Bất cập quản lý tài sản công và đất đai
Theo kết quả kiểm toán của năm 2024, việc quản lý, sử dụng xe ô tô tại một số đơn vị thừa so với quy định. Trong đó, Ban Tôn giáo Chính phủ thừa 3 xe; Trường Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh thừa 1 xe ôtô dùng chung. Tại Bộ GD&ĐT tình trạng thừa xe cũng diễn ra, trong đó Trường Đại học Ngoại thương thừa 2 xe, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao thừa 1 xe, Trường Đại học Nha Trang thừa 5 xe, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh thừa 1 xe, Trường Đại học Giao thông vận tải thừa 1 xe, Đại học Bách khoa Hà Nội thừa 2 xe…
Tại một số địa phương, đoàn kiểm toán còn phát hiện chưa rà soát, sắp xếp số lượng xe ôtô đúng quy định, trong đó tỉnh Quảng Bình đến thời điểm kiểm toán, Sở Y tế chưa xây dựng và trình phê duyệt phương án xử lý đối với 42 xe ôtô, gồm 39 xe tại thời điểm năm 2021 và 3 xe được bổ sung chống dịch theo định mức quy định.

Về vấn đề quản lý, sử dụng tài sản là nhà, đất, qua rà soát, KTNN chỉ ra nhiều bộ, ngành Trung ương chưa làm thủ tục hoặc chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như Hà Nội có 15 cơ sở đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 504 cơ sở đất; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có 7 vị trí đất… Bộ Nội vụ chưa điều chỉnh giá trị quyền sử dụng đất khi UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành và công bố bảng giá đất theo quy định để hạch toán trên sổ kế toán; chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị và phản ánh trên sổ kế toán theo quy định.
Ngoài ra, Bộ Y tế có 15 cơ sở nhà, đất chưa nhận được ý kiến phản hồi của địa phương về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất; 10 cơ sở nhà, đất của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã được Bộ Y tế phối hợp với các ban ngành của tỉnh kiểm tra lại và thống nhất phương án sắp xếp lại, xử lý. Bộ Nội vụ có 11 cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định…
Ngoài ra, KTNN còn chỉ rõ một số tỉnh chưa thực hiện nộp tiền thuê đất; chưa cập nhật thông tin về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công (Bộ VHTT&DL). Một số địa phương, đơn vị chưa xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất hoặc chưa được phê duyệt phương án sắp xếp; một số đơn vị chưa được giao đất, cho thuê đất; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa thực hiện xác định giá trị quyền sử dụng đất; còn tình trạng đất bị lấn chiếm; bàn giao nhà đất cho các đơn vị không phù hợp với phương án xử lý, sắp xếp nhà đất đã được UBND tỉnh quyết định…
Nhiều đơn vị lúng túng, khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ người có công
Năm 2024, KTNN thực hiện kiểm toán chuyên đề toàn ngành về việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023, thực hiện kiểm toán tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Gia Lai.
Kết quả kiểm toán cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công chưa quy định đầy đủ đối tượng thụ hưởng chế độ ưu đãi theo thực tiễn phát sinh, hoặc chưa quy định thống nhất giữa pháp lệnh và các nghị định hướng dẫn nên các địa phương vướng mắc trong quá trình giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công.
Những bất cập này dẫn đến Cục Người có công (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nay đã giải thể, cơ quan Cục Người có công được chuyển về Bộ Nội vụ) cũng gặp khó khăn trong việc hướng dẫn, trả lời các địa phương do chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý.
Cụ thể, các nghị định của Chính phủ ban hành chậm so với thời điểm Pháp lệnh Ưu đãi Người có công có hiệu lực nên các địa phương chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời về trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu, thời điểm hưởng, đối với từng đối tượng thụ hưởng hoặc các đối tượng có cùng chế độ ưu đãi nhưng được hưởng tại các thời điểm khác nhau.
Một số đối tượng thực tế có công đóng góp cho cách mạng nhưng theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 thì chưa được hưởng chế độ ưu đãi người có công hoặc thân nhân là người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học hiện chưa được hưởng chế độ chính sách theo yêu cầu tại Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư.
20 năm qua, với 15 lần điều chỉnh, mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng luôn được quan tâm, điều chỉnh cao hơn mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Kinh phí thực hiện trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong năm 2024 là 35.629 tỉ đồng, tăng thêm hơn 5.300 tỉ đồng. Hoạt động tri ân người có công được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, tạo nhiều dấu ấn sâu đậm và sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đoàn kiểm toán cũng chỉ ra thực trạng: Người dân giúp đỡ cách mạng cũng được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến, tham gia giúp đỡ cách mạng trong vùng bị rải chất độc hóa học, nay mắc các bệnh, tật hoặc có con đẻ bị dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học hoặc bản thân họ bị địch bắt tù đày nhưng hiện chưa được hưởng chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày (chỉ được hưởng chế độ đối với người có công giúp đỡ cách mạng)…
Trước bất cập nói trên, KTNN kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (sau khi kết thúc hoạt động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chuyển nhiều chức năng về Bộ Nội vụ) chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số văn bản chậm tiến độ: Các nghị định hướng dẫn Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 chưa kịp thời, không cùng thời điểm có hiệu lực của Pháp lệnh dẫn đến không đảm bảo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành Quyết định về Kế hoạch triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn: https://cand.com.vn/Xa-hoi/phat-hien-nhieu-lo-hong-trong-quan-ly-tai-san-cong-chinh-sach-ho-tro-uu-dai-nguoi-co-cong--i768886/
Bình luận (0)