Với giá trị nổi bật về mặt lịch sử, văn hóa và khảo cổ học, Gò Thành không chỉ là di sản quý báu của địa phương mà còn là nguồn tư liệu sống động, giàu tiềm năng để gắn kết với hoạt động giáo dục và phát triển du lịch bền vững trong thời đại mới.
Di tích khảo cổ Gò Thành tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng của nền văn hóa Óc Eo. |
Khu di tích có diện tích khoảng 17.000 m², nằm trên một giồng đất cát pha sét, cao trung bình 3 m so với mực nước biển. Qua nhiều đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện 271 hiện vật có giá trị, trong đó nổi bật là 196 hiện vật bằng vàng, gồm tượng các vị thần như: Visnu, Nagasa và Nam Thần. Đặc biệt, tượng thần Vishnu cùng bộ sưu tập 18 lá vàng chạm khắc hình voi đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2021. Các bảo vật này hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tiền Giang.
Dù đã được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1994, song việc phát huy giá trị của Gò Thành vẫn còn nhiều hạn chế. Các chương trình giáo dục trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên còn thiếu vắng; hoạt động du lịch mang tính tự phát, chưa có định hướng rõ ràng; hạ tầng phục vụ tham quan chưa đồng bộ; công tác truyền thông, quảng bá di tích vẫn chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Trong bối cảnh đó, cần có những giải pháp toàn diện, vừa bảo tồn, vừa khai thác hiệu quả giá trị của di tích, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Trước hết, cần gắn Di tích khảo cổ Gò Thành với giáo dục truyền thống và trải nghiệm thực tế. Việc đưa di tích vào chương trình giáo dục địa phương, tổ chức hoạt động ngoại khóa, học tập thực tế tại di tích sẽ giúp thế hệ trẻ tiếp cận trực quan với lịch sử và văn hóa Nam bộ. Song song đó, việc xây dựng các sản phẩm giáo dục số như: Phim tư liệu, bài giảng trực tuyến, mô hình 3D... sẽ gia tăng tính hấp dẫn và tiếp cận rộng rãi hơn đến đối tượng học sinh, sinh viên.
Di tích khảo cổ Gò Thành tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng của nền văn hóa Óc Eo. |
Đồng thời, cần định hướng khai thác du lịch theo hướng bền vững và chuyên sâu. Gò Thành có thể trở thành điểm nhấn trong loại hình du lịch văn hóa - khảo cổ, kết hợp với không gian sinh thái và làng nghề địa phương.
Việc quy hoạch tổng thể, bảo tồn và tôn tạo cảnh quan cần được thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó, nên thiết kế các tour trải nghiệm kết nối di tích - ẩm thực - làng nghề, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu văn hóa Óc Eo để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết đa ngành, truyền thông hiệu quả và đẩy mạnh xã hội hóa. Việc phát huy giá trị di tích đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành văn hóa, giáo dục, du lịch và chính quyền địa phương. Huy động nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn và phát triển du lịch là một trong những giải pháp khả thi. Ngoài ra, cần có chiến lược truyền thông đa phương tiện, kết nối Gò Thành với các tuyến du lịch liên tỉnh, tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc phát huy giá trị Di tích khảo cổ Gò Thành không chỉ góp phần bảo tồn và lan tỏa di sản văn hóa Óc Eo, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tiền Giang theo hướng nhân văn, bền vững và giàu bản sắc địa phương.
VĨNH SƠN
Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/phat-huy-gia-tri-di-tich-khao-co-go-thanh-gan-voi-giao-duc-va-du-lich-1041123/
Bình luận (0)