Thường trực HĐND thành phố điều hành phiên họp sáng 16/7 

Theo sát các chương trình mục tiêu

Ba chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được ví như ba trụ cột nâng đỡ cho hành trình phát triển ở Huế. Để ba trụ cột ấy vững vàng, phải có sự theo sát, tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn từ chính sách đến thực thi.

Từ năm 2024, HĐND thành phố đã thành lập đoàn giám sát chuyên đề, trực tiếp khảo sát thực tế, làm việc với các sở ngành và chính quyền cơ sở về tiến độ, hiệu quả triển khai các chương trình. 

Những con số được báo cáo rõ ràng: Gần 28.400 tỷ đồng được huy động, 346 công trình hạ tầng đã đầu tư, hàng trăm sản phẩm OCOP ra đời, hơn 1.800 hộ nghèo được xây nhà kiên cố, hàng nghìn hộ được hỗ trợ sinh kế...

Nhưng đi cùng với đó là những vấn đề còn tồn đọng, điển hình như đến tháng 5/2025, vẫn còn hơn 856 tỷ đồng vốn ngân sách chưa được giải ngân. Nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí "chững lại" vì thiếu mặt bằng, vướng thủ tục, hoặc... không còn đối tượng thụ hưởng. Những điều ấy, nếu chỉ nằm trong các văn bản, rất dễ bị bỏ qua.

Theo ghi nhận của đoàn giám sát do ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND TP. Huế làm trưởng đoàn, tại một số địa phương, có tình trạng lập kế hoạch hỗ trợ chưa cập nhật tình hình thực tế; một số cán bộ cơ sở còn lúng túng vì thiếu hướng dẫn, quy định phức tạp, dẫn đến việc chậm tiến độ…

Báo cáo giám sát kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa VIII cho thấy: Các vấn đề như chậm đền bù tuyến đê Hương Phong – Hương Vinh hay đường ven phá Tam Giang chưa hoàn thành đã được phản ánh nhiều lần qua các kỳ tiếp xúc, nhưng đến nay, tiến độ xử lý vẫn còn chậm, chưa có lộ trình cụ thể.

HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố phải báo cáo tiến độ cụ thể đối với từng kiến nghị, phân công rõ trách nhiệm và thời hạn hoàn thành. Những kiến nghị có tính hệ thống sẽ được đưa vào nghị quyết chuyên đề để có cơ sở thực thi.

Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khoá VIII vào sáng 16/7, trình bày tóm tắt báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 9, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Văn Tuấn nhấn mạnh: Các kiến nghị của cử tri cần được xử lý đến nơi đến chốn, không để tình trạng ghi nhận nhưng không rõ trách nhiệm hay thời hạn thực hiện.

Quá trình giám sát của HĐND thành phố chỉ rõ, một số công trình như tuyến kè Hói Cống Bạc ở phường An Đông (cũ), các hạng mục hạ tầng xã Bình Tiến (cũ) hay công trình vùng dân tộc tại huyện A Lưới (cũ) đã kéo dài nhiều năm do thiếu vốn hoặc vướng quy định. Việc đưa các nội dung này vào chương trình giám sát chuyên đề giúp làm rõ nguyên nhân và thúc đẩy tiến độ triển khai.

Lãnh đạo HĐND thành phố khảo sát thực tế các vấn đề dân sinh được cử tri kiến nghị trong thời gian qua 

Nghị quyết gần dân

Điểm sáng rõ nhất của hoạt động giám sát chính là sự chuyển hóa thành chính sách. Những nghị quyết được ban hành không còn khô cứng, xa rời thực tế mà ngày càng gần gũi, thiết thực.

Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND về hỗ trợ giảm nghèo bền vững là một ví dụ. Sau khi khảo sát, HĐND thành phố nhận thấy một bộ phận người dân dù đã thoát nghèo nhưng thu nhập vẫn chưa bền vững, khó tiếp cận bảo hiểm y tế (BHYT), tín dụng. Từ đó, nghị quyết ra đời, hỗ trợ mua BHYT cho hơn 15.000 người, trợ cấp cho hàng trăm hộ nghèo không có khả năng lao động, hỗ trợ xóa nhà tạm, lãi suất vay vốn...

Không chỉ trong an sinh xã hội, HĐND thành phố còn thể hiện rõ vai trò trong việc thúc đẩy đầu tư công, cải cách hành chính, chuyển đổi số và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nghị quyết về cơ chế lồng ghép nguồn lực giữa các chương trình cũng là sản phẩm từ thực tế giám sát, giúp tháo gỡ tình trạng địa bàn “trùng lắp nhưng không được đầu tư”.

Huế đang vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Điều này đặt ra yêu cầu mới cho HĐND thành phố, không chỉ đại diện tiếng nói của dân mà còn phải là “người bạn đồng hành” với chính quyền trong phát triển.

Không có cấp trung gian, công tác giám sát càng phải đi thẳng từ thành phố đến tận cơ sở. Từng cuộc tiếp xúc cử tri, từng đợt khảo sát, từng tổ đại biểu đều phải chủ động, sâu sát, biết nhìn vấn đề và biết dẫn đường cho chính sách.

Theo tinh thần được thể hiện trong các báo cáo giám sát của HĐND thành phố, Phó Chủ tịch HĐND TP. Huế, ông Hà Văn Tuấn cho rằng, giám sát không chỉ là hoạt động kiểm tra, mà phải hướng đến hành động thực chất. Từ kết quả giám sát, HĐND mới có thể ban hành được những nghị quyết sát với cuộc sống.

Giám sát hiện nay không còn là “việc nội bộ” của HĐND. Cử tri đang thấy rõ những đổi thay từ chính công việc này: Đường sá được nâng cấp, mô hình sinh kế được hỗ trợ, người yếu thế có thêm chính sách chở che. Và hơn cả, họ thấy mình được quan tâm nhiều hơn trong dòng chảy phát triển.

Những kết quả tích cực của các chương trình mục tiêu quốc gia ở Huế, từ tỷ lệ giảm nghèo cao, xây dựng nông thôn mới đồng bộ, phát triển vùng đồng bào dân tộc bền vững đều có dấu ấn của công tác giám sát. Và mỗi cuộc giám sát, nếu làm đến nơi đến chốn, đều có thể mở ra những nghị quyết mang lại thay đổi thật sự cho người dân.

Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố sẽ thông qua nghị quyết về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp lần thứ 9; kết quả giám sát việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Huế giai đoạn 2021-2025.

Lê Thọ

Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/phat-huy-quyen-giam-sat-nang-cao-hieu-luc-quan-tri-dia-phuong-155695.html