Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển công nghiệp: Động lực dẫn dắt tăng trưởng

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực vào năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã và đang ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số chuyên ngành có giá trị gia tăng lớn và có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Báo Thái NguyênBáo Thái Nguyên08/07/2025

Khu Công nghiệp Điềm Thụy đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Khu công nghiệp Điềm Thụy đang tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước (Ảnh: L.K).

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và một số ngành có giá trị gia tăng lớn mà tỉnh có lợi thế. Nhờ vậy, ngành công nghiệp trở thành động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Việc sáp nhập hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đã mở ra không gian phát triển mới, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Trở lại thời điểm trước khi sáp nhập 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, với những lợi thế giáp Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên đã tập trung quy hoạch các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), tăng cường các giải pháp trong thu hút đầu tư.

Tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020-2025 trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Theo đó, tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt khoảng 1.211.000 tỷ đồng, tăng bình quân từ 9%/năm trở lên. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của tỉnh đạt từ 8%/năm trở lên.

Dây chuyền chế biến sâu tinh quặng xuất khẩu tại Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.
Dây chuyền chế biến sâu tinh quặng xuất khẩu tại Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Thái Nguyên đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư hạ tầng giao thông bên trong, ngoài hàng rào các KCN, CCN theo hướng liên kết, kết nối. Tỉnh đã quy hoạch 11 KCN và 1 khu công nghệ thông tin tập trung (tổng diện tích 4.245ha); đã thành lập 9 KCN, trong đó 5 KCN đang hoạt động; quy hoạch 41 CCN (tổng diện tích 2.067ha), đã thành lập được 16 CCN.

Tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, ưu tiên tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, như: Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử và vi mạch bán dẫn; vật liệu mới.

Với môi trường đầu tư thân thiện, Thái Nguyên đã là điểm dừng chân của nhiều doanh nghiệp FDI. Giai đoạn 2021-2025, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Thái Nguyên (cũ) tăng bình quân 8%/năm.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên (cũ) thu hút 161 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 67.357 tỷ đồng. Lũy kế đến nay có 910 dự án trong nước (tổng vốn đăng ký 1,01 triệu tỷ đồng); cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 150 lượt dự án FDI với tổng vốn 2,73 tỷ USD. Lũy kế hiện có 217 dự án FDI với tổng vốn 10,819 tỷ USD.

Đối với tỉnh Bắc Kạn (cũ), đã thu hút 71 dự án trong nước với tổng vốn 14.377 tỷ đồng (gồm 67 dự án ngoài KCN với số vốn 13.695 tỷ đồng và 4 dự án trong KCN với số vốn 682 tỷ đồng). Lũy kế còn 185 dự án trong nước (tổng vốn 23.794 tỷ đồng) và 5 dự án FDI (tổng vốn 40 triệu USD).

 

Sản xuất ván ép tại Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam (Khu công nghiệp Thanh Bình).
Sản xuất ván ép tại Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam (Khu công nghiệp Thanh Bình).

Sau khi đầu tư và đưa Nhà máy Phổ Yên 2 (tại KCN Điềm Thụy) vào hoạt động năm 2017, đến năm 2024, Công ty TNHH Mani Hà Nội đã hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục mở rộng đầu tư tại Nhà máy Phổ Yên 2.

Ông KAORU, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mani Hà Nội, cho biết: Tổng nguồn vốn đầu tư tăng thêm tại Nhà máy Phổ Yên 2 khoảng 30 triệu USD. Công ty TNHH Mani đang có 3.300 nhân viên làm việc tại 2 nhà máy ở Thái Nguyên, chiếm khoảng 80% trong cả Tập đoàn tại Việt Nam.

Khi Dự án mở rộng đầu tư tại Nhà máy Phổ Yên 2 được hoàn thành, Công ty TNHH Mani Hà Nội sẽ tuyển dụng thêm 500-700 nhân viên, nâng công suất từ 30-40% so với trước khi đầu tư mở rộng.

Không riêng các doanh nghiệp FDI, tỉnh Thái Nguyên cũng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp trong nước vào đầu tư để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco đã đầu tư nhà máy may tại xã Phú Thịnh và hiện đang tập trung hoàn thành nhà máy may thứ 2 tại Cụm công nghiệp Tân Dương.

Nhà máy may Thagaco Smart Green Định Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công tại Cụm công nghiệp Tân Dương, với tổng mức đầu tư 788 tỷ đồng.
Nhà máy may Thagaco Smart Green Định Hóa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công tại Cụm công nghiệp Tân Dương, với tổng mức đầu tư 788 tỷ đồng.

Ông Trương Công Chường, Giám đốc phát triển dự án Công ty CP Đầu tư quốc tế Thagaco, cho biết: Thagaco đầu tư xây dựng nhà máy may tại CCN Tân Dương theo tiêu chí xanh của Hiệp hội Hoa Kỳ và nhà máy thông minh. Nhà máy may Thagaco Smart Green Định Hóa với tổng mức đầu tư 788 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 4.000-4.500 lao động.

Đối với Bắc Kạn (cũ), trước thời điểm sáp nhập, tỉnh quy hoạch 8 KCN, 27 CCN. Đến nay thành lập 1 KCN (80,7ha) và 8 CCN (tổng 264,9ha), trong đó 1 KCN và 1 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút một số dự án FDI, góp phần tăng trưởng giá trị công nghiệp bình quân 10,9%/năm, quy mô đạt 2,2 nghìn tỷ đồng.

Tuy giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên (mới) hiện nay chưa đạt kế hoạch theo kỳ vọng, song ngành công nghiệp vẫn là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Để khai thác lợi thế tiềm năng đất đai phát triển công nghiệp nói riêng, du lịch, nông - lâm nghiệp ở khu vực tỉnh Bắc Kạn (cũ), tỉnh Thái Nguyên cũng đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, chưa tạo sức hút cho các doanh nghiệp vào đầu tư tại các KCN, CCN đã quy hoạch.

Sản xuất trà hoa vàng tại Công ty TNHH Hà Diệp (đứng chân trên địa bàn phường Đức Xuân).
Sản xuất trà hoa vàng tại Công ty TNHH Hà Diệp (đứng chân trên địa bàn phường Đức Xuân).

Để tháo gỡ, tại cuộc làm việc mới đây của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Sơn đã đề xuất với Chính phủ mở rộng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới. Đồng thời, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng (nay là tuyến Thái Nguyên - Cao Bằng) và nâng cấp tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên từ 4 lên 6 làn xe.

Các đề xuất của tỉnh được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng thống nhất cao và giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Cao Bằng để thống nhất đề xuất.

Cùng với đề xuất bố trí nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông kết nối, hiện nay các sở, ngành đang tích cực tham mưu với tỉnh rà soát điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với đơn vị hành chính sau sáp nhập. Đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư, lấp đầy các KCN, CCN đã quy hoạch.

Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Điện, điện tử, bán dẫn, chế biến cơ khí, luyện kim, nông - lâm sản, khoáng sản, ngành may mặc; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp. Hình thành và phát triển các doanh nghiệp lớn để xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao trước năm 2030, phấn đấu thành tỉnh phát triển có thu nhập cao trước năm 2045...

Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/phat-trien-cong-nghiep-dong-luc-dan-dat-tang-truong-4890c62/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm