Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

PGS, TS Đào Thế Anh: Đối với người nông dân, công nghệ là phương tiện, chất lượng sản phẩm là mục tiêu

Áp lực cạnh tranh, thị trường ngày càng khắt khe, khiến nông sản Việt buộc phải “nâng cấp” nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Công nghệ cao được kỳ vọng là “chìa khóa vàng” để nông nghiệp tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Báo Hà NamBáo Hà Nam12/05/2025

Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để có góc nhìn đa chiều về các vấn đề nêu trên.

PGS,TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NVCC.

P.V: Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 30% sản phẩm nông nghiệp là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi nhiều hộ nông dân và hợp tác xã vẫn gặp khó khăn. Vậy ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này?

PGS,TS Đào Thế Anh: Việc đặt mục tiêu phát triển 30% diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một định hướng đầy tham vọng, thể hiện quyết tâm của các cấp, ngành trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm "công nghệ cao" còn khá rộng, trong khi phần lớn các hộ nông dân và hợp tác xã (HTX) vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ tư vấn chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Chính điều này dẫn đến việc thiếu thông tin, thiếu lựa chọn và làm giảm hiệu quả triển khai trong thực tế. Đây là vấn đề cần được quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đối với người nông dân, công nghệ chỉ là phương tiện, không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu của người nông dân là tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đồng thời bảo đảm hiệu quả kinh tế. Vì thế đối với nông dân, đầu tư công nghệ là cần thiết nhưng phải lựa chọn được công nghệ thích hợp, công nghệ phải đi đôi với hiệu quả, giá thành sản xuất hợp lý, chất lượng sản phẩm được thị trường chấp nhận và tiêu thụ ổn định. Nông dân nhỏ không nhất thiết phải đầu tư công nghệ cao bằng mọi giá.

Để làm được điều đó, việc nghiên cứu kỹ thị trường trong nước và quốc tế là bước đi bắt buộc. Thông thường, công nghệ cao đồng nghĩa với việc vốn đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn. Nhưng không có nghĩa là đầu tư lớn trên diện tích rộng thì mới có hiệu quả. Thực tế đã chứng minh, ngay cả trên những diện tích nhỏ, nếu biết cách áp dụng công nghệ phù hợp, đầu tư tập trung, nông dân vẫn có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị cao như rau, dưa lưới, nho hay dâu tây,…

Vườn nho công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đồng Du.

Việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với sản xuất công nghệ cao, cho giá trị kinh tế, có thị trường ổn định là yếu tố quan trọng bảo đảm khả năng thu hồi vốn và sinh lời từ đầu tư công nghệ. Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp sinh thái, việc áp dụng các công nghệ vi sinh vật sản xuất phân hữu cơ, bảo vệ thực vật cũng được coi là công nghệ cao nhưng có chi phí thấp và sản xuất ra sản phẩm sinh thái, hữu cơ có chất lượng cao, an toàn, được người tiêu dùng chấp nhận. Đây là một ví dụ về áp dụng công nghệ sản xuất sinh thái, có chi phí thấp có thể phù hợp với đa số hộ nông dân nhỏ.

Tóm lại, dù định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng được quan tâm, song thực tế, phần lớn bà con chưa được tiếp cận đầy đủ với hoạt động khuyến nông, chưa có đủ thông tin để lựa chọn và áp dụng đúng công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất.

P.V: Nông sản OCOP sẽ khó thoát khỏi cảnh “mỗi nơi một kiểu” nếu thiếu công nghệ cao để chuẩn hóa vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Thưa PGS. TS Đào Thế Anh, đâu là mắt xích công nghệ quan trọng nhất cần đầu tư để nông sản OCOP thực sự vươn tầm?

PGS, TS Đào Thế Anh: Các sản phẩm OCOP phần lớn là những đặc sản mang tính đặc thù của từng địa phương. Đó chính là lợi thế cạnh tranh giữa các vùng miền và cũng là nền tảng để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay chính là khâu công nghệ chế biến.

Hiện nay, phần lớn sản phẩm OCOP ở Việt Nam vẫn ở dạng tươi, sống. Đây là nhóm sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn, khó trưng bày dài ngày trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày càng đòi hỏi tính tiện lợi và an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia, sản phẩm OCOP lại nghiêng nhiều về nhóm hàng làng nghề, thủ công mỹ nghệ vốn có khả năng lưu giữ lâu dài, dễ dàng bảo quản và vận chuyển xa.

Cần nhấn mạnh rằng, không phải tất cả sản phẩm OCOP phải dựa hoàn toàn vào công nghệ cao. Các phương pháp sản xuất truyền thống, nếu được phát huy đúng cách, vẫn có thể tạo nên những sản phẩm đặc trưng, mang đậm bản sắc vùng miền. Tuy nhiên, với những sản phẩm chế biến, việc cải tiến một số khâu trong quy trình thay vì thay đổi toàn bộ là hướng đi khả thi để vừa giữ được “hồn cốt” truyền thống, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Gian hàng của Tổ hợp tác sản xuất chế biến thực phẩm giò Hiền tại Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm các HTX và doanh nghiệp tỉnh Hà Nam năm 2024. Ảnh: Mạnh Hùng.

Điều quan trọng là cần xuất phát từ nhu cầu của thị trường để lựa chọn công nghệ phù hợp, thay vì áp đặt công nghệ cao một cách đồng loạt. Trong đó, với nhóm sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt là các mặt hàng cần chiết xuất, bảo quản; đầu tư vào công nghệ hiện đại là điều tất yếu để bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và mở rộng khả năng cạnh tranh.

P.V: Nhiều nông sản Việt Nam bị thất thoát sau thu hoạch do hạn chế về công nghệ bảo quản. Việc ứng dụng công nghệ cao có thể giải quyết bài toán này như thế nào để kéo dài thời gian bảo quản và giữ nguyên chất lượng sản phẩm, thưa ông?

PGS, TS Đào Thế Anh: Bảo quản là một trong những khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản Việt Nam hiện nay. Thực tế cho thấy, phần lớn nông sản bán trên thị trường vẫn ở dạng tươi, sống như rau, củ, quả. Với đặc điểm dễ hư hao, việc giữ được chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình thu hoạch, vận chuyển và phân phối phụ thuộc rất lớn vào công nghệ bảo quản, đặc biệt là công nghệ lạnh.

Trong số đó, công nghệ kho lạnh là yếu tố đầu tiên cần được đầu tư. Tuy nhiên, đối với các hộ sản xuất nhỏ và doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, việc tiếp cận hệ thống kho lạnh hiện đại vẫn còn nhiều hạn chế. Trước thực tế này, đã dần xuất hiện nhiều mô hình kho lạnh quy mô nhỏ, phù hợp với sản xuất rau quy mô hộ gia đình. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Úc và hỗ trợ bà con tại Mộc Châu xây dựng kho lạnh bảo quản rau ngay sau thu hoạch, trước khi phân phối ra thị trường.

Song song với đó, công nghệ vận chuyển lạnh cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng, nhất là với quãng đường vận chuyển xa. Đối với xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng tàu lạnh. Tuy nhiên, ở thị trường nội địa, cần có xe tải lạnh. Việc thành lập các trung tâm logistics chuyên cung cấp dịch vụ bảo quản lạnh là hướng đi cần thiết, giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả bảo quản cho nông dân.

Đặc biệt, các HTX hoàn toàn có thể trở thành đơn vị tổ chức, vận hành hệ thống bảo quản lạnh tập trung cho các hộ thành viên. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, đồng thời nâng cao hiệu quả bảo quản và giảm thất thoát nông sản.

Việc đầu tư đúng mức cho công nghệ bảo quản, nhất là bảo quản lạnh sẽ giúp hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, không chỉ về khối lượng mà cả chất lượng nông sản. Trong điều kiện thời tiết nóng như hiện nay, nếu rau quả không được bảo quản tốt, đến tay người tiêu dùng sẽ dễ bị giảm độ tươi và mất giá trị dinh dưỡng. Do đó, công nghệ bảo quản mang vai trò đặc biệt quan trọng.

P.V: Dù thương mại điện tử mở ra cơ hội tiêu thụ lớn cho nông sản công nghệ cao, nhưng nhiều HTX vẫn chưa khai thác hiệu quả. Theo PGS. TS, đâu là rào cản lớn nhất hiện nay?

PGS, TS Đào Thế Anh: Thương mại điện tử hiện nay chỉ là một hình thức giao dịch, một kênh bán hàng hiện đại, phù hợp với xu thế. Chúng tôi cũng có những dự án tăng cường thương mại điện tử cho các bà con nông dân như quay video bán hàng online. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi không nằm ở việc giới thiệu sản phẩm, mà nằm ở khâu tổ chức vận chuyển, giao hàng sau khi đơn hàng được đặt.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tổ chức hệ thống giao hàng, đặc biệt là với các sản phẩm thực phẩm tươi sống. Điều này đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố như công nghệ bảo quản lạnh, kỹ thuật đóng gói phù hợp, bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm. Đây lại chính là điểm yếu của nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hiện nay, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Thương mại điện tử chỉ là một mắt xích nhưng để phát triển bền vững, cần đồng thời tổ chức được các kênh giao hàng hiệu quả. Nếu sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng không bảo đảm chất lượng, người tiêu dùng sẽ không tiếp tục đặt mua. Tại các đô thị lớn, hệ thống giao hàng phát triển mạnh với mạng lưới shipper dày đặc, việc giao nhận hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện; trái ngược hoàn toàn với nông thôn.

Vấn đề đặt ra là cần có sự kết nối giữa thành thị và nông thôn trong khâu phân phối thực phẩm. Nhà nước có thể đóng vai trò hỗ trợ, kết nối các mạng lưới logistics khu vực nông thôn với hệ thống phân phối tại đô thị. Khi ấy, thương mại điện tử trong lĩnh vực nông sản thực phẩm mới có thể phát triển bền vững, tạo ra giá trị thiết thực cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

P.V: Với bối cảnh thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh, ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu đối với nông sản công nghệ cao? Liệu có những yếu tố khác cần kết hợp để nâng cao giá trị sản phẩm?

PGS, TS Đào Thế Anh: Xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt, đóng vai trò quyết định trong việc phát triển bền vững sản phẩm nông sản. Cốt lõi của thương hiệu chính là niềm tin từ người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng tin tưởng, họ sẽ sẵn sàng lựa chọn và sử dụng sản phẩm thường xuyên.

Để làm được điều đó, việc ứng dụng công nghệ phải được triển khai trong toàn bộ chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng, thông qua các ứng dụng công nghệ. Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, tương đối đồng bộ, nơi công nghệ được tích hợp xuyên suốt, không chỉ trong sản xuất mà còn trong lưu thông và phân phối.

Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu tiên quyết để ứng dụng công nghệ hiệu quả là phải xây dựng được sự hợp tác. Trước hết, người nông dân cần được “tổ chức” tại các hợp tác xã ở khu vực nông thôn, khu vực sản xuất. Sau đó, kết nối với doanh nghiệp, những đơn vị về logistics, dịch vụ hậu cần, có khả năng bảo đảm việc phân phối hàng hóa đến thị trường một cách hiệu quả.

Do đó, vai trò hợp tác giữa HTX và doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi công nghệ là vô cùng quan trọng. Thực tế cho thấy, tại một số HTX ven đô Hà Nội đã tự sản xuất các sản phẩm, tự quảng bá, tự phân phối trực tiếp cho những người tiêu dùng Thủ đô.

Những chuỗi giá trị ngắn cho phép HTX chủ động tổ chức giao hàng và thương mại điện tử mà không phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Tuy nhiên, đối với các chuỗi giá trị dài hơn, đặc biệt là các sản phẩm hướng tới xuất khẩu, sự hợp tác với doanh nghiệp là yếu tố không thể thiếu.

Doanh nghiệp không chỉ đóng vai trò về logistics mà còn là cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Chỉ khi mối quan hệ hợp tác này được củng cố và vận hành hiệu quả, nông nghiệp công nghệ cao mới thực sự phát huy được tiềm năng, góp phần nâng cao giá trị và vị thế của nông sản Việt Nam.

P.V: Theo ông, đâu là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thực sự phát huy hiệu quả trong nông nghiệp?

PGS, TS Đào Thế Anh: Chuyển đổi số là một lĩnh vực rất rộng, đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế. Trên thực tế, chúng ta cần bắt đầu từ những bước cơ bản, tập trung vào các công việc có tính chất lặp đi lặp lại, tốn nhiều sức người, đặc biệt là trong sản xuất trên đồng ruộng.

Chẳng hạn, các hoạt động như quan trắc nước, theo dõi liên tục tình trạng đồng ruộng, hay bảo vệ thực vật, có thể ứng dụng công nghệ để giảm sức lao động thủ công. Đây là những bước đi thiết thực trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chính xác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực như trồng rau quả, tưới nước tiết kiệm. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lãng phí đầu vào, mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, từ đó giảm chi phí sản xuất và tổn thất trong sản xuất. Đây là những công nghệ có tính ứng dụng cao, phù hợp để triển khai rộng rãi.

Và các HTX hoàn toàn có thể là chủ thể trong tiến trình này. Nhiều địa phương hiện đã triển khai hiệu quả, như việc ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) để gieo sạ trong sản xuất lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Bắc. Việc chuyển từ cấy lúa thủ công sang xạ bằng drone cho thấy hiệu quả rõ rệt về lượng giống sử dụng và tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, để triển khai các mô hình như vậy, đòi hỏi các hộ nông dân phải liên kết với nhau thông qua HTX, hình thành những vùng sản xuất đủ lớn, bảo đảm điều kiện để máy móc hoạt động hiệu quả. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, drone cũng đang được sử dụng để phun thuốc bảo vệ thực vật, cho thấy tính khả thi trong thực tiễn.

Một khía cạnh quan trọng khác của chuyển đổi số là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nông sản ngày nay phải có mã vùng trồng, mã cơ sở sơ chế, chế biến,... và toàn bộ thông tin này cần được số hóa để phục vụ hoạt động xuất khẩu cũng như xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua các HTX và sự phối hợp với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước ngành nông nghiệp. Nhờ đó, người sản xuất có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng và thuận tiện hơn, không chỉ thông qua các kênh truyền thống mà còn qua các ứng dụng, phần mềm tích hợp. Đặc biệt, việc số hóa cơ sở dữ liệu đất đai sẽ giúp nông dân có thể tra cứu toàn bộ thông tin về chất lượng đất đai của vùng sản xuất ngay trên Internet.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Vân (Thực hiện)

Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/pgs-ts-dao-the-anh-doi-voi-nguoi-nong-dan-cong-nghe-la-phuong-tien-chat-luong-san-pham-la-muc-tieu-160716.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm