Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy nội lực để xây dựng thành công thương hiệu Việt - Câu chuyện Vinamilk

(Chinhphu.vn) - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh kinh tế tư nhân góp phần rất quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam, phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng. Chính vì vậy, tự lực, tự cường của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ là yếu tố then chốt để góp phần đưa Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ20/04/2025

Phát huy nội lực để xây dựng thành công thương hiệu Việt - Câu chuyện Vinamilk- Ảnh 1.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - Ảnh: VGP/Viên An

Chặng đường gần 40 năm đổi mới đã ghi dấu một Việt Nam kiên cường, bứt phá và khát khao phát triển. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, kém hiệu quả, với thu nhập bình quân đầu người vẻn vẹn 96 USD vào năm 1989, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, dự kiến cuối năm 2025 sẽ bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao, tương đương mức trên 5.000 USD/người/năm.

Từ một nền kinh tế nghèo nàn, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế, Việt Nam đã không ngừng bứt phá mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ 24 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP).

Kỳ tích này không chỉ là kết quả của đường lối phát triển đúng đắn dưới sự lãnh đạo của Đảng với những cải cách táo bạo, quyết đoán về thể chế, chính sách và hội nhập, mà còn là thành quả của tinh thần lao động chăm chỉ, sáng tạo, ý chí quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng của toàn dân tộc, và đặc biệt trong đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp ( tế bào của nền kinh tế-xã hội).

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh kinh tế tư nhân góp phần rất quan trọng định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam, phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.

Để có góc nhìn, câu chuyện từ kinh nghiệm thực tiễn của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - một doanh nghiệp tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, sau hành trình phát triển đến nay đã khẳng định thương hiệu Việt (doanh nghiệp dân tộc) một cách thuyết phục, không chỉ trong nước, trong khu vực mà trên toàn thế giới, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk.

Bà Mai Kiều Liên là thuyền trưởng dẫn dắt con thuyền Vinamilk đạt được những thành quả đầy ấn tượng như: Không chỉ đứng đầu ngành sữa, thực phẩm của Việt Nam, thương hiệu Vinamilk đã hiện diện tại 63 quốc gia và Vinamilk cũng nằm trong Top 36 doanh nghiệp (DN) sữa lớn nhất thế giới, giá trị thương hiệu đứng thứ 6 ngành sữa toàn cầu.

Phát huy nội lực để xây dựng thành công thương hiệu Việt - Câu chuyện Vinamilk- Ảnh 2.

Từ năm 2013, Vinamilk đầu tư xây dựng các siêu nhà máy sữa nước, sữa bột để tăng cường năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao tiêu chuẩn ngành sữa trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu - Ảnh: VGP/Viên An

Doanh nghiệp Việt Nam: Tự lực, tự cường để phát triển

Thưa bà Mai Kiều Liên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của những "doanh nghiệp đầu đàn", "doanh nghiệp dân tộc". Xin bà chia sẻ về hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu Vinamilk từ một DN nội địa trở thành thương hiệu vươn tầm quốc tế?

Bà Mai Kiều Liên: Cuối thập niên 1990, rất nhiều DN nhà nước chọn liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến thị trường mua bán sáp nhập sôi động hơn bao giờ hết. Bối cảnh bấy giờ cũng buộc Vinamilk đứng trước chọn lựa liên doanh hay vẫn giữ thương hiệu hiện tại.

Chúng tôi ngồi lại với nhau nhiều ngày, tranh luận rất lâu mới đi đến quyết định không liên doanh, đó có lẽ cũng là quyết định tạo nên thương hiệu sữa Việt như hiện tại. Bởi nếu đối tác nắm 70% cổ phần, công ty còn 30% đồng nghĩa với việc DN không còn tiếng nói trong hoạt động kinh doanh, liệu thương hiệu sữa của Việt Nam còn giữ được?

Ra đời năm 1976, thời kỳ bao cấp nhiều khó khăn, Vinamilk được giao tiếp quản và khôi phục hoạt động của 3 nhà máy cũ gồm Nhà máy Trường Thọ, Nhà máy Thống Nhất và Nhà máy sữa Dielac (thời điểm này không hoạt động). Giai đoạn này, tập thể Vinamilk nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất sữa, công suất được 8 triệu hộp sữa mỗi năm.

Đến những năm 1986, thời kỳ đổi mới đất nước, mở cửa và hội nhập, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán cạnh tranh khi sữa ngoại ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Với tinh thần quyết tâm tự chủ, ban lãnh đạo Vinamilk đã tìm giải pháp là các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước, vừa đảm bảo chất lượng thành phẩm vừa tiết kiệm chi phí.

Năm 1989 đánh dấu cột mốc quan trọng khi Vinamilk khôi phục thành công nhà máy sữa bột trẻ em Dielac bằng chính bàn tay khối óc của các kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam. Từ đó, sản xuất những sản phẩm sữa bột trẻ em "made in Vietnam" đầu tiên cho thị trường trong nước với thương hiệu Dielac và sau đó còn xuất khẩu.

Để chủ động nguồn nguyên liệu cho phát triển, ngay những năm 1990, Vinamilk đã tiên phong thực hiện "cuộc cách mạng trắng" với mục tiêu xây dựng các vùng chăn nuôi bò sữa để có thể chủ động vùng nguyên liệu sữa trong nước và sữa nguyên liệu trong nước phải đạt được chuẩn quốc tế và giá thành sản xuất tiệm cận với thế giới.

Từ đó đến nay, chúng tôi đã xây dựng và phát triển các trang trại bò sữa công nghệ cao khắp Việt Nam và hiện hợp tác với hơn 4.000 nông hộ chăn nuôi bò sữa. Các trang trại Vinamilk đều là những trang trại đầu tiên của Việt Nam sở hữu tiêu chuẩn cao của thế giới như Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu Global GAP, Chuẩn hữu cơ Organic châu Âu… Đồng thời, Vinamilk cũng bắt đầu xây dựng thêm các nhà máy, hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ chế biến sữa theo các xu hướng tiên tiến của thế giới.

Không chỉ giữ vững thị trường trong nước, năm 1997, Vinamilk đã xuất khẩu lô sữa bột trẻ em đầu tiên qua thị trường Iraq, thông qua chương trình của Liên Hợp Quốc. Sau quá trình giới thiệu sản phẩm, kiểm tra chất lượng, trực tiếp thăm nhà máy, chào giá, những đơn hàng đầu tiên đã được ký kết. Tại thời điểm đó, không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu sữa. Tuy nhiên, tôi tin rằng công ty làm được bởi chất lượng sữa của chúng tôi thực chất không thua kém gì của các nước bạn, chỉ là chưa tìm được đường vào thị trường họ mà thôi.

Năm 2013, Vinamilk đầu tư xây dựng các siêu nhà máy sữa nước, sữa bột để tăng cường năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nâng cao tiêu chuẩn ngành sữa trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Và đến nay, các sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu đến 63 thị trường quốc tế, với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế từ năm 1997 đến nay đã vượt 3,4 tỷ USD, hiện thực hóa giấc mơ sữa Việt vươn tầm thế giới.

Phát huy nội lực để xây dựng thành công thương hiệu Việt - Câu chuyện Vinamilk- Ảnh 3.

Vinamilk luôn ra mắt hàng loạt đột phá về lượng và thay đổi về chất trong danh mục sản phẩm, góp phần nâng chuẩn của ngành sữa - Ảnh: VGP/Viên An

Luôn cầu tiến, đổi mới - sáng tạo

Để có được những thành tựu ấn tượng như trên là một hành trình bền bỉ và sáng tạo của Vinamilk. Theo bà những yếu tố nào là cốt lõi để Vinamilk đạt được vị thế như ngày hôm nay và để vươn cao, vươn xa hơn nữa Vinamilk sẽ tập trung vào những trụ cột nào?

Bà Mai Kiều Liên: Một quyết định khác có tính cột mốc với Vinamilk là vào năm 2003, nhận thấy cổ phần hóa là xu hướng tất yếu và sẽ tạo động lực cho sự phát triển bứt phá, chúng tôi đã thuyết phục cơ quan nhà nước chấp thuận cổ phần hóa Vinamilk. Thực tế đã chứng minh, sau hơn 20 năm, Vinamilk là một điển hình DN cổ phần hóa thành công của Việt Nam. Từ năm 2006, Vinamilk chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM. Đến nay, Vinamilk luôn nằm trong top doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam, mã cổ phiếu VNM thuộc nhóm VN30 có tác động lớn đến thị trường chứng khoán.

Thực tế đã chứng minh, sau hơn 20 năm cổ phần hóa, doanh thu của Vianmilk đã tăng hơn 15 lần. Thời điểm bắt đầu cổ phần hóa, vốn điều lệ của công ty là 1.590 tỷ đồng, đến cuối năm 2024, giá trị vốn hóa trên thị trường của công ty là 132.503 tỷ đồng. Từ năm 2004 đến quý I/2025, tổng đóng góp của Vinamilk (bao gồm cả các công ty con tại Việt Nam) cho ngân sách cả nước nói chung là 63.712 tỷ đồng.

Năm 2023, Vinamilk đánh dấu đổi mới toàn diện. Mở màn là thay đổi nhận diện thương hiệu, tiếp nối nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thực hiện chuyển đổi số, phát triển hệ thống kinh doanh mới, tiếp cận người tiêu dùng... Bước ngoặt này giúp Vinamilk nâng tầm thương hiệu với chiến lược và định vị trở thành công ty thực phẩm dinh dưỡng hàng đầu, tiếp tục mở rộng sứ mệnh "chăm sóc" cốt lõi để phù hợp hơn cho giai đoạn phát triển mới.

Năm 2024 và trong những năm tới, tiếp nối chiến lược đổi mới, Vinamilk ra mắt hàng loạt đột phá về lượng và thay đổi về chất trong danh mục sản phẩm, góp phần nâng chuẩn của ngành sữa như:

Thay đổi về chất: Thành công ứng dụng 3 đột phá về công nghệ mới lần đầu trong sản xuất sữa tại Việt Nam gồm công nghệ siêu vi lọc từ Thụy Điển và công nghệ kép hút chân không sữa tươi Green Farm, bổ sung thành công đến 6 HMO vào sản phẩm sữa công thức trẻ em Optimum. Những cải tiến này đã tạo ra sự đột phá trên thị trường, đi theo cam kết mang các tiêu chuẩn tốt nhất trên thế giới về phục vụ người tiêu dùng Việt Nam.

Đột phá về lượng: Chỉ trong 1 năm, Công ty giới thiệu mới và tái giới thiệu 125 sản phẩm, trong đó 100 sản phẩm được đổi mới theo tinh thần của bộ nhận diện mới và 25 sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường, đột phá về cả vị ngon lẫn chất lượng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng cá nhân hóa và đa dạng của người tiêu dùng.

Chuyển đổi số: Vinamilk đặt tầm nhìn là xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện kết nối chặt chẽ từ khâu sản xuất, phân phối đến bán hàng và tương tác trực tiếp với nhà bán lẻ, người tiêu dùng. Mục tiêu cuối cùng là tối ưu mọi khía cạnh vận hành nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội và bền vững.

Hoạt động của Vinamilk trong gần 50 năm nay luôn đặt chất lượng lên đầu tiên. Từ trước đến giờ, nguyên tắc của Vinamilk là làm cái gì cũng phải tốt nhất, chất lượng đạt chuẩn quốc tế. "Chất lượng-giá cả-dịch vụ" là 3 yếu tố giúp DN phát triển thị trường trong nước và thế giới. Với Vinamilk, muốn có sản phẩm đi đầu thì phải luôn sáng tạo. Sáng tạo là yếu tố sống còn. Vinamilk luôn luôn đổi mới, luôn luôn phát triển.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mong muốn các doanh nghiệp lớn chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia. Vậy khát vọng của Vinamilk là gì và DN làm gì để đóng góp thực hiện sứ mệnh đó?

Bà Mai Kiều Liên: Trong hành trình gần 50 năm, Vinamilk luôn khát vọng xây dựng nguồn dinh dưỡng chất lượng tốt nhất bởi chính người Việt và cho người Việt, vì sứ mệnh chăm sóc con người và đưa ngành sữa Việt Nam vươn tầm thế giới, được thế giới biết đến.

Khát vọng cháy bỏng của Vinamilk là làm sao ngày hôm sau phải tốt hơn ngày hôm trước, về tăng trưởng kinh doanh, thương hiệu, nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên và đóng góp cho ngân sách đất nước nhiều hơn. Hiện nay, Vinamilk đang ở Top 36 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, sẽ cố gắng tiến vào top 30, 25 hay 20; giá trị thương hiệu Vinamilk đang đứng thứ 6 ngành sữa toàn cầu nên sẽ cố gắng vào top 3.

Vì vậy, Vinamilk sẽ tiếp tục kiên định với tinh thần "Luôn cầu tiến", đổi mới-sáng tạo, nâng chuẩn ngành sữa trong nước và vươn tầm thế giới bằng thực phẩm chất lượng quốc tế, để đạt được những mục tiêu tăng trưởng mới.

DN sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm và con người, mở rộng quy mô chuyển đổi số và ứng dụng sâu hơn các công cụ số hiện đại vào dự báo và ra quyết định kinh doanh. Chúng tôi tin tưởng rằng với nội lực mạnh mẽ, chiến lược phù hợp, Vinamilk sẽ tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu, mang lại giá trị bền vững và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chúng tôi truyền lửa cho thế hệ trẻ của Vinamilk hiện nay lý tưởng đó giữ được thương hiệu và đưa thương hiệu ngày càng rực sáng trong nước cũng như thế giới.

Các công ty tư nhân ở Việt Nam đang phát triển nhanh

Chúng ta đều kỳ vọng đất nước có nhiều DN dân tộc lớn. Vậy bà có đề xuất hay kiến nghị cụ thể nào gửi tới Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện để DN phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là để đất nước có được những "sếu đầu đàn" bước vào kỷ nguyên vươn mình?

Bà Mai Kiều Liên: Vấn đề quan trọng là tạo điều kiện về cơ chế chính sách, về môi trường thuận lợi, tạo một sân chơi công bằng và minh bạch cho DN cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển, cùng phấn đấu, đóng góp.

Những gì DN khó khăn, khi họ đề xuất thì Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước nên lắng nghe, tập trung xử lý và giải quyết nhanh. Vì trong kinh doanh, điều quan trọng là thời cơ. Cái gì cũng có thời cơ và DN cần nắm bắt kịp thời, chứ khi thời cơ qua rồi, muốn lấy lại được rất khó. DN cần đầu tư, thu hồi vốn và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường nhanh thì mới cạnh tranh được.

Các công ty tư nhân có vốn, nhân lực nếu được tạo điều kiện, có chính sách thuận lợi và làm đúng theo luật pháp thì phát triển rất nhanh. Hiện nay các công ty tư nhân ở Việt Nam đang phát triển nhanh, nhiều ngành nghề. Đó cũng là thuận lợi và tương lai phát triển kinh tế đất nước.

Phát huy nội lực để xây dựng thành công thương hiệu Việt - Câu chuyện Vinamilk- Ảnh 4.

Điểm độc đáo của Vinamilk là đáp ứng được nhu cầu rất đa dạng của người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa - Ảnh: VGP/Viên An

Câu chuyện truyền cảm hứng của Vinamilk chính là ở việc thương hiệu đã dám đổi mới chính mình để tốt hơn và tốt hơn nữa, ngay cả khi đã là một biểu tượng lâu đời, vững vàng của ngành sữa Việt
Bà Mai Kiều Liên


"Tự chủ, quyết liệt và thiện tâm"

Với kinh nghiệm điều hành Vinamilk suốt nhiều thập kỷ, bà có thể chia sẻ bài học lớn nhất cho sự thành công của Vinamilk và lời khuyên nào dành cho các DN Việt nói chung, trong đó có các DN khởi nghiệp và các nhà lãnh đạo trẻ trong hành trình xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo và phát triển ra thị trường quốc tế?

Bà Mai Kiều Liên: Trong hành trình gần 50 năm qua và cả sau này thì "Tự chủ, quyết liệt và thiện tâm" vẫn là 3 cụm từ định hướng cho sự phát triển, đổi mới của Vinamilk.

Câu chuyện truyền cảm hứng của Vinamilk chính là ở việc thương hiệu đã dám đổi mới chính mình để tốt hơn và tốt hơn nữa, ngay cả khi đã là một biểu tượng lâu đời, vững vàng của ngành sữa Việt.

Việt Nam đang ở vào kỷ nguyên vươn mình, nền kinh tế Việt Nam có lợi điểm là đi tắt đón đầu. Thời đại hiện nay là kinh tế mở toàn cầu, chúng ta đều có thể tiếp cận với công nghệ, tiến bộ mới nhất để áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng doanh nghiệp, giúp phát triển doanh nghiệp.

Các DN cần đi tắt đón đầu, năng động, nắm bắt được cơ hội. Mỗi DN phải tìm được đường đi, sản phẩm của mình phải độc đáo, chuyển đổi sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu thị trường. Điểm độc đáo của Vinamilk là đáp ứng được nhu cầu rất đa dạng của người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Thủy (thực hiện)


Nguồn: https://baochinhphu.vn/phat-huy-noi-luc-de-xay-dung-thanh-cong-thuong-hieu-viet-cau-chuyen-vinamilk-102250418121338135.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm