Là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn, hệ thống sông ngòi, ao hồ phong phú, Vĩnh Phúc có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực như cây lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả (bưởi, nhãn, cam), cây dược liệu; chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò theo mô hình trang trại quy mô vừa và lớn; phát triển rừng sản xuất, trồng cây lấy gỗ và dược liệu dưới tán rừng.
Để thúc đẩy phát triển các ngành hàng này phát triển bền vững, tỉnh đã tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua kết nối với các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, đặc biệt là hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch và sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ tại chỗ thông qua các mô hình trải nghiệm nông thôn mới, farmstay, góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Song song với đó, ngành nông nghiệp tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu nông sản địa phương.
Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành trong đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu. Các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã thực hiện liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Tính đến cuối năm 2024, ngành Nông nghiệp đã cấp 96 mã số vùng trồng, trong đó, 68 mã số vùng trồng nội địa, 1 mã số đóng gói, 27 mã số vùng trồng xuất khẩu; công nhận 178 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh; xây dựng 28 mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ; duy trì 14 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm cho thành phố Hà Nội.
Một số sản phẩm đặc trưng đã xây dựng được thương hiệu như dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ (Lập Thạch), bưởi Vĩnh Tường…Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt 63 triệu đồng/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2020.
Tận dụng lợi thế đất đồi rộng, các địa phương như Lập Thạch, Sông Lô và thành phố Phúc Yên mở rộng vùng trồng thanh long ruột đỏ, với sản lượng hơn 1.700 tấn (chiếm hơn 88% tổng sản lượng toàn tỉnh).
Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Úc, Malaysia… Đặc biệt, thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2015, góp phần thu hút doanh nghiệp tham gia chế biến và đa dạng hóa sản phẩm.
Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được đẩy mạnh. Các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường và Sông Lô hiện có tổng đàn bò thịt hơn 65 nghìn con (chiếm 72,6% toàn tỉnh), cung cấp trên 3.700 tấn thịt hơi xuất chuồng (63% sản lượng toàn tỉnh), chủ yếu tiêu thụ tại địa phương và các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh…
Sản phẩm sữa bò tập trung tại huyện Vĩnh Tường, một phần ở Tam Đảo và Lập Thạch. Riêng tại Vĩnh Tường có 185 trang trại, 1.750 hộ nuôi với tổng đàn hơn 15.600 con, chiếm trên 90% tổng đàn bò sữa của tỉnh, đưa Vĩnh Phúc đứng thứ 6 cả nước về quy mô đàn bò sữa. Sản phẩm sữa tươi đã được liên kết chuỗi với các công ty như Vinamilk, Công ty Sữa Hà Lan để thu mua trực tiếp từ người dân.
Để phát huy hiệu quả đa dạng hóa thị trường trong phát triển ngành hàng nông, lâm, thủy sản, ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp đảm bảo quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ được đồng bộ, minh bạch, hiệu quả.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, quảng bá, bán hàng trực tuyến; tổ chức tập huấn kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý sản xuất và thương mại cho nông dân, cán bộ hợp tác xã.
Tỉnh chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư vào giao thông nông thôn, hệ thống kho lạnh, bảo quản và sơ chế nông sản; phát triển nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản địa phương. Qua đó, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững trong giai đoạn mới.
Nguyễn Hường
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/128909/Phat-trien-nong-lam-thuy-san-gan-voi-da-dang-hoa-thi-truong
Bình luận (0)