Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển

(Chinhphu.vn) - Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Senegal El Malick Ndiaye, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Morocco Rachid Talbi Alami, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Senegal và Morocco, tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6, tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 22-30/7/2025.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ20/07/2025

Phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang trả lời báo chí về chuyến công tác này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa, mục đích chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6, tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ, thăm chính thức Cộng hòa Senegal, Vương quốc Morocco?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Senegal El Malick Ndiaye, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Morocco Rachid Talbi Alami, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ thăm chính thức Senegal và Morocco, tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6, tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 22-30/7/2025.

IPU 6 là hội nghị lớn nhất của các chủ tịch quốc hội thế giới trong năm 2025, thu hút sự hiện diện nhiều nhất của các chủ tịch quốc hội trên thế giới, với hơn 110 chủ tịch quốc hội các nước cho biết sẽ tham dự.

Hội nghị năm nay có chủ đề "Một thế giới đang hỗn loạn: Hợp tác nghị viện và chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân", phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay; đồng thời mong muốn phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao nghị viện đa phương trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển vì lợi ích của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt trong hoạch định và giám sát thực thi chính sách, pháp luật.

Với những yếu tố đó, có thể khẳng định chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về song phương và đa phương, thể hiện ở những khía cạnh sau:

Một là, ở góc độ song phương, đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Thụy Sĩ, đi thăm chính thức Morocco và Senegal. Với Morocco đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau 6 năm và với Senegal là kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội sẽ góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp cùng có lợi giữa Việt Nam với Senegal, Morocco và Thụy Sĩ; thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với khu vực châu Phi và châu Âu. Đồng thời, chuyến công tác cũng là cơ hội để Việt Nam đa dạng hoá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác nghị viện với các đối tác Senegal, Morocco và Thụy Sĩ, thu hút tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam cũng như Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Hai là, nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, cũng như Kết luận số 125-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ góp phần khẳng định mạnh mẽ những chủ trương, chính sách, nỗ lực lớn của đất nước trong phát triển kinh tế, xã hội, đề cao chủ nghĩa đa phương, tạo động lực cho việc thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực, thực chất của Việt Nam đối với các hoạt động của IPU và LHQ, thúc đẩy quan hệ, hợp tác nghị viện với các nước, các tổ chức quốc tế, phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh việc tham gia trực tiếp vào giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, chúng ta còn mang đến hội nghị những kinh nghiệm, những câu chuyện thành công của Việt Nam để lan toả, chia sẻ với các nước, các tổ chức quốc tế về củng cố, giữ vững hoà bình, ổn định, phát triển đất nước, tăng cường quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thượng tôn luật pháp quốc tế, thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, vì hoà bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân, mọi quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới.

Thứ trưởng cho biết về quan hệ Việt Nam - Senegal, quan hệ Việt Nam - Morocco, quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Thụy Sĩ và kỳ vọng của Thứ trưởng về chuyến thăm?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước Senegal, Morocco và Thụy Sĩ qua nhiều thập kỷ.

Với Senegal, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1969, hai nước duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp, luôn phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như LHQ, Cộng đồng Pháp ngữ và IPU... Hợp tác về kinh tế ghi nhận những tiến triển tích cực thời gian qua, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt gần 60 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển thực chất hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và tại các cơ chế đa phương, đặc biệt nơi Senegal đóng vai trò nòng cốt, cũng như quan hệ giữa Quốc hội hai nước.

Sau gần 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam – Morocco ngày càng phát triển trên cả 3 kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Hai bên thường xuyên phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước phát triển tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương. Morocco hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại Bắc Phi, với kim ngạch thương mại song phương tăng đều hằng năm.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ tạo động lực mạnh mẽ để hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, nhất là về thương mại, đầu tư, nông nghiệp và du lịch, hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 500 triệu USD trong những năm tới.

Quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Về thương mại, Thụy Sĩ là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong Hiệp hội Tự do thương mại châu Âu (EFTA), kim ngạch thương mại hai nước năm 2024 đạt 811 triệu USD, riêng 5 tháng đầu năm 2025 đạt 375 triệu USD. Đầu tư của Thụy Sĩ tại Việt Nam hiện đạt hơn 2,1 tỷ USD, đứng thứ 6 tại châu Âu, đứng thứ 20/147 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tháng 1/2025, nhân dịp dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 55 tại Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter đã nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước. Trên cơ sở đó, Việt Nam và Thụy Sĩ sẽ tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; phối hợp đẩy nhanh tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EFTA, tiếp tục mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tôi tin tưởng rằng chuyến công tác tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6, tiến hành các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ, thăm chính thức Senegal và Morocco của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, để lại dấu ấn tốt đẹp về vai trò, vị thế, đóng góp tích cực, thực chất của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

BNG


Nguồn: https://baochinhphu.vn/phat-huy-vai-tro-quan-trong-cua-ngoai-giao-nghi-vien-trong-thuc-day-hoa-binh-hop-tac-va-phat-trien-102250720095621082.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm