Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy tín dụng chính sách hỗ trợ Nghệ An tận dụng thời cơ lịch sử

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp người dân ở tỉnh Nghệ An vươn lên, nâng cao đời sống, thúc đẩy kinh tế và xây dựng xã hội hiện đại, bền vững.

VietnamPlusVietnamPlus18/05/2025

Tháng 5, về xã Kim Liên, huyện Nam Đàn càng thêm ý nghĩa trong hương sen ngào ngạt, sen thơm suốt dọc đường theo bước chân du khách.

Xưa, sen ở với người và với làng đã hun đúc nên một người con Việt Nam đẹp nhất - Chủ tịch Hồ Chí Minh “vạch đường đi cho dân tộc theo đi” đến kỷ nguyên độc lập, gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Nay, sen nuôi dưỡng hồn người, nhắc nhở người dân quê Bác phải tốt hơn, phải cách mạng hơn, vượt lên khó khăn của mảnh đất miền Trung “thiếu mưa thừa nắng” phát triển kinh tế đi đôi với sự trợ lực của nguồn vốn tín dụng chính sách tiến vào thế giới văn minh, hiện đại, sánh vai cùng cường quốc năm châu mà Bác Hồ đã định.

Vốn chính sách tạo thương hiệu

Đến mảnh đất xã Kim Liên, hỏi đặc sản miền quê này, ai ai cũng sẽ nhắc ngay đến Giò bê Quân béo. Đây là tên cơ sở sản xuất của thương hiệu sản phẩm gia đình anh Lê Hải Quân ở xóm Sen 1. Hiện sản phẩm của gia đình anh đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành cả nước, tạo việc làm cho hơn chục lao động với mức thu nhập ổn định.

Nhưng ít có ai biết rằng, nền tảng để có ngày hôm nay của gia đình anh bắt nguồn từ 100 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn để khởi động cơ sở sản xuất.

Từ vốn vay giải quyết việc làm, gia đình anh đã có nguồn lực đầu tư máy móc, trang thiết bị để làm cơ sở sản xuất giò bê với thương hiệu Giò bê Quân béo.

“Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình tôi có điều kiện trang trải cuộc sống khó khăn và có tiền để tiếp tục đầu tư mở rộng theo xu hướng hiện đại,” anh Quân cho biết.

Cùng cảnh như anh Quân, gia đình anh Trần Văn Trà ở xóm Vân Hội, hiện đang vay vốn 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm. Tuy nhiên, ngành nghề mà anh chọn lại là đầu tư nuôi lợn. Cùng với việc áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, đến nay trang trại chăn nuôi lợn của anh Trà đã có hơn 800 con lợn, tạo thu nhập ổn định cho hộ gia đình. Mô hình chăn nuôi lớn nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường, hệ thống cấp nước sạch để tắm, chăn nuôi và hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi được quan tâm xây dựng đạt chuẩn, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Những nỗ lực bền bỉ của từng người dân Kim Liên như anh Quân, anh Trà đã làm nên bức tranh kinh tế ngày càng phát triển. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt 42 tỷ đồng với 9 chương trình tín dụng đang được triển khai trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã giai đoạn 2020 - 2025 từ 4,1% xuống còn 0,55%; 905 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội.

Khát vọng vươn lên

Từ một làng quê nghèo, Kim Liên đã vươn lên đổi mới mỗi ngày và được Nhà nước phong tặng danh hiệu xã “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1997, xã Văn hóa năm 2006. Năm 2014 Kim Liên được tỉnh Nghệ An công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đặc biệt, năm 2023 Kim Liên đạt xã chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và đang trong hành trình thi đua xây dựng nâng cao các tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu.

Như thể hoa sen cứ lặng lẽ nở, cứ thơm ngát trong đầm, không chỉ ở Kim Liên, những người dân xứ nghệ quê Bác đang hàng ngày, hàng giờ vượt qua chính mình trong hành trình phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), tại buổi thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Xứ Nghệ là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và Cách mạng, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng, danh nhân, tướng lĩnh, chí sĩ, doanh nhân tài ba, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, anh hùng giải phóng dân tộc, cùng nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung. Nghệ An cũng là quê hương của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, biểu tượng sớm nhất của chính quyền công - nông trong lịch sử Cách mạng Việt Nam. Chính từ truyền thống “sâu rễ, bền gốc” ấy là điểm tựa tinh thần vững chắc, là nguồn lực nội sinh quý báu nuôi dưỡng bản lĩnh, khí chất và khát vọng đi lên của đất và người xứ Nghệ.

2.png

Tinh thần này đã và đang được hun đúc từ việc triển khai hiệu quả nguồn vốn chính sách những năm qua. Đặc biệt, để vực dậy một mảnh đất nghèo, có diện tích và đơn vị hành chính lớn, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn cao.

Những năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã tích cực tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp lãnh đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và gần đây là Chỉ thị số 39-CT/TW. Trong đó, tập trung nguồn lực địa phương ủy thác cho vay các đối tượng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đến 30/4/2025, tổng nguồn vốn thực hiện tại chi nhánh đạt 14.071 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 536 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,81% trong tổng nguồn vốn.

Đây là nền tảng để chi nhánh mở rộng tín dụng hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách tại 100% xã, phường trong tỉnh với tổng dư nợ đạt 14.053 tỷ đồng cho vay nhiều chương trình tín dụng chính sách.

Bên cạnh đó, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện đẩy mạnh việc ứng dụng ngân hàng số, nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng, cung cấp dịch vụ mobile banking cho khách hàng với những tiện ích ngày càng đa dạng. Chất lượng tín dụng không chỉ là những con số tăng trưởng mà còn được kiểm định thông qua việc tổng hợp kết quả kiểm tra, đối chiếu của các cấp hội, đoàn thể với kết luận vốn vay được giải ngân đến đúng đối tượng, 100% hộ vay được vay và sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Tuy nhiên, để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục là trụ cột phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy Nghệ An đi nhanh hơn, tiến kịp cùng cả nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết nguồn vốn hỗ trợ người nghèo và đối tượng chính sách vẫn là một thách thức cho tỉnh. Đến hết quý 1, hầu hết chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn ngân sách địa phương cả năm, tuy nhiên chi nhánh tỉnh Nghệ An mới chỉ đạt tỉ lệ 54,3%.

Bởi vậy, để có thể tăng sức bền trong hành trình thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, Giám đốc Trần Khắc Hùng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân các huyện chưa hoàn thành việc chuyển nguồn vốn ủy thác địa phương tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu được giao trong quý 2/2025. Tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh cân đối chuyển đủ nguồn vốn ngân sách tỉnh để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề án “Đầu tư tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023-2025.

Ngoài ra bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương năm 2025 ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở cho công nhân theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Chủ động tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 của Ủy ban Nhân dân tỉnh, đảm bảo nguồn ngân sách địa phương đạt tối thiểu 15%/tổng nguồn vốn của ngân hàng theo Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024.

Về phía chi nhánh cũng sẽ chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, giải ngân nguồn vốn kịp thời; giám sát chặt chẽ nguồn vốn đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ Nghệ An tận dụng thời cơ lịch sử khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, được trao cơ chế đặc thù để không chỉ “phấn đấu trở thành tỉnh khá” như Bác Hồ từng căn dặn, mà xa hơn nữa, phải trở thành mô hình phát triển hiện đại của miền Trung trong kỷ nguyên mới./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/phat-huy-tin-dung-chinh-sach-ho-tro-nghe-an-tan-dung-thoi-co-lich-su-post1039175.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm