nôi của chữ Quốc ngữ.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ là một quá trình, công việc tập thể của nhiều giáo sĩ phương Tây. Giai đoạn đầu phải kể đến sự đóng góp của các tên tuổi Francesco de Pina, Francesco Buzomi và Cristoforo Borris. Công lao của các giáo sĩ khác như Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và nhất là Alexandre de Rhodes thuộc về các giai đoạn sau - giai đoạn hình thành, phát triển và hoàn tất chữ Quốc ngữ.

Ba nơi chủ yếu các vị thừa sai Dòng Tên ở và truyền giáo ở Đàng Trong năm 1615 là cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định); trong đó, Nước Mặn là nơi đóng đại bản doanh của giáo đoàn các tu sĩ Dòng Tên và Cha Bề trên Buzomi. Những bản dịch các văn bản Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618. Ba tu sĩ Dòng Tên bấy giờ có mặt tại cơ sở truyền giáo Pulucambi (Quy Nhơn), tiến hành việc dịch thuật lúc này là Francesco de Pina, Francesco Buzomi và Cristoforo Borris, dưới sự giám sát của Linh mục Francesco Buzomi. Có thể nói, Linh mục Buzomi và hai linh mục trong giáo đoàn của ông là Pina và Borris là những người đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ. Hoạt động truyền giáo và học tập, nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ của họ đều diễn ra ở Nước Mặn.

Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm nên khả năng phổ biến và lan tỏa nhanh, thuận tiện cho việc học và phổ cập. Chữ Quốc ngữ ra đời tạo cơ sở cho việc mở rộng chức năng tiếng Việt, trở thành chữ viết quốc gia, là công cụ hữu hiệu để bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam, góp phần làm cho nền quốc học và quốc văn của Việt Nam vươn lên tầm cao mới, hiện đại hơn, khoa học hơn. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ và việc người Việt chấp nhận và biến nó trở thành quốc tự của dân tộc là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử và văn hóa dân tộc. Công lao của các giáo sĩ Francesco de Pina, Francesco Buzomi và Cristoforo Borris là vô cùng lớn lao, cần được ghi nhận đầy đủ và tôn vinh xứng đáng.

Trước năm 2011, sau khi phát hiện tại vườn nhà ông Võ Cự Anh (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) một công trình được xây bằng đá ong, giới chuyên môn đã xác định công trình này là vị trí của cư sở truyền giáo Nước Mặn được xây dựng vào năm 1618. Năm 2011, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng công trình Biểu tượng cư sở truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ nhằm ghi nhận nơi đã từng là một cư sở truyền giáo đầu tiên ở Đàng Trong cũng là nơi phát tích, khởi nguyên hình thành chữ Quốc ngữ.

Địa điểm này đã được xếp hạng di tích lịch sử: “Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ” vào tháng 11/2017 và hiện trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử của du khách trong và ngoài nước.

Ngô Hồng Sơn

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/nuoc-man-noi-phoi-thai-chu-quoc-ngu-9f301a4/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm